Điểm mặt ngoại binh V.League 2020

VietTimes -- 42 ngoại binh đến từ 14 quốc gia, vùng lãnh thổ đang chơi bóng tại V.League 2020. Lần đầu tiên, đội vô địch V.League 2020 sẽ giành quyền dự vòng bảng AFC Champions League 2021 nên CLB TP.HCM, Viettel, Hà Nội FC đã không tiếc tiền để tậu ngoại binh chất lượng.
cầu thủ người Jamaica Lynch (Than Quảng Ninh) với những màn nhảy múa cùng trái bóng trên sân Plei-ku và Cẩm Phả vừa ma mị lại không kém phần hiệu quả. Ảnh CLB QN.
cầu thủ người Jamaica Lynch (Than Quảng Ninh) với những màn nhảy múa cùng trái bóng trên sân Plei-ku và Cẩm Phả vừa ma mị lại không kém phần hiệu quả. Ảnh CLB QN.

Theo bản danh sách ngoại binh do BTC V.League 2020 cung cấp thì có đến 12/14 đội dự V-League dùng các cầu thủ ngoại mới, cả 14 đội đều đăng ký đủ 3 ngoại binh, có 5 đội có cầu thủ nhập tịch. Điểm lại các khuôn mặt ngoại binh mùa giải này thì có 19/42 cầu thủ chưa từng đá V-League.

Theo thống kê của của VietTimes , có tới 16 cầu thủ xứ sở Samba hiện có mặt tại V-League, nhiều nhất trong 14 quốc gia có cầu thủ chơi bóng tại Việt Nam. Các cầu thủ Brazil thường thể lực tốt, đá kỹ thuật được cho là phù hợp với sân cỏ Việt Nam, nếu nói được Tiếng Anh thì khắc phục được rào cản lớn nhất là ngôn ngữ.

Pedro Paulo (Sài Gòn) đã có 2 bàn thắng tại mùa giải này. Ảnh SGFC
Pedro Paulo (Sài Gòn) đã có 2 bàn thắng tại mùa giải này. Ảnh SGFC

May rủi, hên xui

Hiện nay, sân cỏ Việt Nam đang đi theo xu hướng sử dụng ngoại binh bằng các hợp đồng ngắn ngày. Nhiều tiền như TP.HCM, Viettel thì kể cả năng lực chuyên môn được khẳng định, các ngoại binh vẫn có thể phải ra đi khi mục tiêu của CLB thay đổi. SLNA, Nam Định và 1 số đội bóng khác, do vấn đề kinh phí nên chỉ ký hợp đồng theo từng mùa giải. 4 đội thực hiện “thay máu” hoàn toàn lực lượng ngoại binh ở mùa giải năm nay gồm SHB.Đà Nẵng, SLNA, Thanh Hóa, TP.HCM.

Nếu như mùa giải năm ngoái, các CLB chủ yếu sử dụng ngoại binh theo kiểu “cũ người, mới ta”, dùng lại các khuôn mặt cũ đã từng chinh chiến tại V-League thì năm nay, số ngoại binh mới đến Việt Nam tăng lên. Khá nhiều đội bóng có ngoại binh tốt như SLNA do không ký hợp đồng dài hạn, nên tự làm khó mình mà rốt cuộc chưa hẳn đã tiết kiệm hơn khi gặp phải “tây ba lô” tiền mất, tật mang.

Bên cạnh các cuộc “luân chuyển nội bộ” Fagan, Lynch (Than Quảng Ninh), Ewonde (Thanh Hóa), Youssouf Toure (Bình Dương), Claudecir (Hải Phòng), Memovic (HAGL) người ta thấy CLB TPHCM ký hợp đồng với tiền đạo Amido Balde, cựu cầu thủ của Celtic, đồng đội cũ của Van Dijk. Đội HAGL có Kelly Kester, cầu thủ từng được gọi vào ĐT trẻ Nigeria và thi đấu nhiều năm ở Champions League châu Phi. SHB.Đà Nẵng tiền đạo Nsiah từng chơi ở giải VĐQG Romania.

Sau 2 vòng đấu, các ngoại binh vẫn khẳng định vai trò “gánh team” tại nhiều đội bóng. Nổi bật như như Bruno Catanhede (Viettel), Chevaughn Walsh (HAGL), Omar, Kebe (Hà Nội), Lynch (Than Quảng Ninh), Pedro Paulo (Sài Gòn), Mpande (Hải Phòng)…Nhưng đã có sự lo ngại nhất định khi Seo Yong-duk (TP.HCM), Nsiah (SHB.Đà Nẵng), Tanda (Thanh Hóa)…thi đấu khá mờ nhạt. Nổi bật nhất có lẽ là cầu thủ người Jamaica Lynch (Than Quảng Ninh) với những màn nhảy múa cùng trái bóng trên sân Plei-ku và Cẩm Phả vừa ma mị lại không kém phần hiệu quả.

Ngoại binh SLNA chưa thể hiện được nhiều. Ảnh SLFC
Ngoại binh SLNA chưa thể hiện được nhiều. Ảnh SLFC

Nhiều ngoại binh có lý lịch khủng, khi thử nghiệm đội hình thi đấu khá ổn, thậm chí là ghi bàn liên tiếp như Tanda (Thanh Hóa) nhưng xung trận đã cho thấy năng lực thậm chí còn thua xa cầu thủ nội. Xem “chân giò” ngoại binh chưa bao giờ là chuyện dễ dàng với các HLV nên tình trạng “thử kêu, đốt tịt” là chuyện xảy ra như cơm bữa tại V.League.

“Chuyến tàu vét” ngoại binh

15 giờ ngày 18/03/2020 là thời điểm chốt ngoại binh của mùa giải V.League 2020. Có 3 đội bóng đã có sự thay đổi trong “Chuyến tàu vét” cuối ngày, không khó để biết họ đều là những đội bóng trắng tay sau 2 vòng đấu.

2 trong số 4 đội bóng “thay máu” hoàn toàn ngoại binh đang chưa giành được điểm nào sau 2 vòng đấu đầu tiên (Thanh Hóa, SHB.Đà Nẵng). Trận thắng B.Bình Dương của đội bóng xứ Nghệ là sự tỏa sáng cá nhân của tuyển thủ Văn Đức. Số 9 Sosseh thậm chí còn không thể sút trúng khung thành từ cự ly 5m khi nhận đường chuyền của Tuấn Tài.

Ban tổ chức V.League 2020 đã để ngỏ 2 vòng đấu để các đội bóng có dịp kiểm chứng năng lực ngoại binh. Nhưng do nguồn cung cầu thủ ngoại bị hạn chế bởi lệnh cấm nhập cảnh vào Việt Nam trong giai đoạn dịch Covid-19, nên các đội bóng chỉ còn cách sử dụng nguồn cầu thủ ngoại tại chỗ.

Ngoại trừ Hà Nội đã thay Rimario đang chấn thương bằng Kebe và SHB.Đà Nẵng vừa chia tay Nsiah, hoán đổi lấy Tanda (Thanh Hóa). Còn Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh chia tay cầu thủ Antonio Pereira để đón về "người quen" của V-League - chân sút gốc Phi Victor Mansaray, vốn thử việc không thành ở Thanh Hóa và SLNA.

Tanda (Thanh Hóa)
Tanda (Thanh Hóa) đang lâm vào tình trạng "thử kêu, đốt tịt". Ảnh AP

Đây thực sự là “chuyến tàu vét” để các đội bóng thay đổi những gương mặt ngoại binh chưa ưng ý trong các trận đã qua. Không có Hà Đức Chinh, HLV Lê Huỳnh Đức kỳ vọng Tanda sẽ phù hợp với vị trí trung phong cắm của SHB.Đà Nẵng, trong khi đó bầu Đệ hy vọng Nsiah sẽ đá hộ công cho Hoàng Vũ Samson. Bỏ qua yếu tố chuyên môn thì sự hoán đổi còn mang nặng yếu tố tinh thần, bán rủi cầu may cho đội bóng.

Trong khi đó, HLV Phạm Minh Đức sau khi đã thấy được năng lực thực sự của hàng tiền vệ đội bóng “Núi Hồng” sẽ trông chờ Victor Mansaray có thể độc lập tác chiến với Tuấn Hải, Bruno trên hàng công. Tân binh V.League 2020 đang hiểu một mùa bóng khó khăn đang chờ, nếu không có được ngoại binh ưng ý.

Ngoài 3 CLB trên, 2 vòng đấu vừa qua cho thấy nhiều ngoại binh mới vẫn chưa bắt nhịp được với lối chơi của các đồng đội. Nhưng họ vẫn còn cơ hội thể hiện trong giai đoạn lượt đi của mùa giải, nếu không muốn bị sớm thanh lý hợp đồng.