Đây là nội dung đáng chú ý trong văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố, - Bệnh viện y học cổ truyền, bệnh viện y học cổ truyền các tỉnh, thành phố, bệnh viện đa khoa, chuyên khoa các tỉnh, thành phố, các cơ sở kinh doanh dược liệu, thuốc cổ truyền về việc tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ký.
12 loại thuốc y học cổ truyền hỗ trợ trị COVID-19
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 ở nhiều địa phương trong cả nước, để góp phần hạn chế sự lây lan dịch bệnh, tăng cường khả năng phòng chống dịch bệnh, Bộ Y tế đã công bố 12 loại thuốc y học cổ truyền có tác dụng hỗ trợ điều trị COVID-19 gồm các loại thuốc sau:
Ngọc bình phong gia Xuyên tâm liên (Bệnh viện Y học cổ truyền, Bộ Công an) – viên nén bao phim
Viên nang Kovir (Công ty Cổ phần Sao Thái Dương) – viên nang mềm
Bạch địa căn (Bệnh viện Y học cổ truyền, Bộ Công an) – viên nén
Siro Viêm họng (Bệnh viện Y học cổ truyền, Bộ Công an)
Siro Dưỡng âm bổ phế (Bệnh viện Y học cổ truyền, Bộ Công an)
Siro Ngân kiều (Viện Y học cổ truyền Quân đội - Bộ Quốc phòng)
Siro Hạnh tô (Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương)
Vệ khí khang (Viện Y học cổ truyền Quân đội - Bộ Quốc phòng) – cao lỏng
Hoạt huyết Nhất Nhất (Công ty TNHH Dược phẩm Nhất Nhất)
Imboot (viên nang mềm giúp bổ phế, tăng cường sức đề kháng)
Xuyên tâm liên – viên nén bao phim
Nasagast – KG – viên nang cứng
Để phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, tăng cường công tác điều trị cho bệnh nhân COVID-19, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học cổ truyền trực tiếp tham gia phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, nghiêm túc thực hiện các hướng dẫn của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan.
Căn cứ các loại thuốc cổ truyền, các sản phẩm chế biến, bào chế từ dược liệu đã được khuyến cáo, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị tham khảo lựa chọn mua sắm, đấu thầu, tiếp nhận từ các tổ chức, cá nhân ủng hộ cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để hỗ trợ điều trị cho các người bệnh nhiễm virus SARS-CoV-2, đội ngũ y, bác sỹ tuyến đầu và đối tượng cách ly (F1) phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương.
Một số sản phẩm y học cổ truyền được sử dụng trong hỗ trợ và điều trị COVID-19 (Ảnh tổng hợp) |
Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện y học cổ truyền, bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tổ chức bào chế, sản xuất thuốc cổ truyền, các sản phẩm từ dược liệu nếu đáp ứng các điều kiện chế biến, bào chế theo quy định tại thông tư của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định tiêu chuẩn chế biến, bào chế thuốc cổ truyền trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền để cung cấp cho các người bệnh nhiễm virus SARS-CoV-2, đội ngũ y, bác sỹ tuyến đầu và đối tượng cách ly (F1) phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương.
Bộ Y tế lưu ý các đơn vị phải chú trọng kiểm tra thực hiện quy chế chuyên môn trong các cơ sở khám chữa bệnh sử dụng thuốc cổ truyền, các sản phẩm từ dược liệu và điều kiện chế biến, bào chế các sản phẩm từ dược liệu của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Đặc biệt, Bộ Y tế sẽ xử lý nghiêm theo quy định các tổ chức, cá nhân lợi dụng dịch bệnh vi phạm về quy chế chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh; quảng cáo không đúng nội dung được cấp có thẩm quyền phê duyệt; kinh doanh, sử dụng dược liệu, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu không có nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, đầu cơ tăng giá dược liệu, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu và các sản phẩm sản xuất từ dược liệu.
Bộ Y tế đề nghị các đơn vị cần tăng cường công tác truyền thông sử dụng thuốc cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và cộng đồng về các biện pháp phòng chống dịch bệnh để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dịch phù hợp.
Chỉ sử dụng thuốc y học cổ truyền cho bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng, mắc bệnh nhẹ và vừa
Đối với các bệnh viện y học cổ truyền thuộc bộ, ngành và bệnh viện đa khoa, chuyên khoa các tỉnh, thành phố, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện phải lựa chọn thuốc cổ truyền, các sản phẩm chế biến, bào chế từ dược liệu theo quy định, tùy theo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để chế biến, bào chế thuốc cổ truyền, các sản phẩm từ dược liệu đảm bảo chất lượng.
Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện sử dụng các thuốc cổ truyền, các sản phẩm chế biến, bào chế từ dược liệu do bệnh viện bào chế và các thuốc cổ truyền, các sản phẩm từ dược liệu do các tổ chức và cá nhân ủng hộ để điều trị cho người bệnh nhiễm virus SARS-CoV-2 ở mức độ không triệu chứng, mức độ nhẹ và vừa, đội ngũ y, bác sĩ tuyến đầu và đối tượng cách ly (F1) phù hợp với tình hình dịch bệnh tại đơn vị và địa phương; đồng thời tổ chức đánh giá kết quả hỗ trợ điều trị của thuốc cổ truyền trên người bệnh COVID-19 mức độ nhẹ và vừa.
Chi phí chế biến, bào chế thuốc cổ truyền và chi phí khám bệnh, chữa bệnh y học cổ truyền liên quan đến dịch bệnh COVID-19 thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Nhằm đảm bảo thuốc y học cổ truyền được sử dụng hiệu quả, đảm bảo quyền lợi của người dân, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở kinh doanh dược liệu, thuốc cổ truyền phải đảm bảo chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền, nguồn cung ứng cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh, thành phố; không tăng giá dược liệu, thuốc cổ truyền liên quan đến các biện pháp phòng, hỗ trợ điều trị COVID-19.
Bộ Y tế đề nghị các đơn vị nghiên cứu, nghiêm túc thực hiện các hướng dẫn của Bộ Y tế tại công văn này và các hướng dẫn của các đơn vị liên quan, trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc báo cáo Bộ Y tế (Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền) để được hướng dẫn. Để thuận tiện trong quá trình hỗ trợ trao đổi về chuyên môn và quản lý nhà nước, các đơn vị liên hệ các nhóm chuyên gia theo danh sách ban hành tại công văn này.