Thủ tướng Chính phủ cùng đại diện các Bộ tham gia đối thoại tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp 2020. |
Trước vấn đề chuyển đổi số cho doanh nghiệp được đề cập tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp 2020, một câu hỏi được đặt ra liên quan đến chủ đề này đến từ CEO của sàn giao dịch nông sản Foodmap là: “Trong quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam, doanh nghiệp nằm ở vị trí nào trong chính sách của Chính phủ?” Ngoài ra, CEO của Kyber Network lại băn khoăn về cơ chế, chính sách, sự hỗ trợ của Chính phủ nhằm thúc đẩy hiệu quả sự chủ động của bộ ngành, doanh nghiệp lớn sẵn sàng tham gia vào liên kết start-up, phát triển những sản phẩm công nghệ và thực hiện mục tiêu chuyển đổi số.
Trả lời cho những băn khoăn nói trên, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Doanh nghiệp start-up làm ra sản phẩm nhưng chưa được tin tưởng, phải có một tổ chức đứng ra. Bộ sẽ đứng ra đánh giá, công bố, tạo ra niềm tin cho doanh nghiệp, quảng bá sản phẩm trên trang web của mình”.
Đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gợi ý nếu doanh nghiệp khó khăn về chính sách có thể đề xuất Bộ TT&TT hỗ trợ. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng nguồn nhân lực vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng năm 2020 là năm chuyển đổi số quốc gia, tạo động lực cho các doanh nghiệp tham gia vào quá trình này. Vì vậy, kho dữ liệu được ví như “dầu mỏ” của công nghiệp 4.0, cần được chia sẻ, quản lý khoa học, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện.
“Mỏ tài nguyên lớn nhất là dữ liệu, chúng ta phải mở dữ liệu này ra. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một nghị định về vấn đề mở dữ liệu. Bộ TT&TT cách đây một tháng đã khai trương một cổng quốc gia về mở dữ liệu (data.gov.vn) với 10.000 bộ dữ liệu. Đây là tài nguyên, một lượng “dầu mỏ” rất lớn cho các bạn đổi mới sáng tạo” - Bộ trưởng dẫn chứng.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nói rằng Thủ tướng đã chỉ đạo ban hành một loạt chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Trong quá trình chuyển đổi số, cơ chế Nhà nước đặt hàng, giao cho doanh nghiệp là cơ hội rất lớn để doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST thực hiện tốt mục tiêu trong công cuộc phát triển nền kinh tế số.
Thủ tướng Chính phủ cùng đại diện các Bộ tại Lễ khai mạc Techfest 2020. |
Tại Diễn đàn, nhiều câu hỏi khác đã được nêu ra đối thoại với Thủ tướng Chính phủ và các lãnh đạo Bộ về môi trường khởi nghiệp ĐMST. Anh Nguyễn Đức Trung - quỹ đầu tư VinaVenture - đã dẫn ra những điểm hạn chế của Nghị định 38, chưa phù hợp với đặc thù gọi vốn của các start-up. Đại diện đặt câu hỏi đến Thủ tướng Chính phủ về những chỉ đạo, định hướng khai thông vấn đề trong thời gian tới. Anh Phan Bá Mạnh - sáng lập công ty công nghệ vận tải An Vui – đưa ra thực trạng nhiều startup phải mở công ty ở nước ngoài do gọi vốn khó khăn, dẫn đến tình trạng "chảy máu" startup. Qua đó, anh đặt vấn đề về sức hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam trong thời điểm hiện tại.
Giải đáp thắc mắc của các doanh nghiệp, Thủ tướng nhận định hệ sinh thái khởi nghiệp chưa hoàn thiện và còn nhiều khó khăn. Số lượng và chất lượng khởi nghiệp ĐMST ở Việt Nam tăng trưởng trong khu vực ASEAN, tuy nhiên còn tồn tại nhiều trở ngại, nhất là về nguồn vốn đầu tư. Thủ tướng cho rằng các thành viên Chính phủ phải có trách nhiệm trả lời, lắng nghe để gỡ bỏ rào cản, nghiên cứu đưa ra biện pháp xử lý vướng mắc.
Trước những đóng góp của doanh nhân về Nghị định 38, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Văn Tùng nhận định: "Quy định này khá cứng và khi thực hiện tạo ra rào cản". Cụ thể, sau thời gian thực hiện, một số quy định có bất cập không phù hợp. Đại diện Bộ KH&CN cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu và bàn với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), đề xuất sửa đổi Nghị định này trong thời gian tới. Ghi nhận ý kiến này, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông sẽ chủ trì sửa đổi quy định này, nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.
Thủ tướng cũng yêu cầu hai bộ phải nghiên cứu xem xét, đưa ra đề án sửa đổi quy định trong thời gian sớm nhất và bãi bỏ điều kiện, quy định không cần thiết.
Thông qua đối thoại tại Diễn đàn, Thủ tướng và lãnh đạo các Bộ đã lắng nghe ý kiến của thanh niên khới nghiệp, nhằm tháo gỡ vướng mắc, từ thể chế, cơ chế, sở hữu trí tuệ và những vấn đề liên quan. Đây là hoạt động ý nghĩa nằm trong khuôn khổ Techfest 2020 do Văn phòng Đề án 844 chủ trì, hướng đến mục tiêu tạo môi trường thuận lợi cho khởi nghiệp ĐMST, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia.