Bệnh loạn trương lực là bệnh rối loạn vận động của hệ thần kinh, với biểu hiện co cơ liên tục hoặc lặp đi lặp lại ngoài ý muốn, tạo tư thế bất thường của một vùng hay nhiều vùng khác nhau của cơ thể.
Khoa Nội - Hồi sức Thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức mới đây vừa cho biết, khi tiếp nhận điều trị cho người bệnh bị loạn trương lực cơ, anh L.Đ.T (37 tuổi, Đức Thọ - Hà Tĩnh), trong tình trạng bị vẹo cổ, đầu cổ luôn ở tư thế xoay phải và ngửa bất thường.
Tình trạng này gây hạn chế vận động đầu cổ và đi lại rất khó khăn, ảnh hưởng nặng nề đến sinh hoạt - làm việc, kèm theo bệnh nhân cảm giác ngại giao tiếp với mọi người, lo lắng về bệnh tật của bản thân.
Qua thăm khám và kiểm tra các xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán loạn trương lực cơ cổ - mức độ nặng với thang điểm TWSTRS 24/35 điểm, phương pháp điều trị tốt nhất là tiêm Botulinum toxin A. Các bác sĩ đã tiến hành tiêm thuốc dưới hướng dẫn của máy điện cơ (làm tăng mức độ chính xác của điều trị). Sau 1 tuần, bệnh nhân ghi nhận cải thiện 40%, đã thực hiện sinh hoạt cá nhân dễ dàng, quay trở lại với công việc.
Hiện tại, bệnh nhân T được tái khám lại để đánh giá hiệu quả điều trị, nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong những lần tiêm tiếp theo.
Bệnh nhân L.Đ.T, điều trị loạn trương lực cơ cổ bằng phương pháp tiêm Botulinum toxin tại Khoa Nội Hồi sức thần kinh. Ảnh trước (bên trái) và sau tiêm (bên phải) - (Ảnh: BVCC) |
BS Ngô Thị Huyền - Khoa Nội Hồi sức thần kinh Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: “Loạn trương lực có thể xảy ra ở bất kỳ phần nào trên cơ thể. Các thể lâm sàng loạn trương lực thường gặp gồm: co thắt mi mắt, loạn trương lực hàm miệng (co thắt các cơ vùng hàm miệng làm cho khi bệnh nhân nói miệng bị co thắt lại hoặc bị cắn hàm tự nhiên), loạn trương lực cổ (làm cho cổ bệnh nhân bị xoay/gập/ngửa thường xuyên về một bên), loạn trương lực tay (khi người bệnh viết/chơi nhạc cụ thì cổ tay hoặc ngón tay bị gập lại làm cho động tác viết khó khăn, thường bị nhận định nhầm thành bệnh lý của khớp hoặc hội chứng chèn ép ống cổ tay,…), loạn trương lực phát âm (người bệnh phát âm ngắt quãng khó nghe) hoặc thậm chí loạn trương lực toàn thể”.
BS Huyền cho biết thêm: “Nguyên nhân loạn trương lực là do rối loạn chức năng của các nhân xám trong não. Các tình trạng bệnh có thể gây ra tổn thương nhân xám trung ương gồm: viêm nhiễm hệ thần kinh, u não, đột quỵ, bệnh não thoái hóa, bệnh di truyền. Các trường hợp loạn trương lực không tìm thấy căn nguyên được coi là loạn trương lực vô căn (loạn trương lực nguyên phát)”.
Các bác sĩ tiến hành làm các xét nghiệm tìm kiếm nguyên nhân và điều trị căn nguyên bệnh để làm giảm triệu chứng và chấm dứt quá trình bệnh. Trong trường hợp đã điều trị nguyên nhân mà vẫn không hết triệu chứng, thì cần áp dụng các phương pháp điều trị để làm giảm các triệu chứng cho bệnh nhân, bao gồm: thuốc uống, tiêm botulinum toxin, phẫu thuật và điều trị hỗ trợ.
Tiêm botulinum toxin thường áp dụng ở những trường hợp loạn trương lực khu trú và cho hiệu quả tốt, khoảng 60-90% trường hợp tùy loại loạn trương lực, hiệu quả kéo dài trung bình 3-4 tháng cho mỗi lần tiêm thuốc, hoặc có thể lâu hơn.
Có 10-30% bệnh nhân không đáp ứng với các phương pháp trên, và triệu chứng gây tàn phế nặng nề thì các BS có thể xem xét phẫu thuật cắt cơ, cắt dây thần kinh; phẫu thuật đốt nhân trong não; phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu; phẫu thuật đặt máy bơm thuốc baclofen. Trong đó kích thích não sâu là phương pháp phẫu thuật được áp dụng nhiều nhất cho loạn trương lực, hiệu quả lên đến 60-80%.
Ngoài ra, người bệnh cũng cần được hỗ trợ bởi các phương pháp khác như tập vật lý trị liệu, tập phục hồi chức năng, điều trị đau, hỗ trợ tâm lý xã hội và tư vấn di truyền. Các phương pháp điều trị khác như đông y, châm cứu, xoa bóp có ít vai trò trong điều trị.
Loạn trương lực là 1 bệnh mạn tính, đa số là không khỏi bệnh, tới 80-90% cần điều trị suốt đời, bởi vì việc đáp ứng với điều trị thay đổi tùy thuộc từng người bệnh. Tuy thế, thà biết đúng địa chỉ điều trị, bệnh sẽ lui, còn hơn suốt đời bệnh nhân phải chung sống với nhân dạng méo mó, khó coi.