Chuyên gia giải đáp: Mất mùi khi mắc COVID-19 có nguy hiểm?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Khi bị mắc COVID-19, nhiều người xuất hiện triệu chứng mất khứu giác , còn gọi là “mất mùi” . Hầu hết bệnh nhân đều rất lo lắng trước tình trạng này và mong muốn được giải đáp thoả đáng.
PGS.TS Phạm Thị Bích Đào -giảng viên cao cấp bộ môn Tai Mũi Họng, Trường Đại học Y Hà Nội.
PGS.TS Phạm Thị Bích Đào -giảng viên cao cấp bộ môn Tai Mũi Họng, Trường Đại học Y Hà Nội.

Viettimes đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Phạm Thị Bích Đào - giảng viên cao cấp bộ môn Tai Mũi Họng, Trường Đại học Y Hà Nội, một trong các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực tai mũi họng – xung quanh vấn đề này, hy vọng giải đáp phần nào những lo âu của người bệnh:

+ Thưa PGS.TS. Phạm Thị Bích Đào, xin bà có thể cho biết vì sao khi mắc COVID-19 thì bệnh nhân lại bị mất mùi?

PGS.TS Phạm Thị Bích Đào: Nhiều nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu về lý do mà người nhiễm SARS-COV-2 mất mùi nhưng vẫn chưa có câu trả lời thoả đáng. Người ta cho rằng có thể là do biểu hiện ngạt mũi che lấp khe khứu, có thể do cơn bão cytokine cục bộ, tổn thương các trung tâm khứu giác trong não, tổn thương trực tiếp tế bào thần kinh thụ cảm khứu giác (ORN), cũng được gọi là tế bào thần kinh cảm giác khứu giác (OSN), hoặc tế bào trung tâm (SUS). Do mối liên hệ chặt chẽ giữa các chức năng khứu giác và vị giác, có thể sự hiện diện đồng thời của rối loạn chức năng khứu giác ảnh hưởng xấu đến khả năng nhận thức vị giác ở bệnh nhân COVID-19, đồng thời SARS-COV-2 gây tổn thương trực tiếp đến vị giác và tuyến nước bọt, liên kết với các thụ thể axit sialic và gây viêm.

PGS.TS Phạm Thị Bích Đào

PGS.TS Phạm Thị Bích Đào

+ Có phải mắc thể Delta mới mất mùi, còn biến chủng Omicron thì không mất mùi, thưa bà?

PGS.TS Phạm Thị Bích Đào: Bị mất mùi khi mắc bệnh Covid-19, thường tỷ lệ mất mùi do thể Delta nhiều hơn, chiếm 30 - 40% các trường hợp mắc bệnh. Thể Omicron cũng có thể gây mất mùi nhưng rất hiếm, chủ yếu là đau rát họng

+ Mất mùi do Covid-19 thực sự gây khó chịu cho người bệnh. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại nó có thể gây nguy hiểm cho sức khoẻ người bệnh. Xin chuyên gia giải thích giùm?

PGS.TS Phạm Thị Bích Đào: Mất mùi không phải là triệu chứng nguy hiểm, mà làm giảm ngon miệng, giảm khả năng cảm nhận mùi vị xung quanh, từ đó làm người bệnh dễ bị stress do lo lắng vì bị nhiễm SARS-COV-2 cùng với không còn cảm giác ngon miệng, người bệnh chán ăn. Vì thế, có thể dẫn tới tình trạng suy dinh dưỡng, giảm miễn dịch của cơ thể với bệnh. Đây là yếu tố thuận lợi có thể làm cho tình trạng nhiễm SARS-COV-2 nặng hơn và trở thành bệnh COVID 19 hoặc dễ làm cho người nhiễm xuất hiện các biểu hiện của sau COVID.

+ Mất mùi do COVID-19 thường kéo dài khoảng 4-7 ngày. Liệu có thể bị mất mùi vĩnh viễn do COVID-19 không, thưa bà?

PGS.TS Phạm Thị Bích Đào: Theo một số thống kê được công bố trên thế giới, tỷ lệ mất mùi vĩnh viễn sau mắc COVID-19 có thể chiếm tới 1-8,7%.

+ Khắc phục sớm mất mùi khi mắc COVID-19 là điều ai cũng mong muốn. Người bị mất mùi do COVID-19 nên làm gì? Có thể điều trị để sớm lấy lại mất mùi không, hay cứ để mặc rồi nó sẽ trở lại bình thường? Xin chuyên gia tư vấn về điều này ạ?

PGS.TS Phạm Thị Bích Đào khám cho bệnh nhân

PGS.TS Phạm Thị Bích Đào khám cho bệnh nhân

PGS.TS Phạm Thị Bích Đào: Nên điều trị sớm để tránh bị mất mùi lâu. Các biện pháp cần làm là:

+ Điều trị tốt biểu hiện ngạt mũi của người nhiễm SARS-COV-2

+ Châm cứu hoặc điện xung các huyệt: Nghinh hương, ấn đường, toản trúc, tinh minh, thừa khấp, lưỡi

+ Các thuốc điều trị mất vị giác và khứu giác ở người nhiễm SARS-CoV-2 đều đang trong quá trình nghiên cứu thử nghiệm, người nhiễm SARS-CoV-2 tuyệt đối không tự ý sử dụng.

Đa số những bệnh nhân khi nhiễm SARS-CoV-2 bị mất vị giác và khứu giác đều bị nhẹ và sẽ tự hồi phục sau một thời gian ngắn. Những trường hợp bị kéo dài người bệnh nên đến gặp bác sĩ tai mũi họng để được tư vấn điều trị đúng, tuyệt đối không tự ý điều trị, tự ý dùng thuốc vì có thể gặp nhiều bất lợi cho sức khỏe của chính mình.

+Xin cảm ơn bà!