Đây là một trong những mục tiêu quan trọng được đề cập trong Lễ công bố “Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025”, diễn ra tại Hà Nội. Chương trình này do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) hợp tác với Dự án USAID LinkSME (thuộc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ) thực hiện.
Chương trình dự kiến mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, hỗ trợ 100 doanh nghiệp trở thành mô hình chuyển đổi số điển hình thành công, thiết lập mạng lưới chuyên gia tư vấn, cung cấp giải pháp, hỗ trợ phát triển các nền tảng số.
Theo nhận định của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, xu hướng phát triển công nghệ hiện nay đang thay đổi mạnh mẽ, xuất hiện xu thế tiêu dùng mới, luồng kinh doanh mới, buộc các doanh nghiệp phải nỗ lực thay đổi và thích ứng. Các mô hình kinh doanh truyền thống dần được thay thế bởi các công nghệ mới với hiệu quả cao hơn, các yếu tố tạo nên lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp cũng đang dịch chuyển dựa trên công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại sự kiện. |
“Chuyển đổi số là con đường tất yếu của mỗi quốc gia nếu muốn phát triển nhanh và bền vững, nhất là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Đây là chủ trương lớn, quan trọng, là định hướng hoạt động chiến lược của Đảng, nhà nước. Thúc đẩy chuyển đổi số là một trong những nội dung quan trọng của đổi mới sáng tạo, là con đường ngắn nhất, nhanh nhất và hiệu quả nhất, giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể vững tin phát triển” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cho rằng COVID-19 là “thời cơ” thúc đẩy chuyển đổi số, nhà nước đã thể hiện sự quyết tâm khi đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn thông qua những hoạt động thiết thực thông qua chương trình. Cụ thể, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ kỹ thuật tập trung vào các quy trình vận hành. Ngoài nâng cao nhận thức, tầm nhìn và chiến lược của doanh nghiệp về chuyển đổi số, doanh nghiệp được đào tạo, tư vấn trong quá trình số hóa toàn diện gồm số hóa hoạt động kinh doanh, số hóa quy trình quản trị, sản xuất, công nghệ, nghiệp vụ quản lý tài chính, nhân sự… Sau đó, doanh nghiệp thay đổi tư duy về chuyển đổi số toàn diện, nhằm tạo ra sản phẩm, dịch vụ, mô hình mới cho doanh nghiệp.
Chương trình bước đầu đã nhận được sự cam kết đồng hành của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), Hội Tự động hóa Việt Nam (VAA) và các đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ số. Trong giai đoạn đầu, chương trình sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực như cơ khí, điện tử, chế biến chế tạo, nông nghiệp, chế biến thực phẩm.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện nay, khái niệm “chuyển đổi số trong doanh nghiệp” được nhắc đến rất nhiều nhưng có nhiều quan điểm, cách nhìn nhận khác nhau.
Dưới góc độ của Chương trình, chuyển đổi số trong doanh nghiệp được tiếp cận là giải pháp tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả kinh doanh, hiệu quả quản lý nhằm nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp.