Điểm danh 10 lỗi phổ biến trên thiết bị Android

Phần lớn người dùng Android hay gặp một số lỗi phổ biến như hiệu suất chậm, không bật thiết bị lên được hoặc vấn đề về kết nối Internet. Thay vì phải sống chung với nỗi bực tức, bạn có thể làm theo những cách sau.
10 lỗi phổ biến trên Android
10 lỗi phổ biến trên Android

1. Ngốn pin

Nhiều người tỏ ra chán nản do tuổi thọ pin của thiết bị Android. Nhưng ít ai biết rằng, nguyên nhân chủ yếu nằm ở tính năng định vị vị trí và thiết lập độ sáng.

Để khắc phục, bạn vào phần Settings > Locations và chọn chế độ tiết kiệm pin. Người dùng cũng cần tránh chế độ ánh sáng tự động và thay vào đó là chọn ở mức trung bình.

Ngoài chế độ tiết kiệm pin trong Locations, một số điện thoại như Galaxy S5, S6 và S7 có thêm Battery Saving Mode riêng.

2. Giao diện bị chậm hoặc đơ

Nếu nhận thấy thao tác trên máy chậm, có lúc đơ hoàn toàn, đó là lúc cần xem lại phần cài đặt. Tốt nhất nên xóa bớt ứng dụng, hình ảnh không dùng tới hoặc chuyển lên đám mây, thẻ nhớ microSD. Tiếp đến xóa bộ nhớ cache ứng dụng, hạn chế sử dụng hình nền động.

Để xóa dữ liệu ứng dụng, bạn vào Settings > Apps, chọn ứng dụng và nhấp vào Clear Cache.

3. Kết nối có vấn đề

Các kết nối như Bluetooth, Wi-Fi hay mạng di động nếu bị lỗi, bạn thử chuyển sang chế Airplane khoảng 30 giây, sau đó kết nối lại. Đôi khi chỉ đơn giản chuyển đổi qua lại giữa các kết nối cũng có thể giải quyết được vấn đề.

4. Tin nhắn mãi không gửi được

Lỗi tin nhắn không gửi đường rất phổ biến. Khi đó, bạn nên kiểm tra kết nối Internet, nhấp vào nút gửi lại. Nếu không được, thử khởi động lại thiết bị hoặc thậm chí cài đặt ứng dụng nhắn tin mới.

5. Lỗi đồng bộ

Lỗi đồng bộ dữ liệu có thể do nhiều nguyên nhân. Đầu tiên, cần đảm bảo thiết bị đang kết nối Internet và chắc rằng các dịch vụ bạn cố đồng bộ hóa như Google hay Dropbox không bị lỗi server. Đôi khi, kiểm tra lại mật khẩu là cách đơn giản để gỡ bài toán.

6. Treo ứng dụng

Ứng dụng đang chơi bỗng bị treo do nhiều nguyên nhân. Nó có thể liên quan tới bản cập nhật ứng dụng hoặc do điện thoại. Hãy thử cập nhật phiên bản mới, hoặc đóng ứng dụng rồi mở lại.

7. Màn hình thiếu độ nhạy

Nếu chạm vuốt mãi mà màn hình không phản hồi, đừng quá bực tức. Có thể máy hỏng, nhưng nhiều khi chỉ là lỗi đơn giản. Hãy thử tắt điện thoại chờ hai phút sau đó khởi động lại.

8. Play Store bị treo

Vấn đề có thể bộ nhớ cache đã bị đầy. Bạn tới phần Settings > Applications > All Apps > Google Play Store > Storage > Clear Cache, sau đó khởi động lại điện thoại.

9. Không tải được ứng dụng

Ứng dụng không thể tải về có thể do 2 nguyên nhân. Trước tiên, hãy thử xóa bộ nhớ cache của Google Play Store. Nếu không được, chuyển sang xóa lịch sử của Google Play.

10. Trẻ vô tình mua hàng

Nếu đưa điện thoại cho trẻ em chơi, chúng rất dễ nhấn nhầm vào mua ứng dụng hoặc trò chơi. Bạn tới Play Store, nhấp vào dấu 3 gạch ngang ở góc trên bên trái màn hình chọn Settings, sau đó tích vào ô xác thực dấu vân tay (Fingerprint Authentication). Mỗi lần mua hàng, hệ thống sẽ yêu cầu xác thực bằng hình thức bảo mật dấu vân tay.

Theo Đại đoàn kết