Bác sĩ Phạm Thị Như Hoa – Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn (Hà Nội) khám cho trẻ mắc cúm (Ảnh: Thiên Bình)
|
Bác sĩ Phạm Thị Như Hoa – Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn (Hà Nội) - cho biết, nhiều mẹ dùng khăn xô mềm để vệ sinh mặt, lau nước mũi, dãi cho trẻ khi trẻ bị ốm sốt, sổ mũi, cúm. Tuy nhiên, đây là thói quen sai lầm khiến cho trẻ không khỏi bệnh.
“Trong trường hợp bé bị cúm, mẹ dùng khăn xô lau nhưng không thay khăn mới, dùng lại khăn cũ, thì virus vẫn bám lại trên khăn, việc tái sử dụng khiến trẻ mắc bệnh nặng hơn, bệnh tái lại không thể khỏi được” – Bác sĩ Như Hoa cho biết.
Vì vậy, để giúp trẻ khỏi bệnh cúm nhanh hơn, mẹ nên bỏ thói quen sử dụng khăn xô để vệ sinh mặt, đường hô hấp cho con. Thay vào đó, mẹ thường xuyên vệ sinh mũi, miệng bằng khăn giấy mềm, sau đó vứt bỏ khăn giấy này.
Bên cạnh đó, bác sĩ Như Hoa cũng khuyến cáo các mẹ chú ý thay khăn sữa cho con, vì khăn sữa sau một thời gian sử dụng sẽ rất bẩn, sẽ trở thành nơi trú ngụ lý tưởng cho virus gây bệnh nếu không được giặt và vệ sinh đúng cách.
Trong khi đó, nhiều mẹ không biết cách khử trùng khăn sữa cho con nhưng vẫn cho bé sử dụng khăn quá nhiều lần, khiến bé tiếp tục có nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt là bệnh cúm A đang hoành hành.
Khăn sữa dành cho trẻ (Ảnh: Internet)
|
Để tránh lây nhiễm chéo bệnh cho trẻ, bác sĩ Như Hoa khuyên các mẹ thường xuyên giặt khăn khoảng 2-3 ngày/lần; phân loại các màu khăn khác nhau, giặt phơi riêng, tránh nhầm lẫn khăn lau cơ thể và khăn lau miệng cho trẻ; giặt khăn bằng cách bỏ khăn vào lò vi sóng hoặc nấu khăn khoảng 5 phút, thực hiện 1 lần/tuần.
Mẹ chú ý thay khăn cho trẻ khoảng 3 tháng/lần, thay ngay khăn mới nếu khăn bị khô xơ, khăn bị nhớt, có mùi hôi để tránh các bệnh về da cho trẻ.
Khăn cần được phơi ở nơi thoáng mát, thoáng khí, dưới nắng mặt trời, sau đó cất giữ bằng cách cuộn tròn khăn, nhằm tránh ảnh hưởng đến chất lượng khăn và khăn bị nhăn.
Ngoài ra, nếu trẻ có dấu hiệu sau, có thể trẻ đã mắc cúm, cần đến viện khám ngay: sốt đột ngột, thường là trên 38 độ hoặc cao hơn; ho khan; viêm họng; chảy nước mũi hoặc ngạt mũi; chảy nước, mắt đỏ; nhức mỏi cơ thể; đau đầu; mệt mỏi; tiêu chảy; nôn mửa.