Ông Trần Ngọc Dũng – Trưởng Ban Kiểm soát Eximbank, thay mặt ban thẩm tra tư cách đại biểu – thông báo, tới thời điểm chốt danh sách có 62 cổ đông đăng ký tham dự, đại diện cho hơn 512 triệu cổ phần, chiếm 41,65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của Eximbank.
Tỷ lệ này thấp hơn tỷ lệ yêu cầu tối thiểu theo Điều lệ (65%) nên AGM 2021 của Eximbank không đủ điều kiện để tiến hành.
Thực tế, trước đó, VietTimes đã dự báo triển vọng thành công của phiên AGM 2021 này là thấp. Bởi lẽ đề xuất của liên minh cổ đông chiếm quá bán cổ phần Eximbank đã không được thỏa mãn.
Nhóm này, bao gồm cả cổ đông chiến lược SMBC, muốn thanh lọc HĐQT Eximbank trước khi kiện toàn nhân sự cho nhiệm kỳ VII (2020 - 2025). Nội dung này, nếu được tiến hành, có thể sẽ đe dọa vị trí của nhiều thành viên đương nhiệm trong HĐQT Eximbank, trong đó có cả những thành viên Chủ tọa đoàn.
Sự thất bại liên tục của các phiên ĐHĐCĐ của Eximbank có nguyên nhân từ những bất đồng sâu sắc của các nhóm cổ đông lớn, chủ yếu chia làm 2 nhóm đối nghịch nhau: G3 và G6.
Tương quan bất tương xứng giữa số đại diện trong HĐQT với lượng cổ phần nắm giữ giữa các phe càng khiến cuộc chiến trở nên khốc liệt và bế tắc. Phe chiếm ưu thế về cổ phần (G3) lại thất thế về mức độ ảnh hưởng với thượng tầng và ngược lại. Phe chiếm ưu thế về lá phiếu tại ĐHĐCĐ thì lại thất thế trong việc lên kế hoạch cho ĐHĐCĐ và ngược lại (G6).
Đến thời điểm này, sự khác biệt quan điểm đến mức mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông Eximbank vẫn chưa được giải tỏa. Tình trạng này khiến không chỉ các phiên Đại hội thất bại, mà xa hơn, khiến Eximbank không thể ổn định để phát triển và trở lại vị thế của một ngân hàng cổ phần thuộc top đầu hệ thống. Nhiều cổ đông nhỏ lẻ và các khách hàng mong chờ sự vào cuộc của các cơ quan quản lý, trước hết là ngân hàng nhà nước để ổn định tình hình Eximbank.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu