Nhân dân tệ điện tử, hay e-CNY, không phải là đồng tiền ảo như bitcoin mà là đồng tiền pháp định kỹ thuật số (CBDC - Central Bank Digital Currency) được hình thành từ năm 2014 và hiện đang trong quá trình phát triển bởi Viện nghiên cứu Tiền kỹ thuật số trực thuộc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc.
Mặc dù có quan điểm khắt khe và ban hành lệnh cấm khắc nghiệt với crypto, đặc biệt là sau cú sập của LUNA/UST, Trung Quốc lại tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ blockchain và tiên phong trong việc chế tạo đồng tiền pháp định kỹ thuật số.
Tổng giá trị giao dịch e-CNY tính từ cuối năm 2019 đến cuối tháng 5/2022 đã đạt 83 tỉ NDT (12,3 tỉ USD). Gần 4,6 triệu thương nhân trên khắp Trung Quốc đã chấp nhận thanh toán bằng đồng tiền số, còn gọi là e-CNY. Nhiều người sử dụng nó để mua sắm, ăn tối, sử dụng vì mục đích tài chính cá nhân như trả thuế hay trả lương nhân viên.
Nhưng dù vậy, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) vẫn còn một chặng đường dài phải đi trên con đường phát triển tiền số.
Tỷ lệ người dân sử dụng e-CNY vẫn chỉ như một giọt nước nếu so với tổng lượng thương mại được thực hiện thông qua 2 hệ thống thanh toán di động đang thống trị ở Trung Quốc – Alipay của Ant Group và WeChat Pay của Tencent.
Chỉ tính riêng giao dịch trung bình hàng tháng của Alipay đã lên tới 10 nghìn tỉ NDT trong năm 2020.
Việc mở rộng sử dụng đồng tiền số của Trung Quốc mang tới nhiều cơ hội, nhưng cũng không ít thách thức (Ảnh: Reuters) |
Để thu hẹp khoảng cách đó, Trung Quốc sẽ cần một lượng lớn tiền đầu tư vào công nghệ. Để có thể xử lý được lượng giao dịch khổng lồ trong nền kinh tế Trung Quốc, nước này cần có khả năng xử lý thanh toán từng giây; điều này có nghĩa họ sẽ phải đầu tư hàng tỉ NDT để xây dựng các trung tâm dữ liệu, thêm server và băng thông.
Việc mở rộng các chương trình tiên phong và khả năng ứng dụng của PBoC sẽ đòi hỏi nâng cấp phần mềm cũng như phần cứng tại các tổ chức tài chính, đồng thời tăng cơ hội cho lĩnh vực tiêu thụ phần cứng thông minh để thu hút thêm nguồn vốn vào các lĩnh vực đang nổi.
Cùng lúc, ngân hàng trung ương sẽ phải thiết lập và sửa đổi một số quy định bởi các quy định hiện hành liên quan tới tài chính, thuế, kế toán và thống kê dựa trên tiền thật sẽ không thể áp dụng một cách phù hợp với tiền số.
Tại một cuộc họp ngày 1/8, PboC tuyên bố sẽ tiếp tục mở rộng các cuộc thử nghiệm tiền số. Hiện tại, e-CNY đang được thử nghiệm tại 23 thành phố và khu vực trực thuộc 15 tỉnh và các thành phố cấp tỉnh. Nhưng việc mở rộng sẽ gặp nhiều thách thức do người tiêu dùng Trung Quốc nay đã quá quen với việc thanh toán thông qua Alipay và WeChat Pay.
Mục đích chính của chương trình tiền số này là tạo dựng niềm tin vào tính hữu dụng của e-CNY, theo ông Mu Changchun, người đứng đầu viện nghiên cứu tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương. Đồng tiền số là một đồng tiền hợp pháp được phát hành bởi PboC và được chính phủ hỗ trợ, ông Mu nói.
Dù cho dưới hình thức nào, thì một đồng tiền cần phải có 3 chức năng chính: dự trữ giá trị, thước đo giá trị và một phương tiện giao dịch.
Đối với người tiêu dùng, chức năng cơ bản nhất chính là phương tiện thanh toán hoặc giao dịch.
Viện nghiên cứu tiền số của PBoC đã đặt mục tiêu đưa đồng e-CNY nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với các công cụ thanh toán khác trên thị trường, theo ông Mu.
Tập trung vào bán lẻ
Các ngân hàng trung ương có 2 lựa chọn cho tiền số: tiền số của ngân hàng trung ương (CBDC) bán buôn, chủ yếu được phát cho các tổ chức như ngân hàng thương mại và phần lớn là dùng cho các giao dịch giá trị cao, hoặc CBDC bán lẻ được phát hành cho các cá nhân và doanh nghiệp để họ sử dụng cho giao dịch hàng ngày.
Ngay từ đầu, Trung Quốc đã đặt mục tiêu vào đồng tiền bán lẻ. Mục đích chính của việc phát triển e-CNY là đáp ứng nhu cầu thanh toán bán lẻ nội địa và cải thiện môi trường tài chính.
Đồng e-CNY sẽ đáp ứng được đầy đủ nhu cầu thanh toán hàng ngày của người dân, cải thiện tính hiệu quả của hệ thống thanh toán bán lẻ và giảm chi phí, PBoC nói trong bản báo cáo tháng 7/2021.
Việc thúc đẩy đồng tiền số ở Trung Quốc bắt đầu bằng việc chính quyền địa phương tặng tiền cho người dân đi mua sắm. Thâm Quyến, một trong những thành phố đi tiên phong, vào tháng 10/2020 đã trao đi 10 triệu e-CNY cho người dân, có thể giúp họ thanh toán trong các nhà hàng và cửa hiệu. Một số thành phố khác cũng làm tương tự.
Tháng 5/2022, Thâm Quyến đã phân phát thêm lượng e-CNY trị giá 30 triệu NDT cho người dân địa phương, trong chương trình hợp tác với nền tảng giao thức ăn Meituan Dianping.
Trong dự án này, hơn 52.000 người bán trên nền tảng này đã chấp nhận e-CNY và cho hay số đơn hàng họ nhận được đã tăng 58,9%, tổng lượng giao dịch tăng 64,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thách thức hiện giờ là làm thế nào để làm tăng số người sử dụng e-CNY và sự gắn bó của họ đối với đồng tiền số này, nhiều quan chức PBoC cho hay. Trả lương và các giao dịch khác có thể giúp tăng cường sử dụng nó. Khi người dân được trả lương bằng đồng tiền số, họ sẽ chi tiêu nó, ông Mu nói.
Trong bước tiếp theo, ngân hàng trung ương sẽ tăng cường sự hội nhập của e-CNY đối với cộng đồng và doanh nghiệp tư nhân; hỗ trợ các dịch vụ quản lý quỹ và thanh toán lương đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ; cùng với các dịch vụ công như trả thuế, giao dịch trong các cơ quan chính phủ, ông Fan Yifei, Phó Thống đốc PBoC cho hay.
Tiêu dùng và hơn thế nữa
Việc sử dụng đồng tiền số đã được mở rộng trên cả tiêu dùng. Kể từ tháng 6, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc đã cho phép khách hàng của họ sử dụng e-CNY để mua các sản phẩm quản lý tài sản. Ngày 10/6, một khách hàng đã mua bảo hiểm xe hơi đầu tiên nhờ sử dụng e-CNY.
PBoC cũng khai thác nhiều ứng dụng sáng tạo cho đồng e-CNY. Trong chương trình tiên phong của họ, các hợp đồng thông minh được sử dụng để giúp cho e-CNY có thể lập trình, có thể mở rộng và tích hợp tốt hơn trong nhiều viễn cảnh, theo PBoC.
Trong hoạt động tiêu dùng thanh toán trước, như các nền tảng thuê căn hộ dài hạn hay dịch vụ dạy thêm, đã từng có nhiều trường hợp mà trong đó chủ của các doanh nghiệp phá sản ôm tiền của khách hàng. Đồng tiền số được tin là có khả năng ngăn chặn những trường hợp như vậy.
Tháng 12/2021, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc và Huawei Technologies Co. đã khởi động nền tảng quản lý cho thuê căn hộ dựa trên đồng e-CNY đầu tiên ở Thâm Quyến. Tháng 5 năm nay, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và chính quyền quận Phúc Điền, Thâm Quyến đã khởi động nền tảng thanh toán trước bằng đồng e-CNY đầu tiên để thanh toán cho các dịch vụ giáo dục và đào tạo. Trong tháng 7, Ngân hàng Truyền thông ký một thỏa thuận về dịch vụ học phí bằng đồng e-CNY với một công ty đào tạo Anh ngữ có trụ sở tại Bắc Kinh.
Theo những mô hình giám hộ dựa trên đồng tiền số như vậy, các quỹ thanh toán trước của người tiêu dùng được dự trữ trong các ví điện tử cá nhân, và chỉ có lượng tiền xác thực được tiêu thụ mới được chuyển cho bên bán. Điều này làm giảm rủi ro chủ doanh nghiệp ôm tiền của khách hàng bỏ trốn, ông Mu nói.
Trong tương lai, người tiêu dùng có thể sử dụng các quỹ thanh toán trước ở trong ví điện tử của họ để mua các sản phẩm quản lý tài sản, và ngân hàng có thể cung cấp vốn vay và các dịch vụ tài chính khác cho doanh nghiệp, giúp tăng tính hiệu quả, theo ông Mu.
Người dân ở nhiều thành phố đã có thể sử dụng e-CNY để thanh toán (Ảnh: Reuters) |
Mức phí đối với thương nhân
Để giảm sự cạnh tranh với hoạt động ký gửi của ngân hàng truyền thống, các quỹ e-CNY sẽ không có lợi tức và lưu hành giống với đồng tiền giấy trong hệ thống 2 lớp, trong đó PBoC phát hành tiền và các ngân hàng thương mại chuyển đổi thành e-CNY cho người dân.
Để tăng sự chấp nhận của công chúng đối với tiền số, ngân hàng trung ương hiện không đánh phí các ngân hàng và các tổ chức khác trong việc chuyển đổi và lưu hành, trong khi các tổ chức cũng không thu phí của khách hàng.
Ngân hàng trung ương chưa từng hứa hẹn rằng đồng tiền số sẽ luôn miễn phí đối với các thương nhân. Một nhà nghiên cứu cho hay, duy trì một đồng tiền số miễn phí trong dài hạn là không thực tế.
“e-CNY vẫn chưa được tiếp thị đầy đủ và vẫn đang trong giai đoạn đầu,” nhà nghiên cứu này nói. “Chúng ta sẽ dần dần khám phá ra một mô hình kinh doanh bền vững và lành mạnh.”
Để cấu trúc 2 lớp này vận hành đầy đủ, cần phải tuân theo diễn biến định hướng thị trường và cho phép các tổ chức thị trường tham gia vào hệ thống theo cách lành mạnh và bền vững, đòi hỏi có một cơ chế khuyến khích, theo ông Mu. Đồng tiền số miễn phí đối với người tiêu dùng cá nhân, nhưng ngân hàng có thể đánh phí các tổ chức điều hành khác, như các công ty bảo hiểm và nền tảng trực tuyến, từ đó có thể tính phí những người bán hàng, ông nói thêm.
Cơ hội mới cho các công ty công nghệ
Xây dựng hệ thống tiền số sẽ đòi hỏi nhân tài và công nghệ, từ đó tạo nên nhiều cơ hội làm ăn cho các công ty công nghệ, theo Lu Wei, chuyên gia phân tích đến từ hãng Minsheng Securities.
So với các ngân hàng và công ty internet lớn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ hưởng lợi nhiều hơn từ việc mở rộng e-CNY trong ngắn hạn, theo Cao Senyuan, chuyên gia phân tích tại Zhongtai Securities.
Trong quá trình thúc đẩy việc sử dụng đồng tiền số, 2 hạng mục nhu cầu sẽ xuất hiện: Các ngân hàng sẽ cần phải thay đổi và nâng cấp các hệ thống tiền số của họ, và những ứng dụng tiền số sẽ cần phải được tạo ra trong các lĩnh vực như tài chính, hoạt động chính phủ, tín dụng, thuế, nông nghiệp, quản lý và nhiều lĩnh vực khác, theo ông Cao.
Shenzhen Techo Telecom Co., doanh nghiệp tài chính nền tảng cloud, là một trong số những bên đi tiên phong trong việc khám phá tiền số. Họ thiết lập một công ty con có tên Shenzhou Fangyuan để phát triển các sáng kiến dựa trên ứng dụng e-CNY.
Là một nhà cung cấp công nghệ cho sự kiện Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh 2022, nơi mà đồng tiền số được thử nghiệm, Shenzhen Techo đã hỗ trợ các ngân hàng xây dựng và thử nghiệm các hệ thống.
Trong tương lai, công ty này sẽ khám phá thêm cách ứng dụng tiền số như thẻ trả trước, logistics, tài chính chuỗi công nghệ, hoạt động của chính phủ và thuế, các thỏa thuận về quyền bất động sản, dịch vụ doanh nghiệp, theo Dai Ke, phó giám đốc quản lý của Shenzhen Techo, cho hay.
Cần thêm các quy định mới
Do e-CNY là đồng tiền chính thức của Trung Quốc, các tiêu chuẩn quốc tế hiện hành và luật pháp của Trung Quốc sẽ chống hoạt động rửa tiền và rót tiền cho chủ nghĩa khủng bố đối với đồng tiền này. Công tác bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng trong hệ thống e-CNY giống với tiền giấy. Tuy nhiên, các biện pháp quản lý yêu cầu cần có của e-CNY cần phải được chỉnh sửa, PBoC nói.
Trong một cuộc họp tổ chức vào tháng 3, PBoC kêu gọi sự quan tâm hơn tới các cấu trúc pháp lý để đảm bảo an ninh cho đồng tiền số. Trung Quốc có kế hoạch thắt chặt quy định về tiền số để bảo vệ quyền riêng tư của người dùng và chống lại các hoạt động rửa tiền, rót vốn cho khủng bố, ông Mu nói.
Để đảm bảo trạng thái ẩn danh của đồng tiền số, chính quyền có kế hoạch cải thiện các quy định, trong đó bao gồm thiết lập một cơ chế quản lý việc sử dụng thông tin khách hàng sao cho các tổ chức chỉ có thể tiếp cận được thông tin của người dùng với mục đích phân tích rủi ro và kiểm soát khi nghi vấn xảy ra giao dịch trái phép, ông Mu nói./.
Người giàu Trung Quốc bán tháo đồng hồ Rolex, túi xách Hermès xa xỉ
50 triệu căn hộ bỏ không – “bom nổ chậm” của thị trường nhà ở Trung Quốc
[ĐỌC CHẬM] Nỗi lo 'bong bóng' nhà đất xì hơi ở Trung Quốc
Theo Nikkei Asia
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu