Thuốc YHCT có tác dụng hỗ trợ điều trị COVID-19 khiến người dân sửng sốt vì tăng giá bán (Ảnh tổng hợp) |
Thuốc YHCT tăng giá vùn vụt sau văn bản của BYT
Sau khi công văn về việc tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu của Bộ Y tế chính thức được ban hành với 12 loại thuốc y học cổ truyền (YHCT) được cho là có tác dụng hỗ trợ điều trị COVID-19, dư luận lập tức xôn xao.
Không ít người dân sau khi nhận được thông tin về 12 loại thuốc đã đổ xô đi mua để dự trữ, tự phòng bệnh COVID-19 ở nhà. Theo tìm hiểu của PV, trong danh sách 12 loại thuốc YHCT được Bộ Y tế công bố, một số loại đã “cháy hàng”, thậm chí tăng giá vùn vụt dù trước đó giá thành rất rẻ. Điển hình là thuốc Kovir của Công ty cổ phẩn Sao Thái Dương. Thuốc được bào chế dưới dạng viên nang, được quảng cáo có tác dụng phòng và điều trị các bệnh lý do virus lây lan qua đường hô hấp, tăng cường miễn dịch, điều hòa miễn dịch trong các bệnh lý virus.
Tăng giá Kovir một cách bất thường |
Chỉ là loại thực phẩm chức năng (không phải là thuốc) với thành phần chính là sài hồ, phục linh, đẳng sâm, tiền hồ thì giá thành chỉ 1.000-2.000 đ/viên, thế mà sau khi Bộ Y tế ra công văn duyệt danh mục, Thái Dương lập tức hét giá 33.000 đồng/viên (1triệu/hộp 30 viên). VietTimes sẽ khảo sát giá thành của loại thực phẩm chức năng này, đồng thời tìm hiểu công tác quản lý nhà nước về giá bán thực phẩm chức năng để cung cấp thông tin phục vụ bạn đọc.
Trước đó, trên các trang web bán thuốc, viên nang Kovir – giúp tăng sức đề kháng hô hấp chỉ có giá 250.000 đồng. Tuy nhiên, trên mạng xã hội đã lan truyền bức ảnh thông báo của Công ty Cổ phần Sao Thái Dương cập nhật giá mới của sản phẩm viên nang Kovir (hộp 2 vỉ x 15 viên, đóng 360 hộp/kiện) có giá 1.000.000 đồng. Ngay lập tức, không ít người dân đã thắc mắc vì sao thuốc lại tăng giá ngay sau khi Bộ Y tế có văn bản công bố 12 loại thuốc YHCT có tác dụng hỗ trợ, điều trị COVID-19.
Thuốc Kovir được đề giá 1.000.000 đồng trên trang web của Công ty Cổ phần Sao Thái Dương (Ảnh - VT) |
Bên cạnh thuốc Kovir, vị thuốc xuyên tâm liên cũng đang được chào bán hàng loạt trên mạng. Người dân chỉ cần lên google search từ khoá “mua xuyên tâm liên ở đâu” là sẽ nhận được ngay hơn 50 triệu kết quả trả về chỉ trong 0,35 giây. Sau khi click vào các đường kink bán thuốc xuyên tâm liên, PV bất ngờ phát hiện mỗi nơi lại bán xuyên tâm liên với một giá khác nhau.
Thuốc xuyên tâm liên được chào bán với giá 98.000 đồng (Ảnh - VT) |
Cụ thể, ở trang web nhathuocthanthien.com bán xuyên tâm liên 1.000mg chỉ định điều trị viêm đường hô hấp, viêm amidan, viêm họng với giá 98.000 đồng được đóng gói theo hộp 1 lọ với 200 viên nén bao phim.
Xuyên tâm liên được bán với giá 200.000 đồng (Ảnh - VT) |
Còn ở trang web thaoduochcm.com, xuyên tâm liên được bán với giá 200.000 đồng, Tương tự, ở trang web caythuoc.org, xuyên tâm liên được quảng cáo có xuất xứ từ Hoà Bình, được lấy về từ rừng tự nhiên, 1 kg phơi khô có giá 200.000 đồng còn cây xuyên tâm liên có giá 100.000 đồng/kg. Đặc biệt, trang web này cón bán cả hạt giống xuyên tâm liên với giá 99.000/gói.
Ở 1 trang web khác, xuyên tâm liên lại được chào bán với giá 185.000 đồng.
Thuốc hoạt huyết nhất nhất bán trên mạng với giá 103.000 đồng/hộp (Ảnh - VT) |
Ngoài ra, thuốc hoạt huyết nhất nhất nằm trong danh sách 12 loại thuốc YHCT của Bộ Y tế cũng đang được công khai bán tràn lan trên mạng với giá thành dao động từ 99.000-105.000 đồng/hộp.
Bộ Y tế “chỉ định thầu” thuốc YHCT?
Trong văn bản về việc tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu có đề cập nội dung: Bộ Y tế chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố căn cứ thuốc cổ truyền, các sản phẩm chế biến, bào chế từ dược liệu (gồm 5 sản phẩm sát khuẩn và 12 loại thuốc y học cổ truyền) để tham khảo lựa chọn mua sắm, đấu thầu, tiếp nhận từ các tổ chức, cá nhân ủng hộ cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để hỗ trợ điều trị cho các người bệnh nhiễm virus SARS-CoV-2, đội ngũ y, bác sỹ tuyến đầu và đối tượng cách ly (F1) phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương.
Trong nội dung này, Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố dựa trên 12 loại thuốc y học cổ truyền mà Bộ đã công bố để lựa chọn mua sắm, đấu thầu. Chính nội dung này đã khiến không ít người cho rằng đây là một hình thức “chỉ định thầu” của Bộ Y tế.
Nội dung trong văn bản của Bộ Y tế gây tranh cãi dư luận (Ảnh - VT) |
Để làm rõ vấn đề này, PV VietTimes đã liên lạc với ông Nguyễn Thế Thịnh- Cục trưởng Cục Quản lý Y Dược cổ truyền, Bộ Y tế.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thế Thịnh cho biết: “12 loại thuốc y học cổ truyền được đề cập trong văn bản tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu không phải là những loại thuốc được chỉ định thầu. Không bao giờ có chuyện chỉ định thầu. Những loại thuốc này chỉ là những loại thuốc Cục Quản lý Y Dược cổ truyền đưa ra để các đơn vị tham khảo, không phải để mua sắm”.
Ông Nguyễn Thế Thịnh- Cục trưởng Cục Quản lý Y Dược cổ truyền, Bộ Y tế (Ảnh - BSCC) |
Ngay trong sáng nay, ngày 26/7, Bộ Y tế đã có văn bản thu hồi công văn về việc tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu để góp phần phòng, chống dịch COVID-19. Nguyên nhân văn bản bị thu hồi được Bộ Y tế giải thích là do có một số nội dung chưa phù hợp.
Có thể thấy, lý do thu hồi văn bản của Bộ Y tế chưa rõ ràng. Bộ Y tế không lý giải nguyên nhân thu hồi văn bản, không đưa ra được đâu là nội dung chưa phù hợp trong văn bản đã bị thu hồi.
Thông tin về việc thu hồi văn bản công bố 12 loại thuốc YHCT của Bộ Y tế, ông Thịnh cho hay: “Sau khi tiếp nhận các thông tin phản ánh và sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế liên quan đến công văn tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu, chúng tôi đã rà soát lại nội dung. Với vai trò là cơ quan tham mưu, Cục Quản lý Y Dược cổ truyền nhận thấy đây là sơ suất trong quá trình soạn thảo, tham mưu trình lãnh đạo Bộ ban hành, dẫn đến một số nội dung chưa phù hợp, chưa đầy đủ, chưa rõ ràng. Cục đã phối hợp với các vụ, cục liên quan rà soát, báo cáo, đề xuất lãnh đạo Bộ thực hiện thủ tục thu hồi công văn theo đúng quy định”.
Đặc biệt, ông Thịnh khuyến cáo: “Người dân không nên tự tìm mua các sản phẩm dù là thuốc nói chung hay kể cả sản phẩm YHCT vì những sản phẩm này đều phải sử dụng theo hướng dẫn của thầy thuốc”.
12 loại thuốc YHCT có điều trị được COVID-19 hay không?
Để tìm hiểu rõ hơn về tác dụng của 12 loại thuốc YHCT được Bộ Y tế cho là có tác dụng hỗ trợ điều trị COVID-19, PV VietTimes đã liên lạc với một dược sĩ có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực dược đang làm việc trên địa bàn TP. Hà Nội.
Vị dược sĩ này cho biết: “Tất cả những sản phẩm YHCT được Bộ Y tế công bố có tác dụng hỗ trợ điều trị COVID-19 đều đang trong giai đoạn nghiên cứu, chưa có một công bố nghiên cứu lâm sàng nào chứng minh 12 loại thuốc YHCT có hiệu quả trong điều trị bệnh nhân COVID-19 (tỷ lệ hiệu quả bao nhiêu, điều trị trong bối cảnh như thế nào. Ngay cả khi có nghiên cứu lâm sàng thì cũng chỉ có thể áp dụng trong một phạm vi nghiên cứu, không thể công bố công khai như 1 phương pháp điều trị COVID-19 trong cộng đồng. Đây là một điều bất hợp lý”.
4 loại thuốc YHCT nằm trong danh sách 12 loại thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19 của Bộ Y tế (Ảnh tổng hợp) |
Theo vị dược sĩ này, ngay cả những phác đồ điều trị được nghiên cứu bài bản cũng phải được công bố trong các cơ sở điều trị. Có thể thấy tất cả những sản phẩm YHCT được Bộ Y tế công bố chưa có bài báo nghiên cứu hay công trình khoa học nào chứng minh. Việc Bộ Y tế có công văn, khuyến cáo các bệnh viện, Sở Y tế sử dụng sẽ khiến người dân hiểu lầm, dẫn đến hậu quả người dân đổ xô đi mua thuốc YHCT, tự điều trị thuốc YHCT ở nhà để phòng COVID-19. Việc này sẽ đẩy người dân rơi vào tình cảnh “tiền mất, tật mang”, tạo tâm lý chủ quan trước dịch bệnh, thậm chí có thể bỏ lọt bệnh nhân mắc COVID-19.
“Tôi không biết lỗi do đâu nhưng khi đưa thông tin về 12 sản phẩm YHCT lên truyền thông có tác dụng hỗ trợ điều trị COVID-19, nhiều người dân đã thi nhau đi mua các looại thuốc YHCT, nhất là xuyên tâm liên. Thậm chí, một số doanh nghiệp còn nâng giá sản phẩm lên gây ra nhiều hệ luỵ. Bản thân tôi là người làm trong lĩnh vực dược nên không thể không lên tiếng vì sức khoẻ của người dân” – vị dược sĩ nói.
Để đảm bảo an toàn sức khoẻ cho người dân khi tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, vị dược sĩ này khuyến cáo: “Đến nay, trong YHCT không có khái niệm về virus mà chủ yếu điều trị các chứng bệnh (phong hàn, cảm mạo, ôn dịch) mang tính thải độc, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Do COVID-19 đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên các bác sĩ chủ yếu điều trị theo triệu chứng, thuốc YHCT có tác dụng hỗ trợ. Do đó, người dân không nên tự mua thuốc YHCT rồi tự điều trị tại nhà để tránh những hệ luỵ khó lường”.
Để tìm hiểu rõ hơn về những loại thuốc YHCT, PV VietTimes đã liên hệ với PGS. TS. Đậu Xuân Cảnh - Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam - Nguyên Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam.
PGS. TS. Đậu Xuân Cảnh - Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam - Nguyên Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam (Ảnh - SKĐS) |
PGS. TS. Đậu Xuân Cảnh cho biết: “Việc này rất nhạy cảm, tôi không muốn bình luận. Tuy nhiên, theo nguyên tác phòng, chống dịch COVID-19, khi công bố bất kỳ một loại thuốc cụ thể nào đều phải có tiêu chí, tiêu chuẩn riêng. Hiện, Bộ Y tế vẫn chưa công bố tiêu chí, tiêu chuẩn của 12 loại thuốc YHCT hỗ trợ điều trị COVID-19. Bộ Y tế phải có hướng dẫn cụ thể hơn. Bởi khi khuyến cáo bất cứ sản phẩm nào cho người dân đều phải có lý do, tiêu chuẩn của nó để người dân không hiểu nhầm. Nếu Bộ Y tế khuyến cáo các loại thuốc YHCT đã được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 ở Bắc Ninh và Bắc Giang thì sẽ phù hợp hơn. Do có nội dung chưa phù hợp nên Bộ Y tế đã thu hồi văn bản về việc tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu để chỉnh sửa”.
Theo PGS. TS. Đậu Xuân Cảnh, người dân tuyệt đối không được tự ý mua thuốc YHCT để tự điều trị hoặc phòng COVID-19 tại nhà. Người dân phải tuyệt đối tin tưởng vào các bác sĩ. Khi mắc bệnh, người dân sẽ được các bác sĩ thăm khám, hướng dẫn sử dụng thuốc hiệu quả để phát hiện những triệu chứng bất thường, xử lý ngay. Ngoài ra, việc người dân đổ xô đi mua thuốc YHCT sẽ tạo ra tình trạng khan hiếm thuốc, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng và công tác phòng, chống dịch COVID-19.