Đâu là bí quyết để ăn bánh chưng mà không bị béo trong ngày Tết?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bánh chưng là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết. Tuy nhiên, trong bánh chưng chứa lượng calo cao dễ gây béo khiến không ít chị em muốn giữ dáng phải e ngại và suy nghĩ trước khi ăn. 
Bánh chưng cổ truyền ngày Tết (Ảnh minh hoạ)
Bánh chưng cổ truyền ngày Tết (Ảnh minh hoạ)

Ăn nhiều bánh chưng có thể khiến cân nặng mất kiểm soát

Mỗi dịp Tết đến, gia đình ai cũng có bánh chưng trong mâm cỗ của mình. Bánh chưng dần trở thành món ăn quen thuộc và là món yêu thích của không ít người.

Với mùi thơm cùng màu sắc hấp dẫn, bánh chưng đã kích thích vị giác của người ăn nhưng lại chứa lượng calo cao. Vì thế, những người đang có nhu cầu giảm cân hay mắc các bệnh lý về chuyển hóa, điển hình như tiểu đường, cần chú ý khi thưởng thức món ăn cổ truyền này.

Theo TS.BS. Nguyễn Trọng Hưng - Trưởng Khoa Khám Tư vấn Dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia - thông thường một chiếc bệnh chưng được làm với nguyên liệu là 1,5-2 bát gạo nếp (khoảng 400-500g gạo). Trong khi đó, mỗi 100g gạo nếp có khoảng 344 kcal.

Như vậy, chưa kể đến thịt mỡ và đậu xanh, chỉ với việc ăn một cái bánh chưng, chúng ta đã nạp vào cơ thể khoảng 1.500 – 1.700 kcal từ tinh bột.

Bánh chưng truyền thống thường được cắt thành 8 miếng để dễ ăn (Ảnh minh hoạ)

Bánh chưng truyền thống thường được cắt thành 8 miếng để dễ ăn (Ảnh minh hoạ)

Một cái bánh chưng cỡ vừa chia làm 8 miếng, mỗi miếng (khối lượng 114g) sẽ cung cấp khoảng 204 kcal, tương đương với một bát cơm trắng (Một bát cơm trắng cung cấp khoảng 180-200 kcal).

“Mỗi ngày chỉ cần ăn thêm 2-3 miếng bánh chưng thì năng lượng khẩu phần sẽ tăng lên đáng kể, nguy cơ không kiểm soát được cân nặng có thể xảy ra” – BS. Hưng phân tích.

Với bánh chưng rán lại càng phải cẩn trọng hơn, vì chứa nhiều chất béo do được chiên trong dầu mỡ, nên không tốt cho những người có bệnh lý cao huyết áp, rối loạn mỡ máu, tim mạch, bệnh thận…

Làm thế nào để ăn ngon mà không béo?

Để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng trong cơ thể khi ăn bánh chưng, BS. Hưng khuyến cáo: Với những người không muốn tăng cân, chỉ nên ăn 200-300 g bánh chứng mỗi ngày – tức là khoảng 2 miếng của một cái bánh chưng cỡ vừa được chia làm 8 phần. Cùng với đó, khi đã ăn bánh chưng, người dân cần giảm bớt năng lượng được cung cấp từ những món ăn khác.

“Khi ăn một miếng bánh chưng, mỗi người nên giảm một bát cơm so với thông thường. Ngoài ra, trong bánh chung cũng đã có thịt, nên cần bổ sung thêm cá, thịt vừa phải” – BS. Hưng nói.

Béo phì (Ảnh minh hoạ)

Béo phì (Ảnh minh hoạ)

Bên cạnh đó, ăn nhiều bánh chưng dễ gây ra tình trạng đầy bụng, khó tiêu. Vì vậy, người dân không nên ăn bánh chưng vào buổi tối. Bên cạnh đó, người dân nên ăn kèm bánh chưng với dưa góp, hành muối để kích thích tiêu hóa.

Đặc biệt, những người mắc các bệnh lý về chuyển hóa như: bệnh tim mạch, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, tiểu đường, thừa cân, béo phì,… nên hạn chế ăn bánh chưng.

Ngoài cách ăn đúng khẩu phần dinh dưỡng có trong bánh chưng, người dân có thể điều chỉnh nguyên liệu khi gói bánh chưng hoặc cách chế biến để có thể giảm năng lượng và chất béo của món ăn này. Cụ thể, người dân nên gói bánh chưng với thịt lợn nạc, gói loại bánh nhỏ và hạn chế chiên, rán bánh chưng để giảm tối đa năng lượng có trong bánh.

Theo Bảng thành phần dinh dưỡng thức ăn của Viện Dinh dưỡng quốc gia, ba nguyên liệu chính để gói bánh chưng là gạo nếp, đậu và thịt mỡ có thành phần dinh dưỡng như sau:

* Gạo nếp 100 gam cho 346 kcalo, chất tinh bột 74,9 g, chất đạm 8.6 g, chất béo 1.5 g, chất xơ 0.7 g và nhiều vitamin nhóm B, nhất là vitamin B1.

* Đậu xanh 100 gam cho 328 kcalo, chứa tinh bột 53.4 g, chất đạm 23.4 g, chất béo 2.4 g, chất xơ 4.7 g, và nhiều vitamin nhóm B như các loại ngũ cốc khác. Đặc biệt đạm trong đậu có hàm lượng cao, hấp thu tốt, tỉ lệ thải bỏ thấp.

* Thịt heo mỡ 100 gam cho 394 kcalo, đạm 14.5 g, béo 37.3 gam, không có bột đường.