Các học giả nói về nguy cơ của Luật Biên giới trên bộ mới của Trung Quốc với các nước láng giềng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trong các cuộc xung đột biên giới tương lai với các thực thể bên ngoài, cho dù là chính phủ Ấn Độ, người tị nạn Afghanistan hay các nhóm nổi dậy Myanmar, Trung Quốc đã có một công cụ mới: Luật Biên giới trên bộ.
Lực lượng biên phòng Ấn Độ quan sát khu vực biên giới trang chấp với Trung Quốc ở Ladakh (Ảnh: AFP).
Lực lượng biên phòng Ấn Độ quan sát khu vực biên giới trang chấp với Trung Quốc ở Ladakh (Ảnh: AFP).

Luật Biên giới trên bộ (Lục địa quốc giới pháp) mới được Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông qua, ban hành hôm 23/10 và có hiệu lực từ 1/1/2022 cho phép lực lượng vũ trang sử dụng vũ khí để ngăn chặn những cuộc vượt biên "bất hợp pháp", đồng thời liệt kê những lý do khiến chính quyền Trung Quốc ngăn cấm những cuộc vượt biên này.

Các học giả cho rằng đạo luật này dường như nhằm hợp pháp hóa các hoạt động của quân đội (PLA) và cảnh sát vũ trang dọc theo đường biên giới dài 22.117 km, đồng thời cảnh báo các quốc gia khác không nên thử thách quyết tâm của Trung Quốc trong bất kỳ tranh chấp chủ quyền nào.

Dean Cheng, một nhà nghiên cứu cấp cao tại The Heritage Foundation (Quỹ Di sản) của Mỹ, cho biết trong một báo cáo nghiên cứu vào tháng 5 năm 2021 rằng Trung Quốc đã thực thi các luật tương tự trong quá khứ, chủ yếu là để đặt câu hỏi về tính hợp pháp của bất kỳ hoạt động nào mà các nước khác thách thức chủ quyền của Trung Quốc. Những luật như vậy áp dụng với Đài Loan, Hồng Kông và các quốc gia xung quanh Biển Đông.

Nhà nghiên cứu Dean Cheng của Quỹ Di sản, Mỹ (Ảnh: Yahoo).

Nhà nghiên cứu Dean Cheng của Quỹ Di sản, Mỹ (Ảnh: Yahoo).

Mohan Malik, tác giả của cuốn sách “China and India: Great Power Rivals” (Trung Quốc và Ấn Độ: các đối thủ cạnh tranh nước lớn) xuất bản năm 2011, nói: “Bắc Kinh hiện đang sử dụng thủ đoạn luật pháp đã thành công ở Biển Đông, đó là tạo hành lang pháp luật cho hành động bành trướng lãnh thổ của họ. Điều này cho thấy luật trong nước của Trung Quốc hiện đã chà đạp các hiệp định song phương, dù các chuẩn mực đã được thiết lập và cả luật pháp quốc tế”.

Trung Quốc, nước đã khiến một số quốc gia láng giềng vốn tức giận bằng cách tuyên bố mạnh mẽ các yêu sách cưỡng bức trên biển, lại có lý do để lo lắng về một số chỗ biên giới trên bộ.

Các quan chức Trung Quốc đang rất chú ý xem liệu cuộc giao tranh giữa các nhóm phiến quân dân tộc thiểu số Myanmar và chính quyền quân sự của quốc gia Đông Nam Á này có lan rộng hay không.

Các học giả cho rằng việc Taliban tiếp quản Afghanistan vào tháng 8 năm nay đã mang đến một nỗi lo ngại khác cho Trung Quốc, Trung Quốc lo ngại rằng một số lượng lớn người tị nạn hoặc các phần tử Hồi giáo cực đoan sẽ vượt qua đường biên giới núi ngắn ngủi giữa hai nước.

Trong số 14 quốc gia láng giềng trên bộ, hiện duy nhất Ấn Độ đang có tranh chấp biên giới trên diện rộng với Trung Quốc (Ảnh: Dwnews).

Trong số 14 quốc gia láng giềng trên bộ, hiện duy nhất Ấn Độ đang có tranh chấp biên giới trên diện rộng với Trung Quốc (Ảnh: Dwnews).

Đồng thời, các quan chức y tế Bắc Kinh đang chú ý chặt chẽ đến tất cả đường biên giới tiếp giáp với 14 quốc gia, để tìm kiếm những người có thể mang virus coronavirus chủng mới (SARS-CoV-2).

Trung Quốc cũng có hai khu vực tranh chấp lãnh thổ với Ấn Độ, hai bên đã đưa thêm quân đến khu vực xảy ra xung đột vào năm 2017 và 2020.

Nhìn lại xa hơn, vào những năm 1980, Trung Quốc cũng từng gây chiến tranh biên giới với Việt Nam, và năm 1969 cũng xảy ra xung đột biên giới quy mô nhỏ với Liên Xô cũ.

Các luật mới khác ở Trung Quốc bao gồm Luật Hải Cảnh được thông qua vào đầu năm nay chính thức quy định rằng Bắc Kinh có thể sử dụng lực lượng Hải Cảnh để bảo vệ các yêu sách lãnh thổ gây tranh cãi của họ ở Biển Đông. Ngoài ra, phiên bản Hồng Kông của Luật An ninh Quốc gia nghiêm cấm các hoạt động lật đổ ở thuộc địa cũ của Anh này. Luật Chống ly khai quốc gia năm 2005 đã khiến mọi người chú ý đến việc Bắc Kinh kiên trì cho rằng Đài Loan tự trị phải được đặt dưới ngọn cờ của Trung Quốc.

Học giả Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng Luật Biên giới trên bộ mới của Trung Quốc có thể báo trước rằng các hoạt động bán quân sự chống lại các nước khác sẽ xảy ra khi cần thiết.

"Tôi cho rằng Trung Quốc có thể không sử dụng lực lượng quân sự, nhưng họ có thể sử dụng một số lực lượng mạnh khác, chẳng hạn như ... những hành động mà họ đang thực hiện ở Biển Đông - lực lượng bán quân sự hoặc Hải Cảnh - họ được trang bị vũ khí đầy đủ", ông Trung nói. Trung Quốc đang xây dựng các đảo nhân tạo nhiệt đới trong vùng biển họ tranh chấp với Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam.

Giáo sư Brahma Chellaney, nhà nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách New Delhi (Ảnh: Indiatoday).

Giáo sư Brahma Chellaney, nhà nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách New Delhi (Ảnh: Indiatoday).

Ông Brahma Chellaney, Giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách New Delhi, cho rằng Trung Quốc đang đặc biệt sử dụng Luật Biên giới trên bộ như một "đòn bẩy" chống lại Ấn Độ. Xung đột biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở vùng cao của dãy Himalaya kéo dài trong suốt 17 tháng và đã gây nên một cuộc xung đột chết người.

Ông Chellaney nói: “Đạo luật này công nhận các hành động hung hăng và bành trướng của Trung Quốc đối với biên giới đất liền của họ, đặc biệt là trên dãy Himalaya trong những năm gần đây. Những hành động này được áp dụng trên cơ sở nỗ lực của Trung Quốc nhằm hoạch định lại ranh giới trên biển ở Biển Đông và Biển Hoa Đông".

Các học giả nói rằng mối đe dọa về việc người Afghanistan chạy trốn đến khu vực Tân Cương, cùng với lo ngại rằng các lực lượng người thiểu số chống chính phủ Myanmar sẽ tiến vào Trung Quốc do một cuộc đảo chính diễn ra sau tháng 2 đã khiến Trung Quốc đặc biệt lo lắng. Tân Cương là khu vực chủ yếu do người Hồi giáo sinh sống. Trung Quốc đã cố gắng kiềm chế sự bất mãn của người Duy Ngô Nhĩ trong 4 năm qua.

Ông Thitinan Pongsudhirak, Giáo sư khoa học Chính trị tại Đại học Chulalongkorn, Thái Lan (Ảnh: Bangkokpost).

Ông Thitinan Pongsudhirak, Giáo sư khoa học Chính trị tại Đại học Chulalongkorn, Thái Lan (Ảnh: Bangkokpost).

Thitinan Pongsudhirak, Giáo sư khoa học Chính trị tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, cho biết Afghanistan và Myanmar là mối đe dọa biên giới lớn nhất của Trung Quốc, mặc dù không phải là mối đe dọa duy nhất.

Ông Pongsudhirak nói: “Luật biên giới quốc gia mới ... nhằm mục đích phòng thủ và bảo vệ biên giới của Trung Quốc trong một môi trường an ninh thù địch hơn. Tôi cho rằng đây là thời kỳ bất an chưa từng có đối với Trung Quốc".

Ông nói thêm rằng Trung Quốc hy vọng sẽ củng cố được ảnh hưởng của Trung Quốc ở biên giới giữa Trung Quốc và Lào trước khi khai thông tuyến đường sắt vào tháng 12.

Luật Biên giới trên bộ mới của Trung Quốc nói, do thảm họa hoặc các mối đe dọa "an ninh", nhà nước có thể phong tỏa biên giới và đóng cửa các cửa khẩu. Luật viết, các nhân viên quân sự sẽ phản ứng với bất kỳ "cuộc vượt biên bất hợp pháp" nào của quân đội nước ngoài, trong khi lực lượng cảnh sát vũ trang có thể xử lý các cuộc vượt biên khác.

Luật này quy định: "Mọi tổ chức, cá nhân không được tham gia vào các hoạt động gây nguy hiểm đến an ninh quốc gia, ảnh hưởng đến quan hệ hữu nghị của Trung Quốc với các nước láng giềng bằng âm thanh, ánh sáng, trưng bày, ném thả hoặc chuyển vật phẩm, thả vật trôi, hoặc thả vật bay trên không trung gần biên giới đất liền”.

Tuy nhiên, luật này cũng quy định rõ ràng rằng chính phủ Trung Quốc “kiên trì các nguyên tắc bình đẳng, tin cậy lẫn nhau và tham vấn hữu nghị, xử lý biên giới trên bộ và các vấn đề liên quan với các nước láng giềng trên đất liền thông qua đàm phán, giải quyết ổn thỏa các tranh chấp và các vấn đề biên giới do lịch sử để lại”.

Phần lớn Luật Biên giới trên bộ của Trung Quốc đều quy định rõ ràng những khía cạnh nào của công việc biên giới do các cơ quan chính phủ khác nhau, bao gồm cả PLA xử lý.

Ông Pongsudhirak cho biết ngôn ngữ kiểu này cũng có thể phản ánh "xung đột giữa các cơ quan và quan liêu" trong nội bộ chính phủ Trung Quốc.