Tại phiên khai mạc, ông Tập Cận Bình đã thay mặt Bộ Chính trị Trung ương đọc báo cáo công tác và giải thích trước hội nghị về dự thảo "Nghị quyết Trung ương về những thành tựu lớn và kinh nghiệm lịch sử 100 năm đấu tranh của Đảng" để hội nghị xem xét, thông qua.
Văn bản này, được coi là "Nghị quyết lịch sử thứ ba của đảng", đương nhiên là rất quan trọng đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nó được cho là sẽ thiết lập địa vị chính trị của đương kim Tổng Bí thư Tập Cận Bình trong lịch sử đảng; đồng thời Hội nghị Trung ương 6 là mốc thời gian quan trọng cho Đại hội lần thứ XX của ĐCSTQ họp vào năm tới. Hội nghị này đánh dấu chính trường Trung Quốc đã bước vào giai đoạn chuẩn bị cho Đại hội XX.
Trước hết, Hội nghị Trung ương lần thứ 6 sẽ thông qua “nghị quyết lịch sử thứ ba” của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm thiết lập vị trí chính trị của ông Tập Cận Bình trong lịch sử đảng.
Trung Quốc đã chính thức thông báo, Hội nghị toàn thể lần thứ 6 của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XIX sẽ xem xét "Nghị quyết của Ủy ban Trung ương về những thành tựu chính và kinh nghiệm lịch sử trong một trăm năm đấu tranh của Đảng". Tại hội nghị của Bộ Chính trị họp vào cuối tháng 8/2021, trọng tâm là nghiên cứu tổng kết toàn diện những thành tựu và kinh nghiệm lịch sử trong nhiều thế kỷ đấu tranh của Đảng. Vào thời điểm đó, một số nhà quan sát đã chỉ ra rằng điều này cho thấy rằng ĐCSTQ sẽ đưa ra bản “nghị quyết lịch sử thứ ba”.
Hai bản “nghị quyết lịch sử” trước đây của Đảng Cộng sản Trung Quốc là “Nghị quyết về một số vấn đề lịch sử của Đảng” được Hội nghị toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Trung ương khóa VI thông qua năm 1945 và “Nghị quyết về một số vấn đề lịch sử của Đảng kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” được Hội nghị lần thứ 6 Ủy ban Trung ương khóa XI thông qua năm 1981. Bối cảnh của hai nghị quyết này lần lượt là cuộc Chỉnh phong ở Diên An và Cải cách mở cửa, đã xác lập địa vị chính trị của các ông Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình trong lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Hội nghị Trung ương 6 khóa XI họp tháng 6/1981 biểu quyết thông qua “Nghị quyết về một số vấn đề lịch sử của Đảng kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” (Ảnh: Xinhua). |
Nhiều nhà quan sát bên ngoài cho rằng "Nghị quyết của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về những thành tựu chính và kinh nghiệm lịch sử trong chặng đường 100 năm đấu tranh của Đảng" sẽ được thông qua tại Hội nghị toàn thể lần thứ 6 lần này, mặc dù nó tập trung vào "Những thành tựu chính và kinh nghiệm lịch sử của 100 năm đấu tranh” của ĐCSTQ. Nếu không có gì bất thường, tất nhiên sẽ chắc chắn liên quan đến việc xác lập địa vị chính trị của Tổng bí thư đương nhiệm Tập Cận Bình trong lịch sử đảng.
Những động thái gần đây của các cơ quan truyền thông chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng ủng hộ suy đoán này. Ví dụ, chỉ một tuần trước khi khai mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 6, tờ "Nhân dân Nhật báo" được coi là "phong vũ biểu" về chính trị của Trung Quốc đã bắt đầu khuấy động bầu không khí.
Kể từ ngày 1/11, "Nhân dân Nhật báo" đã đưa ra một loạt các phóng sự về "Sự lựa chọn then chốt trong thời đại mới". Bài mở đầu đăng ngày hôm đó dài hơn 7.000 từ, trình bày chi tiết các biện pháp mà ông Tập Cận Bình đã thực hiện kể từ khi lên nắm quyền nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Ủy ban Trung ương, bao gồm cả việc thể chế hóa công tác "tuần thị” (thành lập các đoàn đi kiểm tra) của Trung ương.
Sau đó, từ ngày 2 đến ngày 7/11, báo này lần lượt bình luận về những thành tựu chính trị của ông Tập Cận Bình trong các khía cạnh phòng chống dịch COVID-19, dự án xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy xây dựng kết cấu phát triển mới, hình thành bố cục phát triển kinh tế khu vực chất lượng cao, xây dựng nền văn minh sinh thái, thúc đẩy quốc phòng và hiện đại hóa quân đội.
Hãng thông tấn chính thức Tân Hoa xã của Trung Quốc ngày 6/11 cũng đăng một bài báo đặc biệt với tiêu đề "Tập Cận Bình dẫn dắt đảng trăm năm tiến hành cuộc trường chinh mới", nêu chi tiết những thành tựu của Trung Quốc trong 9 năm qua kể từ khi ông Tập Cận Bình giữ chức vụ Tổng Bí thư.
Nhìn vào các phiên họp toàn thể từ lần thứ nhất đến lần thứ 7 của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cứ 5 năm một khóa đại hội trong những năm gần đây, Hội nghị TW lần thứ nhất thường được tổ chức ngay sau khi kết thúc đại hội Đảng toàn quốc; Hội nghị lần thứ 2 được tổ chức trước hai kỳ họp Quốc hội và Chính Hiệp vào mùa xuân năm sau; Hội nghị toàn thể lần thứ 3 được tổ chức vào mùa thu cùng năm; Các Hội nghị Trung ương toàn thể lần thứ 4 đến thứ 7 sẽ được tổ chức vào mùa thu các năm sau đó.
Kể từ khi Trung Quốc cải cách và mở cửa, bảy Hội nghị Trung ương liên tiếp trong 5 năm về cơ bản đã trở thành thông lệ, các thủ tục đã được chuẩn hóa hơn và mỗi Hội nghị Trung ương đều đảm nhận những chức trách tương đối cố định.
Hội nghị toàn thể lần thứ nhất của Ủy ban Trung ương thường chịu trách nhiệm bầu ra ban lãnh đạo Trung ương nhiệm kỳ mới; Hội nghị TW lần thứ 2 thường đề xuất nhân sự lãnh đạo cho Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) và Ủy ban toàn quốc Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân (Chính Hiệp); Hội nghị TW lần thứ 3 thường đưa ra các quyết sách lớn về cải cách và phát triển kinh tế, chẳng hạn như Hội nghị Trung ương 3 khóa XWIII đề xuất cải cách sâu rộng toàn diện; Hội nghị TW lần thứ tư đưa ra các hoạch định chính sách quốc gia lớn, chẳng hạn như Hội nghị TW lần thứ 4 khóa XVIII đề xuất thúc đẩy toàn diện nhà nước pháp quyền; chủ đề chính của Hội nghị TW lần thứ 5 là "quy hoạch 5 năm", chẳng hạn như Hội nghị TW5 khóa XWIII đã đề ra Kế hoạch 5 năm lần thứ 13; Hội nghị toàn thể TW lần thứ 6 thường đưa ra các sắp xếp công tác xây dựng đảng.
Nội dung của "Nghị quyết" chưa được công bố toàn bộ, nhưng cũng giống như hai "Nghị quyết" trước, nó được thông qua vào thời điểm quan trọng. Nghị quyết đầu tiên được thông qua vào năm 1945 đã giúp Mao Trạch Đông củng cố quyền lãnh đạo của ông 4 năm trước khi ông lên nắm chính quyền. Nghị quyết thứ hai được thông qua vào năm 1981, thừa nhận những "sai lầm" của Mao Trạch Đông và giúp Đặng Tiểu Bình khởi xướng cải cách kinh tế.
Anthony Saich, một chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Harvard, cho rằng, không giống như hai lần trước, nghị quyết của Tập Cận Bình sẽ không đánh dấu sự chia rẽ so với quá khứ.
Anthony Saich nói: "Ngược lại, nó sẽ tỏ cho thấy Tập Cận Bình là người thừa kế tự nhiên của tiến trình lịch sử kể từ khi thành lập đảng và có đủ tư cách để lãnh đạo ‘thời đại mới'"; "Mục đích là để củng cố Tập Cận Bình với tư cách là người thừa kế tự nhiên 'lịch sử vẻ vang' của ĐCSTQ".
Ông cũng cho rằng so với nghị quyết của Đặng Tiểu Bình, nghị quyết này có thể đánh dấu một bước thụt lùi lịch sử vì nó sẽ giảm bớt những chỉ trích về thời đại Mao Trạch Đông từ năm 1949 đến năm 1976.
Chương trình nghị sự của Hội nghị TW6 lần này cũng có thể bao gồm vấn đề Đài Loan. Đài Loan tự coi mình là một quốc gia có chủ quyền, nhưng Bắc Kinh tuyên bố đây là một phần lãnh thổ không thể chia cắt của Trung Quốc.
Carl Minzner, một chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc tại Hiệp hội Quan hệ Đối ngoại có trụ sở tại Washington, cho rằng bất kể hội nghị diễn ra như thế nào, quyền lực không thể tranh cãi của Tập Cận Bình đã gần như chắc chắn. Ông nói với phóng viên AFP: "Vấn đề cốt lõi là: ông ấy có thể đi bao xa?...Ông Tập Cận Bình liệu có thể được đặt ngang hàng với cả Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình hay chỉ đặt ngang với Mao Trạch Đông?”.
Ông Tập Cận Bình sẽ được xác lập địa vị Chính trị trong lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XIX (Ảnh: Dwnews). |
Thứ hai, việc triệu tập Hội nghị TW6 khóa XIX cho thấy việc sắp xếp nhân sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ được đẩy nhanh bước sang giai đoạn chuẩn bị Đại hội XX.
Chủ đề của Hội nghị TW6 xem ra có vẻ không liên quan đến sắp xếp nhân sự của ĐCSTQ, nhưng về mặt thời gian, hội nghị diễn ra cách Đại hội toàn quốc lần thứ XX tròn 1 năm, trùng với thời điểm bắt đầu diễn ra các đại hội đại biểu đảng bộ cấp tỉnh thành. Theo thông tin công khai hiện nay, trong 31 đảng bộ cấp tỉnh ở Trung Quốc, ngoài bốn thành phố trực thuộc Trung ương là Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân, Trùng Khánh và tỉnh Quảng Đông, khu tự trị Tân Cương là 6 địa phương cấp tỉnh do các ủy viên Bộ Chính trị kiêm nhiệm chức Bí thư; còn có 5 địa phương Hà Bắc, Nội Mông, Ninh Hạ, Thanh Hải, Tứ Xuyên chức Bí thư vẫn chưa được điều chỉnh.
Xem xét từ những thay đổi nhân sự của khóa trước, tháng 5/2017, Thái Kỳ, đã thay thế Quách Kim Long làm Bí thư Thành ủy Bắc Kinh 5 tháng trước khi diễn ra Đại hội XIX, sau đó được vào Bộ Chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIX vào tháng 10 năm 2017. Lý Cường, Bí thư Thành ủy Thượng Hải và Lý Hy, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIX ( ngày 25/10/2017) trước. Vài ngày sau, họ được điều động về làm Bí thư Thượng Hải và Quảng Đông thay cho Hàn Chính và Hồ Xuân Hoa khi đó đã được bầu làm Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị.
Đối với các bí thư thành ủy Thiên Tân, Trùng Khánh và khu ủy Tân Cương, đồng thời là ủy viên Bộ Chính trị, do hoàn cảnh đặc biệt nên thời gian chuyển giao giữa mới và cũ có phần gấp rút, không có ý nghĩa tham khảo: trước khi diễn ra Đại hội XIX, Hoàng Hưng Quốc, người đã giữ chức Quyền Bí thư thành ủy Thiên Tân 20 tháng, đã bị cách chức vào tháng 9/2016, Bí thư tỉnh ủy Hồ Bắc lúc đó là Lý Hồng Trung được điều động “Bắc tiến” để thay thế. Trần Toàn Quốc tháng 8/2016 kế nhiệm Trương Xuân Hiền làm Bí thư khu ủy Tân Cương do sách lược mềm mỏng điều hành Tân Cương của Trương Xuân Hiền không mang lại hiệu quả như mong đợi, ở Tân Cương vẫn xảy ra các cuộc tấn công khủng bố. Việc thay thế bí thư Thành ủy Trùng Khánh được hoàn tất khi ông Tôn Chính Tài bất ngờ bị ngã ngựa vào tháng 7/2017, Bí thư tỉnh ủy Quý Châu lúc đó là Trẫn Mẫn Nhĩ được điều động qua Trùng Khánh để thay.
Đại hội đảng bộ các địa phương Tân Cương, Hà Nam, Sơn Tây, An Huy đã kết thúc, từ nay đến nửa đầu năm 2022, Trung Quốc sẽ hoàn thành nốt việc thay thế nhân sự các địa phương cấp tỉnh; trong đó bao gồm 6 nơi cấp tỉnh liên quan đến nhân sự của Bộ Chính trị như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân, Trùng Khánh, Quảng Đông và Tân Cương để Đại hội XX diễn ra thuận lợi.
(Theo Deutsche Welle, Dwnews).