Tuy nhiên, Mỹ vẫn sẽ tiếp tục cho thấy sự hiện diện của mình tại Biển Đông vì «đây là vùng biển quốc tế và nhiều quốc gia muốn được quyền đi lại tự do ở đó».
Theo ông Mattis, chiến hạm Mỹ đang duy trì những hoạt động hải quân đều đặn quanh các hòn đảo có tranh chấp, và cho đến nay cũng «chỉ có duy nhất một quốc gia» - ám chỉ Trung Quốc - có dấu hiệu bị hoạt động thường lệ của tàu Mỹ thách thức.
Đối với Bộ trưởng Mattis, dù mở rộng hợp tác với các nước vùng Thái Bình Dương, nhưng Mỹ sẽ đối đầu với những hành vị bị cho là không phù hợp với luật pháp quốc tế, với những gì mà các tòa án quốc tế đã nói về vấn đề này.
Lời khẳng định được ông chủ Lầu Năm Góc nhấn mạnh khi trả lời câu hỏi của một phóng viên về vụ Bắc Kinh lên tiếng cực lực phản đối việc Hải quân Mỹ hôm 27/5 vừa qua, đã cho hai chiến hạm tiến vào tuần tra thực thi tự do hàng hải bên trong vùng 12 hải lý quanh quần đảo Hoàng Sa mà Bắc Kinh đã dùng vũ lực chiếm từ tay Việt Nam vào năm 1974, và đã xây dựng trên đó nhiều cơ sở quân sự và bố trí trái phép chiến đấu cơ, tên lửa trên đó.
Giải thích về các quyết định cứng rắn mới đây của Mỹ đối với Trung Quốc, trong đó có việc không mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận RIMPAC 2018, ông Mattis cho rằng Bắc Kinh đã nuốt lời cam kết không quân sự hóa Biển Đông. Ông nhấn mạnh: «Khi người Trung Quốc hành động thiếu minh bạch với chúng ta, thì chúng ta không thể tiếp tục hợp tác với họ trong một số lĩnh vực».
Bộ trưởng Mattis cho biết thêm là các vấn đề trên cũng sẽ được ông đề cập một cách mạnh mẽ với phía Trung Quốc khi ông đến Singapore vào cuối tuần này để dự Đối thoại Shangri-La, diễn đàn an ninh lớn nhất châu Á.
Trong một động thái khác Mỹ cũng chuẩn bị tung đòn trừng phạt thương mại với Trung Quốc, mặc dù mới đây Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho biết hai bên đã đạt được thỏa thuận về việc giảm thâm hụt thương mại Mỹ-Trung. Trong thông cáo hôm qua 29/5/2018, Nhà Trắng thông báo sẽ áp dụng các biện pháp chế tài.
Hy vọng tránh được nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung chỉ kéo dài một thời gian ngắn. Mười ngày sau khi tạm ngưng cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh, Nhà Trắng ra thông cáo cho biết lịch trình áp dụng các biện pháp trừng phạt đã dự kiến đối với Trung Quốc.
Mỹ sẽ áp đặt mức thuế 25% lên tổng cộng 50 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc, và danh sách các mặt hàng nhập khẩu liên quan sẽ được chốt lại « từ nay cho tới ngày 15/6. Đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ cũng bị hạn chế, các chi tiết cụ thể sẽ công bố vào cuối tháng, và được áp dụng không lâu sau đó.
Để chống lại việc đánh cắp sở hữu trí tuệ, người Mỹ trong cùng thời hạn trên cũng muốn áp đặt việc kiểm soát nghiêm ngặt hơn, đối với các mặt hàng xuất khẩu được cho là chuyển giao công nghệ quan trọng cho Trung Quốc. Cuối cùng, thông cáo nói rằng Mỹ sẽ tiếp tục cuộc chiến chống Trung Quốc trước Tổ chức Thương mại Thế giới.
Các đe dọa trên đây không ngăn cản việc thương lượng tiếp diễn. Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross sẽ đến Bắc Kinh vào ngày 2/6 tới. Ông mang theo một thông điệp rất rõ, đó là tổng thống Mỹ sẽ không chấp nhận những lời hứa mơ hồ về việc giảm bớt thâm hụt thương mại.
Ngày 30/5, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh kêu gọi Mỹ «giữ lời hứa», đồng thời cho biết sẵn sàng chiến đấu nếu Washington tìm kiếm một cuộc chiến tranh thương mại.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu