60 tỉnh, thành phố có ca mắc sốt xuất huyết
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: Mặc dù kết quả phòng, chống COVID-19 của Việt Nam được thế giới đánh giá tốt nhưng không thể chủ quan mà quên đi những bệnh dịch khác (sốt xuất huyết, bạch hầu), không để dịch chồng dịch. Từ tháng 9 thời tiết ở miền Bắc bắt đầu chuyển mùa, miền Nam đang vào mùa mưa nên phải tập trung phòng, chống dịch sốt xuất huyết và dịch bạch hầu.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên (Ảnh: Thảo Nguyên)
|
Theo ông Đặng Quang Tấn, trong 9 tháng đầu năm, sốt xuất huyết trên thế giới chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Nhiều quốc gia đã ghi nhận trường hợp mắc sốt xuất huyết như Malaysia, Philippines, singapore, Lào, Campuchia,…Tại Việt Nam, tích lũy từ đầu năm đến nay đã có hơn 65.000 người mắc sốt xuất huyết, trong đó có 7 người tử vong (2 trường hợp Hà Nội, 2 trường hợp ở Bình Định, Bình Phước 1 trường hợp và Tây Ninh 2 trường hợp). Đỉnh dịch sốt xuất huyết có thể rơi vào tháng 10,11.
Thống kê cho thấy, trong 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã có 60 tỉnh ghi nhận có ca mắc sốt xuất huyết. 3 tỉnh gồm: Lạng Sơn, Hà Giang, Điện Biên chưa có ca mắc. Tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết trong 9 tháng đầu năm là 0,01 %. Tỷ lệ này được đánh giá là tỷ lệ tử vong thấp nhất trong 10 năm qua.
Ông Tấn nhận định: Mặc dù số ca mắc sốt xuất huyết đang có xu hướng giảm nhưng thời tiết mưa nhiều, độ ẩm cao sẽ tạo cơ hội cho dịch bệnh phát triển, bước vào mùa cao điểm của sốt xuất huyết. Hà Nội đang ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết cao với 2 trường hợp tử vong trong tháng 9. Thời gian tới, sốt xuất huyết sẽ gia tăng do phía Nam bắt đầu mùa mưa, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi đẻ trứng.
Vì thế, ông Tấn đề nghị 12 tỉnh trọng điểm có số ca mắc sốt xuất huyết hàng tuần tăng cao (Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bến Tre, TP. Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội) phải tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết, chủ động tổ chức điều tra ở những điểm nóng có dịch để dập dịch.
Ông Đặng Quang Tấn - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng kiểm tra việc phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa (Ảnh: Lê Hòa)
|
Thực tế, các tỉnh, thành phố có dịch đã tăng cường phòng, chống sốt xuất huyết nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí, hóa chất diệt muỗi, chiến dịch vệ sinh môi trường chưa tổ chức được thường xuyên; ý thức của người dân về xử lý ổ dịch, phòng, chống sốt xuất huyết chưa cao khi đóng cửa không cho cán bộ phun hóa chất chống muỗi.
Do đó, Cục Y tế dự phòng đề nghị các địa phương tổ chức truyền thông, vận động người dân, tổ chức việc vệ sinh môi trường, đa dạng hóa truyền thông; tăng cường giám sát, phát hiện sớm ổ dịch để xử lý triệt để ổ dịch, tăng cường truyền thông, tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành.
Dịch bạch hầu có nhiều điểm nóng
Thông tin về tình hình dịch bạch hầu, ông Tấn cho hay, năm nay dịch bạch hầu có nhiều điểm nóng, với 198 trường hợp dương tính với bạch hầu. Từ đầu năm đến nay đã có 4 trường hợp tử vong vì bạch hầu. Số ca mắc bạch hầu tăng mạnh trong tháng 7 ở Tây Nguyên với 104 trường hợp.
Đáng chú ý, số ca mắc bạch hầu trên 65 tuổi có xu hướng tăng, 81% trường hợp mắc không rõ đã tiêm chủng hay chưa.
Chia sẻ về tình hình dịch bệnh ở Tây Nguyên, ông Viên Chinh Chiến - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên – cho biết: Rất khó để nhận định diễn biến của dịch bạch hầu do những năm trước dịch xuất hiện ít. Trường hợp tử vong mới đây mắc bạch hầu phát hiện không muộn nhưng việc xử lý có vấn đề. Bệnh nhân nhập viện vào ngày 9/9, được Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Kom Tum phát hiện dương tính với bạch hầu. Đến ngày 12/9, bệnh nhân chuyển nặng thì được chuyển sang TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, do quá trình xử lý chậm nên bệnh nhân đã tử vong vào ngày 13/9.
"Đến nay đã có 80 ổ dịch ở Tây Nguyên được kiểm soát được nhưng 8 ổ dịch mới vẫn còn nên tình hình bệnh chỉ kiểm soát được vào cuối tháng 9 đến đầu tháng 10." - ông Chiến nói.
Đánh giá về tình hình dịch bạch hầu ở Tây Nguyên, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh: Các xã có ổ dịch bạch hầu đa số ở vùng sâu vùng xa, đi lại khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số chưa nhận thức về bệnh, cán bộ y tế ít để ý quan tâm đến bạch hầu do bệnh đã lâu không xuất hiện. Ngoài ra, một số địa phương có tập quán tập trung sinh hoạt đông người. Qua điều tra dịch tễ đã phát hiện nhiều trường hợp không nhớ lịch sử tiêm chủng, nhiều người cao tuổi mắc.
Để chủ động phòng, chống dịch bạch hầu trong thời gian tới, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch tiêm vaccine phòng bạch hầu; tổ chức tập huấn, điều trị bạch hầu, hỗ trợ cấp cứu bệnh nhân, đồng thời, tăng cường truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng tiêm vaccine phòng dịch bạch hầu.
Sau khi lắng nghe ý kiến của Cục Y tế dự phòng cùng các đơn vị về tình hình dịch sốt xuất huyết và dịch bạch hầu, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu các đơn vị phải tăng cường tuyên truyền cho người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết ở từng hộ gia đình, cán bộ y tế phải nâng cao trách nhiệm trong công tác khám, chữa bệnh cho người dân. Cùng với đó, mỗi địa phương phải thành lập tổ chống dịch cộng đồng để dập dịch triệt để.
Thứ trưởng Tuyên đề nghị Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cần cập nhật lại phác đồ điều trị bệnh bạch hầu để các địa phương chủ động thực hiện tốt, đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, không để xảy ra tình trạng “vùng lõm” tiêm chủng ở vùng sâu, vùng xa, thực hiện tiêm chủng theo kế hoạch và chiến dịch đã đưa ra. Cùng với đó, xây dựng kế hoạch truyền thông phòng, chống dịch sốt xuất huyết, bạch hầu mùa đông xuân và hè thu.