Dịch sốt xuất huyết tại TP HCM sẽ gia tăng, người dân không được chủ quan

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo các thống kê, dịch sốt xuất huyết tại TP HCM giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, đỉnh dịch sốt xuất huyết sẽ rơi vào tháng 11 và 12, do đó, các chuyên gia khuyến cáo người dân tuyệt đối không được chủ quan.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong - Trưởng Khoa Nhiễm D (BV Bệnh Nhiệt đới TP HCM). Ảnh: Hòa Bình
Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong - Trưởng Khoa Nhiễm D (BV Bệnh Nhiệt đới TP HCM). Ảnh: Hòa Bình

Dự báo dịch sốt xuất huyết tại TP HCM sẽ gia tăng

Sốt xuất huyết là bệnh lưu hành tại Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh Nam bộ, trong đó có TP HCM. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM cho biết trong 8 tháng đầu năm 2020, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết giảm so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thế, trong 8 tháng đầu năm, toàn thành phố có 11.999 ca, trong đó có 6.589 bệnh nhân điều trị nội trú và 5.410 bệnh nhân điều trị ngoại trú. So với cùng kỳ năm 2019, số ca sốt huyết năm nay thấp hơn 72%. Số ca bệnh hàng tuần đều ít hơn so với tuần cùng kỳ.

Sốt xuất huyết là bệnh lưu hành tại Việt Nam, đặc biệt là tại các tỉnh miền Nam vào mùa mưa
Sốt xuất huyết là bệnh lưu hành tại Việt Nam, đặc biệt là tại các tỉnh miền Nam vào mùa mưa

Mặc dù số ca bệnh giảm so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng thời gian qua, ngành y tế TP.HCM cũng ghi nhận 1 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Tại một số tỉnh thành khác cũng đã có các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.

Bệnh sốt xuất huyết thường đi vào giai đoạn cao điểm ở cuối tháng 7 đến tháng 1 năm sau, đỉnh dịch có thể xuất hiện trong tháng 11 và 12. Các chuyên gia dự báo trong những tuần sắp tới, số ca bệnh sốt xuất huyết sẽ tăng nếu người dân không diệt muỗi, diệt lăng quăng, dọn sạch môi trường sống.

Không chủ quan với sốt xuất huyết

Bệnh sốt xuất huyết thường diễn biến nặng vào các ngày thứ 5-7, lúc này, bệnh nhân thường cảm thấy bệnh đã giảm, hết sốt nên dễ chủ quan. Cùng với đó, dịch Covid-19 đã tạm thời được kiểm soát tại các tỉnh thành trên cả nước, tuy nhiên, tâm lý ngại đến khám tại các BV cũng có thể khiến dịch sốt xuất huyết bùng phát trong thời gian tới.

Chia sẻ với VietTimes, bác sĩ Nguyễn Thanh Phong - Trưởng Khoa Nhiễm D (BV Bệnh Nhiệt đới TP HCM) cho hay "Thời gian vừa qua BV Bệnh Nhiệt đới TP HCM tiếp nhận ít ca bệnh sốt xuất huyết hơn so với cùng kỳ năm ngoái nhưng cũng có nhiều ca nặng.

Do đó, với bệnh sốt xuất huyết, mọi người không nên chủ quan. Khi có các dấu hiệu của bệnh như sốt, đau đầu, nhức mỏi, đau bụng, tiêu chảy, nôn, đau cơ,... người dân nên đến các cơ sở y tế để khám và điều trị đúng cách, tránh tự ý chữa bệnh tại nhà.

Riêng với dịch COVID - 19, các cơ sở y tế đã phân luồng, khám sàng lọc, tổ chức quy trình tách bệnh nhân khám thông thường và bệnh nhân có triệu chứng hô hấp theo quy định. Do đó người dân không nên quá lo lắng dịch COVID-19 mà tự ý điều trị bệnh sốt xuất huyết ở nhà, dẫn đến diễn tiến nặng như suy đa cơ quan, suy đa tạng".

Sở Y tế TP HCM họp triển khai chống dịch sốt xuất huyết. Ảnh: HCDC
Sở Y tế TP HCM họp triển khai chống dịch sốt xuất huyết. Ảnh: HCDC

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM khuyến cáo người dân không nên chủ quan với dịch sốt xuất huyết. Để phòng bệnh, mọi người cần dọn sạch môi trường sống, làm sạch các bể nước, diệt muỗi, diệt lăng quăng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh sốt xuất huyết cần nhanh chóng đi khám tại các cơ sở y tế, không được tự ý điều trị tại nhà.

Bên cạnh việc đẩy mạnh truyền thông để tránh việc người dân chủ quan với bệnh sốt xuất huyết, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM - đề nghị Phòng Y tế và Trung tâm Y tế các quận, huyện tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn; xử phạt hành chính đối với các cá nhân, tổ chức cố tình không diệt lăng quăng, không diệt muỗi để phòng bệnh.

Để tăng cường giám sát đối với bệnh sốt xuất huyết, TP HCM đã ứng dụng hệ thống thông tin địa lý trong quản lý bệnh truyền nhiễm (phần mềm GIS) đối với các đơn vị y tế quận, huyện, phường, xã. Phần mềm GIS cho các cơ sở y tế biết ca bệnh phân bố ở đâu, đã được điều tra dịch tễ hay chưa, có hình thành ổ dịch hay không, kết quả xử lý ổ dịch ra sao,... từ đó có phương án kiểm soát chặt chẽ, can thiệp kịp thời. Hiện đã có 319 tài khoản của đơn vị y tế tuyến phường xã truy cập vào hệ thống.