Vào lúc cuộc chiến chống lại dịch bệnh COVID-19 đang ở vào giai đoạn then chốt, tối ngày 6/3, ông Vương Trung Lâm (Wang Zhonglin), người mới được chuyển về giữ chức Bí thư Thành ủy Vũ Hán chưa đầy một tháng, phát biểu trong cuộc hội nghị trực tuyến của Bộ Chỉ huy Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh COVID-19 Vũ Hán: “Cần thông qua nhiều hình thức hoạt động tuyên truyền giáo dục để thực hiện trong dân chúng, đảng viên và cán bộ đợt giáo dục cám ơn Tổng Bí thư, cám ơn Đảng, vâng lời Đảng và đi theo Đảng để tạo ra một năng lượng tích cực mạnh mẽ”; “Nhân dân Vũ Hán là nhân dân anh hùng, cũng phải là những người biết cám ơn”. Phát biểu này nhanh chóng gây nên phản ứng mạnh mẽ trong dư luận. Trang web của Trường Giang Nhật báo, tờ báo chính thức của thành ủy Vũ Hán hôm 7/3 đã phải gỡ bỏ bài phát biểu này của ông Vương Trung Lâm.
Hàng chục ngàn nhân viên y tế từ khắp các địa phương Trung Quốc đã đến Vũ Hán để giúp thành phố chống dịch (Ảnh: Tân Hoa xã)
|
Bài xã luận của Đa Chiều viết, không cần phải nói, mọi người đương nhiên biết cách biết ơn. Con người khác với cây cỏ. Biết ơn không chỉ là sự thể hiện rõ nét bản chất con người, mà còn là sự tu dưỡng và phẩm chất đạo đức. Kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở Vũ Hán, bạn bè từ Trung Quốc và trên thế giới đã chìa bàn tay giúp đỡ Vũ Hán, một số lượng lớn vật tư phòng hộ y tế và hàng hóa cần thiết cho cuộc sống đã được chuyển đến Vũ Hán. Đặc biệt là hàng chục ngàn nhân viên y tế bất chấp an nguy về tính mạng cá nhân, đã nhanh chóng đến tiền tuyến Vũ Hán cùng những đồng nghiệp trong vùng dịch Vũ Hán để cứu chữa bệnh nhân. Nhiều tình nguyện viên và nhân viên công tác đã làm việc suốt ngày đêm để duy trì cuộc sống cơ bản và trật tự xã hội trong vùng dịch, viết nên nhiều câu chuyện cảm động... Trước tinh thần cùng chung vận mệnh của họ, đặc biệt là sự giúp đỡ vị tha trong lúc nguy nan, hầu hết người Vũ Hán đều biết ơn và nhiều bài viết ca ngợi họ đã được lan truyền rộng rãi trên Internet. Nhiều công dân Vũ Hán cũng lặng lẽ tặng đồ ăn thức uống... để bày tỏ lòng biết ơn.
Có tới hơn 3 ngàn nhân viên y tế ở Hồ Bắc và Vũ Hán bị nhiễm bệnh trong khi chống dịch, một số người đã hy sinh khi chữa bệnh cứu người (Ảnh: Tân Hoa xã)
|
Nhưng, là một quan chức chính phủ, tại một thời điểm như vậy, thật ngu xuẩn khi yêu cầu mọi người phải cám ơn một số đối tượng đặc biệt bằng cách thúc đẩy giáo dục lòng biết ơn theo cách gần như bắt buộc. Thể hiện lòng trung thành chính trị theo cách “đỏ cấp thấp”, yêu cầu người dân cám ơn như vậy không chỉ làm tổn hại hình ảnh của chính phủ trung ương và đảng cầm quyền, mà còn làm tổn thương nghiêm trọng đến tình cảm của người dân. Về căn bản mà nói, đây là kiểu bất trung về chính trị. Giờ đây, khi mà hàng chục ngàn người vẫn đang bị hành hạ vì dịch bệnh, hàng ngàn người đã mất mạng và tử thần vẫn đang nhe nanh múa vuốt cướp đi tính mạng con người, nhiều gia đình vẫn đang chìm đắm trong nỗi đau mất đi người thân. Hàng chục triệu công dân Vũ Hán đã bị phong tỏa trong thành phố hơn 40 ngày, không chỉ ngày đêm khiếp sợ, trong lòng đầy sợ hãi và lo lắng, mà còn rất bất tiện trong cuộc sống; rất khó để có được các thiết bị phòng hộ cơ bản và nhu yếu phẩm sinh hoạt hàng ngày. Vào lúc này, lại đi yêu cầu giáo dục công dân Vũ Hán lòng biết ơn, vậy họ đã đặt nỗi đau của người dân ở đâu?
Đạo diễn Thường Khải, người bị chết cùng cha mẹ và chị gái để lại bản di chúc gây xúc động trong cộng đồng mạng Trung Quốc và quốc tế (Ảnh: Hồng Kông 01)
|
Bài xã luận viết, người dân Vũ Hán đang khóc trong dịch bệnh. Có một gia đình nhỏ gồm ba người ở Vũ Hán. Cặp vợ chồng, với đứa con gái ba tuổi, vốn đang có một cuộc sống hạnh phúc và ổn định. Do hậu quả của dịch bệnh COVID-19 đột ngột, cả ba đều bị nhiễm bệnh và phải cách ly tại nhà. Đầu tiên, người cha được mang đi trong một tấm vải trắng, sau đó đến lượt người mẹ; vài ngày sau, đứa bé chết yểu vì dịch bệnh. Ngoài ra, còn có đạo diễn Thường Khải sống ở Vũ Hán cùng với cha mẹ, vợ và chị gái. Sau khi dịch bệnh bùng phát, Thường Khải, bố mẹ anh và chị gái đều không may bị chết. Trước khi chết, Thường Khải đã viết trong bản di chúc: “Lang thang đến nhiều bệnh viện khác nhau để cầu xin và khóc lóc, không thể tìm được một chiếc giường, cho đến khi bệnh tật đi vào cốt tủy, thời cơ vàng để chữa bệnh bị mất, trước khi trút hơi thở cuối cùng, tôi muốn nói với thân bằng cố hữu và con trai đang ở nước Anh xa xôi rằng: cả đời tôi là đứa con tận hiếu, người cha có trách nhiệm, người chồng yêu vợ, trung thực với mọi người. Xin vĩnh biệt! Những người tôi yêu và những người yêu tôi”.
Bài báo viết, những bi kịch như thế, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của dịch bệnh, gần như mỗi ngày đều xảy ra ở Vũ Hán. Trước nguy cơ tử vong do virus gây ra và sự thiếu hụt trầm trọng về nguồn lực y tế, nhiều người Vũ Hán có tâm lý hoảng loạn và sợ hãi giống như con cừu chờ bị giết thịt. Bây giờ, tình hình dịch bệnh vừa mới bước đầu được kiểm soát; thi thể hàng ngàn người chết vẫn hãy chưa kịp lạnh. Người dân đang rất cần sự an ủi tâm lý từ chính phủ và các tổ chức chuyên nghiệp. Là quan chức chính phủ vào thời điểm này, lại vội vã yêu cầu giáo dục người dân biết ơn. Như thế vừa thiếu tình người lại không hiểu đạo, không có tinh thần nhân văn cơ bản nhất. Trong cơn thảm họa quốc gia lần này, một số quan chức, khi chiến thắng chưa hoàn thành, đã vội “xuống núi hái đào”, hoặc thậm chí thể hiện cái gọi là lòng trung thành chính trị của họ bằng cách xát muối vào vết thương của người dân. Làm thế coi được sao?
Hiện vẫn còn hàng chục ngàn người dân Vũ Hán đang phải điều trị bệnh COVID-19 (Ảnh: Tân Hoa xã)
|
Bài báo thẳng thừng: dịch bệnh lần này hoàn toàn do con người gây ra. Do quan chức Hồ Bắc, quan chức Vũ Hán và bộ phận quản lý y tế quốc gia trong giai đoạn đầu của vụ dịch không biết ngăn chặn đúng cách, che giấu sự thật và bỏ lỡ thời gian tốt nhất để phòng ngừa và kiểm soát dịch nên đã gây nên thảm họa nghiêm trọng hôm nay, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và sức khỏe của người dân, trật tự kinh tế và xã hội bình thường của đất nước và khiến dịch bệnh lan rộng ra toàn thế giới. Trong quá trình phòng chống dịch bệnh, Vũ Hán cũng xuất hiện sự hỗn loạn của Hội Chữ thập đỏ, nhân viên công vụ thực thi pháp luật thô bạo; nhiều người bệnh không được điều trị y tế, dối trên lừa dưới, hình thức chủ nghĩa. Vì vậy, tầng lớp hoạch định chính sách quốc gia đã quyết định hành động và thay thế các quan chức chính ở Hồ Bắc và Vũ Hán, với hy vọng kiểm soát chặt chẽ sự lây lan của dịch bệnh và khôi phục niềm tin chính trị với người dân. Đáng tiếc, các quan chức mới được bổ nhiệm này đã không nhìn thấy các vấn đề tồn tại trước đó, không điều tra sự thật của dịch bệnh, không truy cứu trách nhiệm các quan chức không làm tròn nhiệm vụ, càng không thành tâm xin lỗi các nạn nhân. Thay vào đó, lại bắt những người dân vẫn chưa thoát khỏi nguy cơ dịch bệnh nói lời cám ơn. Thật là không thể hiểu nổi.
Bài xã luận viết: “Cứu trợ thiên tai là trách nhiệm cơ bản của chính phủ và người dân không có nghĩa vụ phải cám ơn chính phủ. Bất kể trong xã hội nào và ảnh hưởng ý thức hệ nào, chính phủ đều có trách nhiệm bảo vệ người dân khỏi thảm họa và sống một cuộc sống hạnh phúc và ổn định. Đối với một quốc gia như Trung Quốc, theo đuổi lý tưởng xã hội chủ nghĩa và mục đích của đảng cầm quyền là “phục vụ nhân dân”; chính phủ phải nỗ lực hết mình để giúp đỡ người dân trong lúc dịch bệnh. Hiến pháp Trung Quốc quy định rõ ràng rằng tất cả quyền lực của nhà nước bắt nguồn từ nhân dân, nhân dân là chủ nhân của đất nước, chính phủ là một chính phủ phục vụ nhân dân và công chức các cấp là đầy tớ của nhân dân”...
Nhân viên y tế ở tỉnh Sơn Đông hy sinh mái tóc trước khi tình nguyện tới giúp Vũ Hán chống dịch bệnh (Ảnh: Đa Chiều)
|
Bài báo cho rằng, các quan chức yêu cầu người dân biết ơn, điều này không chỉ trái với tôn chỉ của “nước Cộng hòa Nhân dân”, mà còn đặt sai vị trí của chính phủ và nhân dân. Yêu cầu người dân biết ơn là một hủ tục phong kiến lâu đời và kiểu tống tiền tình cảm nhân dân dưới chế độ phong kiến. Trong thời “Cộng hòa Nhân dân” ngày nay, những hủ tục phong kiến như vậy tuyệt đối không nên được hồi sinh.
Bài báo kết luận: nếu đảng cầm quyền và các quan chức chính phủ quan tâm đến người dân, xóa đói giảm nghèo và giúp họ sống một cuộc sống tốt, người dân tự nhiên bày tỏ lòng biết ơn, nhưng đây phải là những cảm xúc tự nhiên và chân thành của người dân, chứ không phải đòi hỏi và ép buộc....Trước khủng hoảng quốc gia, thay vì đặt xe ngựa trước ngựa và thực hiện một cuộc giáo dục biết ơn đầy hình thức, sẽ tốt hơn nếu họ tự yêu cầu mình, làm việc chăm chỉ để phục vụ người dân, đáp ứng tích cực nhu cầu của người dân và sử dụng thành tựu thực tế để giành được trái tim dân chúng. Hy vọng rằng đảng cầm quyền và các quan chức chính phủ ở tất cả các cấp sẽ ngừng làm điều ngu xuẩn yêu cầu nhân dân biết ơn này.