Dịch bệnh bùng nổ, Italy khẩn cấp “phong thành”, dân chúng hoảng loạn

VietTimes -- Cơ quan Dân phòng Italy cho biết, tính đến cuối ngày 8/3, tại Italy đã có 7.375 người bị nhiễm SARS-CoV-2; số ca tử vong do dịch COVID-19 tại nước này đã tăng 57% trong một ngày, từ 133 lên 366 người. Số ca nhiễm cũng tăng kỷ lục trong ngày từ 5.883 ca lên 7.375 ca (tăng 1.500 ca, tương đương 25%). Đối mặt với dịch bệnh COVID-19 ngày càng nghiêm trọng, Italy đã không thể cầm cự và việc đóng cửa khẩn cấp các thành phố đã trở thành lựa chọn duy nhất.
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte ký sắc lệnh đặc biệt tuyên bố phong tỏa toàn bộ khu vực Lombardy thuộc miền Bắc Italy và 14 tỉnh  (Ảnh: Sina).
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte ký sắc lệnh đặc biệt tuyên bố phong tỏa toàn bộ khu vực Lombardy thuộc miền Bắc Italy và 14 tỉnh (Ảnh: Sina).

Vào sáng sớm ngày 8/3 theo giờ địa phương, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã ký một sắc lệnh đặc biệt tuyên bố phong tỏa toàn bộ khu vực Lombardy thuộc miền Bắc Italy và 14 tỉnh như Veneto và Emilia-Romagna cho đến ngày 3/4; các điểm du lịch nổi tiếng ở Milan và Venice cũng sẽ bị ảnh hưởng, liên quan đến ít nhất 16 triệu người, chiếm một phần tư dân số của đất nước.

Trong bài phát biểu đầu tiên sau khi tuyên bố đóng cửa thành phố, Thủ tướng Conte kêu gọi dân chúng hãy chịu trách nhiệm và phải tuân thủ các lệnh cấm này, không được chạy trốn. Việc một số lượng lớn người dân lo lắng đào thoát khỏi các khu vực bị phong tỏa trước khi sắc lệnh có hiệu lực, chắc chắn làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Vùng Lombardy và 14 tỉnh ở bắc Italy bị phong tỏa cho đến ngày 3/4 (Ảnh: Guancha).
Vùng Lombardy và 14 tỉnh ở bắc Italy bị phong tỏa cho đến ngày 3/4 (Ảnh: Guancha).

Ông Conte nói: “Chúng tôi muốn bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của tất cả mọi người. Chúng tôi biết rõ lệnh cấm như vậy sẽ gây ra sự bất tiện cho mọi người và mọi người sẽ phải hy sinh một số thứ; dù lớn hay nhỏ, nhưng giờ đây chúng ta phải có trách nhiệm, chúng ta phải tuân theo những điều cấm này và không được bỏ trốn”.

Theo sắc lệnh mới nhất, trong quá trình phong tỏa, tất cả mọi người trừ cảnh sát quân sự, nhân viên y tế và nhân viên cứu hộ khẩn cấp đang làm nhiệm vụ, đều bị cấm vào và ra khu vực bị phong tỏa.

Sắc lệnh quy định rằng tất cả các trường học đều đóng cửa; tất cả các địa điểm giải trí, bảo tàng, cung thể thao và bể bơi cũng sẽ bị đóng cửa. Ngoại trừ các giải thi đấu chuyên nghiệp, tất cả các hoạt động thể thao sẽ bị đình chỉ. Các giải chuyên nghiệp, bao gồm Serie A, không được phép mở cửa cho khán giả vào xem. Các quán bar và nhà hàng phải đảm bảo rằng các khách hàng duy trì khoảng cách ít nhất một mét nếu không sẽ bị đóng cửa. Các đám cưới và đám tang đã bị cấm ở những khu vực có dịch. Tuy nhiên, giao thông công cộng ở tất cả các khu vực đang bị phong tỏa dự kiến vẫn được duy trì.

Khách tham quan mang khẩu trang ở Quảng trường Nhà thờ lớn Milan trước khi thành phố bị phong tỏa (Ảnh: AP).
Khách tham quan mang khẩu trang ở Quảng trường Nhà thờ lớn Milan trước khi thành phố bị phong tỏa (Ảnh: AP).

Những người vi phạm sắc lệnh sẽ bị coi là “tội phạm” và có thể bị phạt tiền hoặc bỏ tù trong ba tháng. Chính phủ Italy nhấn mạnh rằng cảnh sát có thể thực hiện các biện pháp cưỡng chế đối với những kẻ phạm tội và sẽ huy động quân đội nếu cần thiết.

Mặc dù Thủ tướng đã “cúi mình cầu mong”, nhưng người dân vẫn tranh thủ lúc cửa còn mở để tứ tán đi khắp nơi, chẳng khác nào tình hình Vũ Hán trước khi “phong thành” hôm 23/1.

Theo AP ngày 8/3, vào tối ngày 7, do tin chính phủ dự định đóng cửa thành phố bị lộ lọt, đã xảy ra sự hỗn loạn ở thành phố Padua, Veneto; dòng người đổ ra rất đông từ các quán bar và nhà hàng. Nhà ga chật ních người đeo khẩu trang và găng tay mang theo valy ùa đến, hy vọng rời đi trước khi các biện pháp có hiệu lực.

Ông Nicola Zingaretti, chủ tịch của khu vực Lazio và lãnh đạo Đảng Dân chủ cầm quyền thông báo bị nhiễm COVID-19 (Ảnh: Guancha).
Ông Nicola Zingaretti, chủ tịch của khu vực Lazio và lãnh đạo Đảng Dân chủ cầm quyền thông báo bị nhiễm COVID-19 (Ảnh: Guancha).

Theo Channel News Asia, Singapore ngày 9/3, một tổ chức nhân quyền nhà tù cho biết, các tù nhân tại 4 nhà tù ở Italy đã xảy ra bạo loạn do tù nhân không hài lòng với các quy định mới của quốc gia về việc kiểm soát dịch bệnh khiến 1 người tù bị chết và nhiều người khác bị thương.

Các vụ bạo loạn xảy ra tại các nhà tù Naples Poggioli ở phía nam, nhà tù Modena ở miền bắc, nhà tù Frosiny ở miền trung và nhà tù Alexandria ở phía tây bắc. Được biết, các tù nhân trong các nhà tù này đã phản đối các biện pháp như cấm các chuyến thăm của gia đình. Báo Stampa” của Italy đưa tin rằng những cuộc bạo loạn này bắt đầu sau khi thân nhân của các tù nhân tổ chức các cuộc biểu tình phản đối bên ngoài cổng nhà tù.

Sau khi tin tức về việc đóng cửa thành phố, một số người đứng đầu chính quyền địa phương bày tỏ sự bối rối, chỉ trích rằng việc thực thi sắc lệnh đột ngột là không chuẩn bị và khó thực hiện, và yêu cầu thêm thời gian để các biện pháp được thực thi suôn sẻ hơn.

Tướng Salvatore Farila, Tham mưu trưởng Lục quân của quân đội Italy đã bị nhiễm COVID-19 (Ảnh: Đông Phương)
Tướng Salvatore Farila, Tham mưu trưởng Lục quân của quân đội Italy đã bị nhiễm COVID-19 (Ảnh: Đông Phương)

Ông Ricciardi, một trong những nhà khoa học tham gia ký vào sắc lệnh phong tỏa, cho rằng thông tin bị rò rỉ và gây hoảng loạn khi Thủ tướng Giuseppe Conte gửi bản dự thảo kế hoạch cho các khu vực để chờ họ chấp thuận. Ông Conte gọi việc rò rỉ thông tin là “không chấp nhận được”. “Thông tin này đã tạo ra sự bất ổn, bất an và hoang mang, chúng ta không thể dung thứ”, ông nói trong một cuộc họp báo sáng 8/3, nói sẽ tiến hành điều tra về vụ việc.

Theo báo La Repubblica, sau khi Thủ tướng Conte ký sắc lệnh, các chuyến tàu đêm tại ga trung tâm Milan và ga Garibaldi các đám đông lớn đã tràn vào. Hơn 500 người muốn lên chuyến tàu cuối cùng đi về miền nam Italy. Ít nhất 150 người xếp hàng tại phòng vé chờ để mua vé, hy vọng rời khỏi vùng Bologna trước khi lệnh phong tỏa có hiệu lực. Ngoài ra, một số cư dân của các tỉnh phía Nam đang tạm trú tại Milan khẩn trương rời đi bằng xe hơi, lo lắng về việc bị mắc kẹt ở đó.

Italy hiện là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh COVID-19 ở châu Âu, với hơn gấp đôi số trường hợp được xác nhận trong tuần trước. Dịch bệnh đã lan đến 93 thành phố, trong đó gần 90% các trường hợp được xác nhận và đã chết đã xảy ra ở vùng Bologna, Emilia Romagna và Veneto.

Dựng lều bên ngoài bệnh viện ở Piacenza để cứu chữa người bị bệnh (Ảnh: AP).
Dựng lều bên ngoài bệnh viện ở Piacenza để cứu chữa người bị bệnh (Ảnh: AP).

Một số quan chức cao cấp của Italy được chẩn đoán mắc bệnh COVID-19. Vào ngày 7/3 giờ địa phương thứ, ông Nicola Zingaretti, chủ tịch của khu vực Lazio và lãnh đạo Đảng Dân chủ cầm quyền, đã thông báo với công chúng qua phương tiện truyền thông xã hội rằng ông đã được chẩn đoán mắc bệnh COVID-19và hiện đang bị các triệu chứng nhẹ. .

Được biết, Zingaretti hiện là quan chức cấp cao nhất được xác nhận bị nhiễm bệnh tại Italy. Kể từ ngày 27/2, ông đã tiếp xúc với hơn 100 quan chức  quốc gia, các nghị sĩ quốc hội và các quan chức địa phương cấp cao.

 Ngoài ra, truyền thông địa phương cũng  đưa tin, tướng Salvatore Farila, Tham mưu trưởng Lục quân của quân đội Italy, hôm 8/3 đã đưa ra một thông báo nói ông đã bị dương tính với SARS-CoV-2 và hiện đang cách ly tại nơi cư trú.

Cần lưu ý rằng ngay từ ngày 31/1, Italy đã tuyên bố nước này bước vào “tình trạng khẩn cấp” kéo dài sáu tháng. Kể từ đó, các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát đã dần được nâng cấp, bao gồm đình chỉ lễ hội Carnival ở Venice, đóng cửa các điểm tham quan nổi tiếng và đóng cửa 11 thị trấn. v.v.

Một số ít dân chúng xuống đường biểu tình phản đối sắc lệnh phong tỏa mà không mang khẩu trang hay găng tay (Ảnh: CCTV).
Một số ít dân chúng xuống đường biểu tình phản đối sắc lệnh phong tỏa mà không mang khẩu trang hay găng tay (Ảnh: CCTV).

Tuy nhiên, tình hình nghiêm trọng của dịch bệnh đã không thu hút đủ sự chú ý từ dân chúng Italy. Một số lượng lớn người dân ra đường vẫn không đeo khẩu trang. Một số nghị sĩ đeo khẩu trang khi vào quốc hội thì bị kỳ thị và người dân đã tụ tập trên đường phố để phản đối đeo khẩu trang.

Vào ngày 23/2, lễ hội “Cuộc chiến cam” hàng năm của Ivrea vẫn được tổ chức như thường lệ với khoảng 15.000 người đã tham gia.

Vào ngày 26/2, một nghị sĩ quốc hội đã đi qua 3 khu vực bị dịch bệnh đã đeo khẩu trang khi đến họp quốc hội, nhưng đã bị cười nhạo. Tức giận, bà nói với mọi người: “Nếu các vị là những người thông minh, phải đeo khẩu trang từ lâu rồi” và giận dữ đập micro.

Vào ngày 29, tại một thị trấn nhỏ, người dân đã tổ chức một cuộc biểu tình để phản đối việc đóng cửa các địa điểm giải trí nói chung của chính phủ. Không đeo khẩu trang, họ đã giương cao các biểu ngữ lớn để phản đối lệnh phong tỏa của chính phủ.

Tình hình dịch bệnh ở Italy rất nghiêm trọng, lều được dựng trên đường phố để cứu chữa người bị bệnh (Ảnh: Toutiao).
Tình hình dịch bệnh ở Italy rất nghiêm trọng, lều được dựng trên đường phố để cứu chữa người bị bệnh (Ảnh: Toutiao).

Ngoài sự gia tăng nhanh chóng số lượng người bị lây nhiễm trong nước, Italy cũng “xuất khẩu” các trường hợp bị bệnh sang nhiều nước. Rất nhiều trường hợp bị bệnh ở các nước châu Âu có lịch sử du lịch ở Italy. Dịch bệnh đã lan khắp châu Âu. Tính đến ngày 9/3, số trường hợp được xác nhận bị COVID-19 ở Đức đã tăng lên 1.112 và tổng số 1.209 trường hợp đã được xác nhận tại Pháp. Số trường hợp được xác nhận cũng tăng nhanh ở Hà Lan (265), Bỉ (200) và Tây Ban Nha (674)...

Vào ngày 2/3, giờ địa phương, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu đã thông báo rằng mức độ nguy hiểm của dịch bệnh COVID-19 được xác định là “moderate to high” (từ trung bình đến cao), điều này có nghĩa là “dịch vẫn đang lan rộng”.

Mặc dù các quốc gia đang thực hiện các biện pháp để ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh COVID-19, công tác phòng chống dịch bệnh ở châu Âu vẫn đang phải đối mặt với một số yếu tố bất lợi. Châu Âu có mức độ nhất thể hóa cao và rất đông người ở các nước thường xuyên qua lại. Thỏa thuận Schengen cũng khiến các nước trong khu vực Schengen không hạn chế sự di chuyển xuyên biên giới của dân chúng, cũng làm tăng đáng kể khó khăn trong việc phòng chống dịch bệnh của các nước châu Âu và nhất là Italy - một trong những trung tâm thu hút du khách từ khắp các nơi trên thế giới.