Hậu COVID-19 là gánh nặng của người bệnh
Tại hội thảo tiếp cận và xử trí các bệnh lý hậu COVID-19 do Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tổ chức vào sáng nay, ngày 25/2, TS. BS. Phạm Ngọc Thạch – Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương – cho biết: Các triệu chứng hậu COVID-19 được người dân đặc biệt quan tâm trong thời gian qua. Ngày càng nhiều bằng chứng khoa học cho thấy vấn đề sức khoẻ liên quan đến hậu COVID-19 như: rối loạn tâm thần, bệnh lý hô hấp kéo dài,… làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân. Do đó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tổ chức hội thảo, nhằm xây dựng hướng dẫn quản lý người bệnh hậu COVID-19.
Trao đổi với PV VietTimes về triệu chứng của hậu COVID-19, BS. Nguyễn Trung Cấp – Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương – chia sẻ : Với bệnh nhân khỏi COVID-19, giới khoa học đang phân ra 2 giai đoạn gồm:
1. Giai đoạn các triệu chứng kéo dài của COVID-19 (từ sau 4 tuần cho đến 12 tuần).
2. Triệu chứng mới sau 12 tuần hoặc xuất hiện sau khi bệnh nhân khỏi bệnh được xếp vào nhóm hậu COVID-19.
BS CKII. Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh - MT) |
Hậu COVID-19 là gánh nặng đối với chăm sóc và điều trị bệnh nhân. Vì thế, dù là COVID-19 kéo dài hay hậu COVID-19 thì đều cần giải quyết. Tùy thuộc vào con số thống kê các loại triệu chứng khác nhau (55 triệu chứng hậu COVID-19), tùy theo cách phân loại mà đánh giá tỉ lệ là bao nhiêu % bệnh nhân COVID-19 xuất hiện vấn đề này.
Một số nghiên cứu cho thấy có khoảng 70-80% các bệnh nhân khỏi bệnh phải đối mặt với hậu COVID-19. Các vấn đề về hậu COVID-19 là gánh nặng với bệnh nhân, đòi hỏi ngành y tế phải giải quyết.
“Thông qua hội nghị, chúng tôi đã đưa ra các vấn đề và biện pháp giải quyết tình trạng hậu COVID-19 cho người bệnh. Tôi hy vọng hội nghị là bước khởi đầu để tất cả đồng nghiệp trên toàn quốc tìm cách chữa trị tốt nhất cho bệnh nhân” – ông Cấp nói.
Theo BS. Cấp, một trong những triệu chứng khá trầm trọng của hậu COVID-19 là tình trạng lo lắng, rối loạn tâm thần, rối loạn giấc ngủ. Tuy nhiên, những triệu chứng này không gây nguy hiểm chết người mà chỉ gây rối loạn về nhịp sống, sinh hoạt, khả năng lao động. Do đó, mỗi người bệnh cần tự khắc phục tình trạng của bản thân kết hợp với tư vấn của bác sĩ.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, ngay từ giai đoạn đầu tiên của dịch COVID-19, Bệnh viện đã tiến hành một số nghiên cứu về hậu COVID-19. Tuy nhiên các nghiên cứu chỉ ở mức sơ bộ, cần thêm thời gian để tìm hiểu sâu.
Người hậu COVID-19 cần tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ
Thông tin về tình trạng hậu COVID-19, BS. Trần Văn Giang – Phó Trưởng Khoa Virus – ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương – cho hay: Hiện, WHO đã định nghĩa hậu COVID-19 là tình trạng rối loạn xảy ra ở bệnh nhân từng nhiễm bệnh. Hậu COVID-19 xuất hiện 3 tháng kể từ ngày bệnh nhân khởi phát triệu chứng, tồn tại kéo dài ít nhất 2 tháng, không thể lý giải bằng các chẩn đoán khác.
Triệu chứng phổ biến nhất của hậu COVID-19 gồm: mệt mỏi, khó thở, hụt hơi, chóng mặt, rối loạn giấc ngủ, ho kéo dài, đau ngực, thay đổi giọng nói, đau cơ, mất vị giác, đau đầu,… ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Các triệu chứng có thể xuất hiện mới sau khi mắc COVID-19 giai đoạn đầu và dao động theo thời gian.
Đặc biệt, hậu COVID-19 có thể gây ảnh hưởng đến 9 cơ quan gồm: Hô hấp, huyết học, tim mạch, thần kinh và tâm thần, tiết niệu, nội tiết, tiêu hoá và gan mật, da liễu (rụng tóc), hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ (MIS -C).
BS. Trần Văn Giang – Phó Trưởng Khoa Virus – ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh - MT) |
Đến nay, cơ chế bệnh sinh hậu COVID-19 chưa rõ ràng, không phục thuộc vào mức độ nặng của bệnh. Kể cả những bệnh nhân nhẹ cũng phải nhập viện sau khi hồi phục cũng có vấn đề về hậu COVID-19. Trẻ em ít có khả năng mắc bệnh nhưng vẫn có thể chịu đựng các bệnh lý hậu COVID-19.
BS. Giang nhấn mạnh: "Hậu COVID-19 là bệnh mới nổi chưa được biết đến đầy đủ nhưng có thể gây ra tình trạng sức khoẻ nghiêm trọng. Một số lượng lớn người lớn và trẻ em có các bệnh lý hậu COVID-19 nhưng con số chính xác chưa thể xác định".
Việc đánh giá, quản lý các vấn đề hậu COVID-19 cần có sự đồng thuận và tiếp cận đa ngành, đối phó với bệnh có hệ thống. Những người hậu COVID-19 cần được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ khác nhau.
Chia sẻ về cơ chế bệnh sinh, các giai đoạn trong hậu COVID-19, BS. Trần Thị Hải Ninh – Trưởng Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - cho hay: Hậu COVID-19 có 3 giai đoạn chính gồm:
1. Cấp tính (nhân lên mạnh mẽ của virus, đáp ứng miễn dịch ban đầu của cơ thể).
2. COVID-19 kéo dài (sau 4 tuần, cơ thể có phản ứng đáp ứng viêm mạnh mẽ, có sự nhân lên virus, có sự tổn thương tạng, suy đa tạng).
3. Hậu COVID-19 (xuất hiện sau 12 tuần kể từ khi bệnh nhân khởi phát triệu chứng).
Giai đoạn hậu COVID-19 không có sự nhân lên của virus, đáp ứng miễn dịch của cơ thể không còn mạnh mẽ ở giai đoạn 2. Hiện, cơ chế bệnh sinh hậu COVID-19 đang được các nhà nghiên cứu đánh giá. Theo 1 nghiên cứu, ít nhất 80% bệnh nhân sau hồi phục có triệu chứng hậu COVID-19.
BS. Ninh cho hay: Đến thời điểm hiện tại WHO chưa có hướng dẫn điều trị hậu COVID-19 mà chỉ có hướng dẫn chăm sóc hậu COVID-19 dựa trên các triệu chứng. Hiện đang thiếu bằng chứng khoa học đầy đủ để đưa ra hướng dẫn điều trị.
Dù cơ chế bệnh sinh chưa rõ nhưng hậu COVID-19 gây tổn thương đa cơ quan trong cơ thể như: hụt hơi, khó thở - nguyên nhân là do tổn thương phổi, hệ tim mạch. Khi điều trị, các bác sĩ phải xác định căn nguyên của bệnh là gì để trị bệnh dứt điểm cho bệnh nhân.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu