Ống kit máy ảnh lợi hại hơn bạn nghĩ |
Ống kit (len kit) theo định nghĩa là một loại ống kính dành cho người mới bắt đầu làm quen với nhiếp ảnh. Sản phẩm thường được bán kèm với thân máy ảnh ống kính rời SLR hoặc DSLR dòng phổ thông. Hầu như mọi ống kính được bán kèm này đều có giá thành thấp, vì chúng được các nhà sản xuất thiết kế chủ yếu hướng đến dân “mới vào nghề”.
Ống kit EF-S 18-55mm/f3.5-5.6 được dùng trên body EOS7Dcủa Canon. |
Ống kit tuy có thể nói là rẻ, chất lượng dĩ nhiên không thể sánh bằng những sản phẩm cao cấp khác, song nếu đang sở hữu, người dùng không nhất thiết phải đầu tư thêm một ống kính đắt tiền khác nếu không thực sự có nhu cầu và hầu bao dư dả. Dù cho có thừa cơ hội để tậu một chiếc ống kính đắt tiền khác, bạn cũng nên giữ lại ống kit vì “sự khởi đầu” này vẫn là một lựa chọn tốt, tương xứng với giá thành nếu biết khai thác, tận dụng những điểm mạnh sau của thiết bị.
4 tiêu cự cơ bản chỉ trong một ống kính
Không chỉ những ống kính đắt tiền, cao cấp, ống kit còn được nhiều nhiếp ảnh gia trên thế giới tin dùng. Đơn cử, Jingna Zhang, nữ nhiếp ảnh gia thời trang Quốc tịch Singapore nổi tiếng với những giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế đã từng khởi nghiệp với chiếc Canon EOS 350D dùng ống kit 18-55mm. Bạn đọc quan tâm có thể ghé thăm Blog của cô theo địa chỉblog.zhangjingna.com. |
Điểm mạnh đáng kể của ống kit trước hết chính thiết kế đa năng với 4 chiều dài tiêu cự được xem là những “mốc” cơ bản đã được ứng dụng từ thời máy phim thế hệ trước. Ống kit ở tiêu cự góc rộng nhất có thể dùng như một chiếc ống tiêu cự góc rộng chuẩn 28mm thích hợp cho ảnh phong cảnh. Tại tiêu cự 35mm, ống kit thích hợp cho nhu cầu săn ảnh đường phố và chụp ảnh thường ngày trong gia đình. Bên cạnh đó, ống kit còn hỗ trợ cả mốc tiêu cự 50mm, vốn được xem là tiêu cự chuẩn vẫn thường được sử dụng cho máy ảnh dùng phim 35mm. Và đặc biệt, ở tiêu cự zoom tối đa, ống kit với chiều dài tiêu cự tương đương 85mm trên các máy phim còn “vừa vặn” cả cho nhu cầu chụp ảnh chân dung.
Dù không hỗ trợ độ mở lớn như các ống prime (ống một tiêu cự) hay những ống zoom một khẩu khác, nhưng ống kit cơ bản vẫn là một lựa chọn phù hợp cho nhiều bối cảnh chụp ảnh khác nhau trong đời sống thường ngày của bạn.
Thiết kế gọn nhẹ
Các ống kit tiêu cự 18-55mm được Canon cũng như Nikon trang bị kèm theo các mẫu DSLR của hãng không chỉ đa năng mà còn có ngoại hình rất gọn nhẹ, tiện mang theo bên mình hơn hẳn một số lựa chọn ống kính khác. Cụ thể, ống kit Canon 18-55mm/f3.5-5.6 với chiều dài thân ống chỉ khoảng 70mm và cân nặng chỉ tầm 200g. Trong khi đó, model một khẩu 17-55mm/f2.8 cũng của hãng sản xuất tuy được đánh giá cao hơn cả về chất lượng lẫn giá thành lại dài đến hơn 110mm và nặng đến 645g. Tương tự như Canon, lens kit 18-55mm/f3.5-5.6 của Nikon cũng nhỏ gọn và nhẹ cân hơn nhiều so với model Nikon cao cấp 17-55mm với độ mở f2.8 suốt chiều dài tiêu cự.
Ảnh chụp từ tiêu cự góc rộng 18mm của ống kit. |
Để có được thiết kế gọn nhẹ này, dĩ nhiên ống kit cũng phải chịu một vài sự tiết giảm về phần cứng, về vật liệu làm nên các thành phần thấu kính bên trong cũng như cả phần khung bảo vệ bên ngoài. Tuy nhiên, nếu so với chất lượng và giá thành một chiếc ống kit, việc tiết giảm này thực sự là một chi tiết hợp lý. Thiết kế gọn nhẹ của ống kit còn cho phép người dùng đeo máy cả ngày trong những chuyến dã ngoại mà không cảm thấy vướng víu, mệt mỏi vì phải vác nặng như những model ống kính nặng cân khác.
Chi phí cho kính lọc (filter) thấp
Trong nhiếp ảnh, kính lọc (filter) cũng là một phụ kiện hữu dụng để góp phần tạo nên một bức ảnh đẹp. Kính lọc vốn rất đa dạng về tính chất, kích thước cũng như thương hiệu. Có loại kính lọc giúp tạo những hiệu ứng đặc biệt như kính lọc hồng ngoại, kính tạo nền trời xanh.. Cũng có loại đơn thuần chỉ dùng để bảo vệ bề mặt thấu kính ngoài cùng của ống kính. Tuy nhiên, đặc điểm chung của filter chính là kích thước càng lớn, chi phí đầu tư sẽ càng cao.
Ống kit so với các loại ống kính zoom, prime, thường có đường kính (phi) nhỏ hơn nhiều. Ví dụ như model 18-55mm/f3.5-5.6 của Canon hỗ trợ filter đường kính 58mm, riêng model kit 18-55mm của Nikon chỉ tương thích các loại filter có phi 52mm. Chính nhờ yếu tố này mà người dùng cũng tiết giảm được đáng kể khoản phí cho việc đầu tư kính lọc cho ống kit.
Tuy vậy, cần phải lưu ý rằng thấu kính mặt ngoài của ống kính thường xoay chuyển mỗi khi lấy nét. Yếu tố này khiến ống kit khó lòng tương thích tốt với một số loại kính lọc đặc biệt vì một khi xoay một góc nhỏ, hiệu ứng đặc biệt của kính lọc sẽ giảm bớt hoặc mất tác dụng. Ngoại trừ nhóm filter đặc biệt này, nhược điểm này không hề xảy ra khi người dùng chủ yếu sử dụng filter để bảo vệ ống kit khỏi tia UV hay cơ bản chỉ để chống trầy xước hay bụi bẩn cho bề mặt thấu kính.
Khả năng lấy nét ở cự ly gần
Như đã nói từ đầu, lens kit vốn được thiết kế để phục vụ nhu cầu chụp ảnh đa dạng của người dùng. Và có lẽ, chi tiết mà người dùng ít quan tâm nhất chính là khả năng lấy nét ở cự ly gần của ống kit. Không chỉ lens kit của Canon, cả những ống kit của Nikon cũng có khả năng lấy nét cận cảnh tốt hơn nhiều so với các mẫu ống kính thuộc phân khúc cao cấp của hãng.
Một bức ảnh chân dung được chụp bằng ống kit Nikkor 18-55mm bởi nhiếp ảnh gia Ấn ĐộAshok Saravanan. |
Nikon 18-55mm/f3.5-5.6 có thể lấy nét ở khoảng cách 0,28m từ máy đến đối tượng cần chụp. Riêng với ống kit của Canon, khoảng cách lấy nét gần nhất được rút ngắn chỉ còn 0,25m. Điều đáng chú ý ở đây chính là khoảng lấy nét gần nhất này không hề thay đổi ngay cả khi bạn zoom đến hết chiều dài tiêu cự (55mm) của ống kính. Nhờ đó, bạn có thể lấp đầy khung hình và phóng to những vật thể nhỏ một cách khá dễ dàng.
Rẻ nhưng vẫn luôn được cải tiến
Mặc dù có giá bán phải nói là rất rẻ, song lens kit vẫn luôn được các hãng đầu tư nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới. Đơn cử, các thế hệ ống kit mới của Canon đã được hãng ưu ái trang bị công nghệ lấy nét êm ái và chính xác mới tên gọi STM không chỉ lấy nét chính xác mà còn êm ái, ít gây tạp âm trong các cảnh quay. Trong khi đó, các sản phẩm của Nikon đang ngày càng gọn và nhẹ hơn. Riêng Panasonic, Olympus và Sony ngày nay khá ấn tượng với những thế hệ ống kit nhỏ gọn, hỗ trợ zoom dùng trên các thế hệ máy ảnh không gương lật ống kính rời nhỏ nhắn của hãng.
Tiết kiệm chi phí
Việc chọn lựa ống kit khi khởi đầu với nhiếp ảnh thực sự là một việc nên làm. Với ống kit, bạn không cần phải đầu tư quá nhiều chi phí cho niềm đam mê của mình. Và dẫu cho kinh phí không phải là một điều quá lớn, bạn vẫn có thể tiết kiệm được một khoản phí từ việc đầu tư ống kit và dùng cho việc tậu một phụ kiện khác cần thiết hơn. Chẳng hạn bạn có thể dùng khoản tiền dư này để tậu một chiếc tripod chất lượng để có thể linh động hơn với những thay đổi của môi trường. Bạn cũng có thể tậu một đèn flash rời để tạo những hiệu ứng ánh sáng đẹp hơn đèn flash cóc của máy.
Với người dùng mới làm quen với nhiếp ảnh, hãy khởi đầu với một thân máy và một ống kit cơ bản nhất - vì nó giúp bạn có được một cái nhìn thực tế nhất cho thành quả của mình. Tuy nhiên, khi chọn ống kit, hãy luôn nhớ rằng lớn hơn không có nghĩa là tốt hơn. Ống kit tiêu cự 18-55mm vốn có dải zoom khá hạn chế (khoảng 3x), song vẫn cho chất lượng tốt hơn nếu so với những lựa chọn dải zoom rộng hơn như model dải tiêu cự 18-200mm. Các model ống kính có dải zoom siêu rộng dù được cho là đa năng, nhưng thường có chất lượng quang học không cao, khá đắt và nặng ký.
Một số lưu ý khi sử dụng và bảo quản lens kit
Ống kit cơ bản sử dụng phần lớn vật liệu nhựa cả cho thấu kính lẫn phần vỏ bảo vệ bên ngoài. Vì vậy người dùng nên cẩn thận trong quá trình sử dụng, tránh nước, va đập hay làm rơi thiết bị. Một khi không sử dụng, hãy luôn đậy nắp bảo vệ (cap) trước ống kính để tránh bụi bẩn. Để vệ sinh bề mặt thấu kính, bạn hãy dùng vải sợi tổng hợp mềm, không đổ lông để lau chùi nhẹ bên ngoài. Tuyệt đối không dùng các hóa chất tẩy rửa để vệ sinh bề mặt ống kính cũng như thấu kính bên ngoài tránh gây hư hỏng thiết bị. Bạn cũng nên sử dụng kính lọc (filter) loại thường hoặc chống tia UV để bảo vệ bề mặt thấu kính trước ống kính. Khi di chuyển đến những môi trường có sự chênh lệch nhiệt độ cao, hãy tránh khởi động và sử dụng máy ảnh ngay mà hãy để thiết bị từ từ “làm quen” với sự thay đổi của môi trường.