4 người tử vong do sốt xuất huyết: Làm thế nào để chiến đấu với căn bệnh nguy hiểm chưa có vaccine?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tại buổi tư vấn trực tuyến phát hiện sớm và phòng, chống sốt xuất huyết do Bệnh viện Bạch Mai tổ chức vào chiều nay (8/9), PGS. TS. Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai – cho biết: Cả nước đã có 4 trường hợp tử vong sau khi mắc sốt xuất huyết. Đến nay vẫn chưa có vaccine và thuốc đặc hiệu để điều trị sốt xuất huyết.
Bệnh viện Bạch Mai tổ chức tư vấn trực tuyến phát hiện sớm và phòng, chống sốt xuất huyết (Ảnh: Minh Thúy - nguồn: FB BV Bạch Mai)
Bệnh viện Bạch Mai tổ chức tư vấn trực tuyến phát hiện sớm và phòng, chống sốt xuất huyết (Ảnh: Minh Thúy - nguồn: FB BV Bạch Mai)

Cả nước đã có hơn 48.000 ca mắc sốt xuất huyết

Thống kê cho thấy, trong 8 tháng đầu năm, cả nước đã có 48.484 ca mắc sốt xuất huyết ở 46 tỉnh, thành. Trong đó, có 4 trường hợp tử vong và đáng lưu ý khi 2 trường hợp tử vong ở Hà Nội đều tự ý điều trị tại nhà.

PGS. TS. Đỗ Duy Cường cho biết, sốt xuất huyết không phải là bệnh mới, xảy ra hàng năm và gia tăng vào các tháng mưa. Trước đó năm 2017 đã xảy ra dịch sốt xuất huyết có số người mắc lớn nhất từ trước tới nay.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus dengue gây ra có 4 tuýp gồm: DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4. Muỗi Aedes aegypti là côn trùng trung gian truyền bệnh. Trong suốt cuộc đời, mỗi người có thể nhiễm cả 4 tuýp sốt xuất huyết.

Sốt xuất huyết do virus dengue gây ra có 4 tuýp (Ảnh: Minh Thúy)
Sốt xuất huyết do virus dengue gây ra có 4 tuýp (Ảnh: Minh Thúy) 

Sốt xuất huyết có biểu hiện điển hình là sốt, bệnh chỉ kéo dài trong 7 ngày với các biểu hiện: sốt cao đột ngột, liên tục kéo dài từ 2-7 ngày; nghiệm pháp dây thắt dương tính – hồng cầu thoát ; có chấm xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu cam; nhức đầu, chán ăn, buồn nôn; da xung huyết, phát ban; đau cơ, đau khớp, nhức 2 hố mắt; có thể nổi hạch. Ngoài ra, số lượng tiểu cầu của người bệnh bình thường hoặc hơi giảm, số lượng bạch cầu giảm. Bệnh nhân có thể bị đau bụng, nôn liên tục, ức dịch, xuất huyết niêm mạc, gan to, mệt mỏi,…

Đến nay, vẫn chưa có vaccine cũng như thuốc điều trị đặc hiệu sốt xuất huyết.

Chính vì thế, sốt xuất huyết là vấn đề y tế công cộng toàn cầu. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sốt xuất huyết là 1 trong những bệnh do vector truyền quan trọng nhất. Sốt xuất huyết đang lưu hành trên 128 quốc gia có khí hậu nhiệt đới và á nhiệt đới (Đông Nam Á, Tây Thái Bình Dương, châu Mỹ, châu Phi). Ước tính thế giới có khoảng 390 triệu ca mắc sốt xuất huyết /năm, tăng 30 lần trong 50 năm qua. Dự kiến đến năm 2080 sẽ có khoảng 2,25 tỷ người nhiễm sốt xuất huyết Dengue.

Thep PGS. Cường, bệnh sốt xuất huyết Dengue có 3 giai đoạn gồm: Thời kỳ ủ bệnh (dưới 7 ngày); thời kỳ phát bệnh – nhiễm virus máu, bệnh nhân bị sốt và giai đoạn hồi phục.

2 ca tử vong vì sốt xuất huyết đều nhập viện muộn

Thông tin về 2 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết, PGS. Cường cho hay: 2 bệnh nhân tử vong ở Bệnh viện Bạch Mai đều đến bệnh viện muộn, từ ngày thứ 4, thứ 5 sau khi mắc bệnh.

PGS. Cường chia sẻ: Thực tế, mặc dù 3 ngày đầu mắc sốt xuất huyết người bệnh không có biểu hiện đặc biệt, nhưng từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 6 là khoảng thời gian nguy hiểm. Trong khoảng thời gian này, nhiệt độ cơ thể người bệnh giảm xuống còn 37 độ 5-38 độ C, có khi còn 36 độ C. Bệnh nhân có thể rơi vào tình trạng nặng, bị sốc, xuất huyết, suy tạng.

Trung tâm Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Bạch Mai điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết trong năm 2017 (Ảnh: Minh Thúy)
Trung tâm Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Bạch Mai điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết trong năm 2017 (Ảnh: Minh Thúy)

Việc bệnh nhân mắc sốt xuất huyết rơi vào tình trạng sốc khi mắc là do cơ chế tăng tính thấm thành mạch – rối loạn chức năng tế bào biểu mô, ít tổn thương mô học mao mạch. Mặc dù quá trình tăng tính thấm thành mạch thường thoáng qua, thuyên giảm nhanh không để lại tổn thương bệnh lý (tối đa 48h, thường xuất hiện từ ngày thứ 4-7) gây ra hậu quả cơ thể người bệnh bị thoát huyết tương, dẫn đến tình trạng giảm thể tích tuần hoàn cô đặc máu gây ra sốc.

Khi có biểu hiện sốc, mạch của bệnh nhân nhanh, nhỏ, khó bắt, huyết áp hạ, lạnh chi, nổi vân tím,…kèm các biểu hiện xuất huyết trên da (xuất huyết dạng đầu đinh ghim trên nền da xung huyết ) và xuất huyết niêm mạc, xuất huyết nội tạng (xuất huyết đường tiêu hóa, não, phổi, chảy máu trong cơ).

Truyền dịch càng nhiều càng tốt là sai lầm  

PGS. Cường nhấn mạnh: “Quan niệm truyền dịch càng nhiều càng tốt cho người mắc sốt xuất huyết là không chính xác”. Việc truyền dịch được thực hiện ở những người mắc sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo, điều trị nội trú. Khi điều trị, các bác sĩ sẽ truyền dung dịch muối 0,9% hoặc dung dịch Ringer Lactate với  tốc độ duy trì dịch ở mức tối thiểu đảm bảo tưới máu, nước tiểu. Sau khi truyền dịch vài giờ thì chuyển sang đường uống. Các bác sĩ chỉ truyền dịch cho người bệnh trong 24-48 giờ.

PGS. Cường lưu ý: Đối với bệnh nhân mắc sốt xuất huyết không nên truyền đường (đường đẳng trương, ưu trương) có thể gây ảnh hưởng đến quá trình điều trị. Khi huyết áp, mạch của bệnh nhân trở về bình thường, tiểu nhiều, các bác sĩ phải ngừng truyền dịch; không cần thiết phải bù dịch sau khi bệnh nhân hết sốc 24, đồng thời, theo dõi triệu chứng phù phổi cấp nếu còn tiếp tục truyền dịch và chú ý sự tái hấp thu huyết tương từ ngoài lòng mạch trở lại lòng .

Khi bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nặng trong tình trạng cấp cứu vừa thoát huyết tương kèm theo sốc, ứ dịch, suy hô hấp, chảy máu, suy đa tạng,… thì các bác sĩ phải tính toán lượng dịch tinh thể đẳng trương. Nếu người bệnh không cải thiện thì phải truyền dung dịch cao phân tử. Nếu bệnh nhân bị sốc cũng phải tính toán lượng dịch truyền.

PGS. Cường khuyến cáo: Do sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên người dân cần chủ động phòng bệnh bằng biện pháp diệt muỗi, loăng quăng. Việc truyền dịch tại nhà không cấm hoàn toàn nhưng phải truyền dịch đúng theo quy định và hướng dẫn của cán bộ y tế. Trong những ngày đầu mắc sốt xuất huyết, người bệnh không cần truyền dịch, chỉ cần uống oresol giúp cân bằng dịch trong lòng mạch. Nếu có điều kiện, người dân nên đến các cơ sở y tế để theo dõi truyền dịch. Nếu dùng dung dịch sai thì việc truyền dịch sẽ gây ra hậu quả khó lường.