Đạo luật "Khoa học và Chip" khiến các nhà sản xuất chip phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đạo luật "Khoa học và Chip" được hai viện Quốc hội Mỹ thông qua vào tuần trước cho phép các công ty sản xuất chip nhận tài trợ từ chính phủ Mỹ, nhưng đổi lại họ không được phép mở rộng sản xuất tại Trung Quốc.
Tổng thống Joe Biden chuẩn bị ký ban hành Đạo luật "Khoa học và Chip" trị giá 280 tỉ USD, cung cấp hỗ trợ tài chính cho các công ty sản xuất chip đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ (ảnh: AP)
Tổng thống Joe Biden chuẩn bị ký ban hành Đạo luật "Khoa học và Chip" trị giá 280 tỉ USD, cung cấp hỗ trợ tài chính cho các công ty sản xuất chip đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ (ảnh: AP)

Các nhà sản xuất chip đang hoan nghênh việc Washington thông qua Đạo luật được chờ đợi từ lâu để cung cấp tài chính cho ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ, nhưng việc chấp nhận các khoản trợ cấp đó có thể khiến họ bó tay khi đầu tư vào Trung Quốc trong tương lai.

Đó có phải là mức giá mà những công ty như Intel, TSMC và Samsung sẽ sẵn sàng trả?

Đạo luật "Khoa học và Chip", với gói tài trợ 280 tỉ USD được cả hai viện của Quốc hội thông qua vào tuần trước, chứa 52 tỉ USD hỗ trợ cho ngành công nghiệp bán dẫn. Nhưng nó cũng chỉ rõ rằng các công ty chấp nhận trợ cấp sẽ bị hạn chế thực hiện bất kỳ "giao dịch quan trọng" nào để mở rộng năng lực sản xuất chip của họ ở Trung Quốc hoặc bất kỳ quốc gia nước ngoài nào khác mà họ quan tâm trong 10 năm.

Mặc dù dường như các nhà sản xuất chip có thể bảo vệ hoạt động kinh doanh hiện tại của họ ở Trung Quốc, nhưng các nhà phân tích và luật sư nói với phóng viên Nikkei Asia rằng các điều khoản của đạo luật tạo ra một "bãi mìn" cho các công ty, và trên thực tế có thể buộc họ phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc.

Chip bán dẫn là chiến trường quan trọng giữa Washington và Bắc Kinh. Chúng đóng vai trò là bộ não của các thiết bị điện tử, từ điện thoại thông minh, máy tính xách tay đến trung tâm dữ liệu, và chúng cũng đóng vai trò quan trọng trong các hệ thống vũ khí tinh vi, chẳng hạn như tên lửa chống tăng Javelin mà Mỹ đang cung cấp cho Ukraine.

Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi ký Đạo luật Khoa học và Chip tại Washington vào ngày 29.7. Đây là một dự luật hiếm hoi được cả hai đảng ủng hộ (ảnh: AP)

Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi ký Đạo luật Khoa học và Chip tại Washington vào ngày 29.7. Đây là một dự luật hiếm hoi được cả hai đảng ủng hộ (ảnh: AP)

Đạo luật "Khoa học và Chip" vẫn có những ngoại lệ, cho phép các nhà sản xuất tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc nếu các khoản đầu tư đó nhằm bảo vệ các lợi ích kinh doanh hiện có và quan trọng ở quốc gia này. Nhưng những ngoại lệ này chỉ áp dụng cho việc mở rộng các cơ sở hiện có và chỉ cho "các loại chip cấp thấp".

Theo luật sư Tan Albayrak của công ty Reed Smith LLP, các loại chip cấp thấp ám chỉ chip được sản xuất với tiến trình 28 nanomet trở lên.

Kích thước nanomet đề cập đến chiều rộng dòng giữa các bóng bán dẫn trên chip. Nói chung con số càng nhỏ thì chip càng cao cấp (chip cao cấp nhất hiện nay được sản xuất trên tiến trình 5 nanomet, và chỉ có 2 công ty là TSMC và Samsung Electronics làm được - PV).

Tan Albayrak nói rằng các ngoại lệ nói trên nhằm giúp các công ty Mỹ tránh sự gián đoạn đột ngột trong hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc.

"Điều này không làm suy yếu hàng rào bảo vệ của Hoa Kỳ, mà là hành động cân bằng cần thiết trong việc theo đuổi mục tiêu giữ lợi thế về công nghệ, đồng thời giảm thiểu thiệt hại cho các công ty Hoa Kỳ", ông Tan nói.

Các chip cấp thấp thường được sử dụng trong nhiều loại thiết bị điện tử, từ điện thoại thông minh, máy tính đến thiết bị gia dụng và ô tô. Chúng thường được coi là những con chip cơ bản và nhu cầu về loại chip này lớn hơn nhiều so với chip cao cấp.

Nhiều "ông lớn" toàn cầu đang sản xuất những con chip như vậy ở Trung Quốc. Công ty TSMC của Đài Loan có nhà máy ở Nam Kinh hiện đang sản xuất chip 16 nanomet và 28 nanomet, trong khi Samsung có nhà máy sản xuất chip nhớ (memory chip) ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây. SK Hynix có các cơ sở sản xuất chip nhớ ở Vô Tích và Đại Liên. Intel và Micron của Mỹ đều có cơ sở đóng gói và thử nghiệm chip ở Trung Quốc.

Các hạn chế của Đạo luật "Khoa học và Chip" thoạt nhìn có thể không gây nhiều khó khăn cho các công ty lớn muốn sản xuất dòng chip tiến tiến nhất của họ ở Trung Quốc, ít nhất không phải trong tương lai gần. Bởi nếu họ không nhận khoản tài trợ từ chính phủ Mỹ, họ vẫn có thể tự do sản xuất chip cao cấp ở Trung Quốc.

Khi được phóng viên Nikkei Asia hỏi về vấn đề này, đại diện TSMC và Intel đã không đưa ra bình luận cụ thể nào, mặc dù Intel nói rằng khi thông qua đạo luật, lưỡng viện đã công nhận rằng Mỹ đang cạnh tranh với các quốc gia khác về vị trí dẫn đầu ngành công nghệ.

SK Hynix nói với Nikkei Asia: "Công ty chúng tôi tuân thủ các quy định tại các quốc gia nơi chúng tôi kinh doanh. Chúng tôi sẽ ứng phó linh hoạt với hoàn cảnh thị trường trong kế hoạch đầu tư và sản xuất của mình."

Còn Samsung thì từ chối bình luận về ảnh hưởng của Đạo luật.

Tuy nhiên, một số luật sư cảnh báo rằng các công ty nên xem xét các điều khoản hạn chế trong Đạo luật một cách nghiêm túc. Ông Clinton Yu, chuyên gia về thương mại quốc tế và kiểm soát xuất khẩu của hãng luật thương mại Barnes & Thornburg cho biết: "Các hạn chế không những khiến các công ty mất nguồn tài trợ, mà còn có các hình phạt khác dựa trên lợi ích quốc gia."

Một yếu tố khác gây lo ngại, theo ông Martijn Rasser - Giám đốc Trung tâm New American Security, là các hạn chế có thể là bước dạo đầu cho việc giám sát kỹ hơn các khoản đầu tư ra nước ngoài của các nhà sản xuất chip.

Ông Rasser nói với Nikkei Asia: “Những hạn chế này nhấn mạnh rằng các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đang ngày càng lo ngại về việc tiền của Mỹ lại hỗ trợ xây dựng năng lực cho Trung Quốc."

Một cách công khai, các nhà sản xuất chip đã hoan nghênh hai viện quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật. Một số đã cam kết đầu tư vào Mỹ: TSMC sẽ đầu tư 12 tỉ USD xây dựng một nhà máy ở ArizonaSamsung sẽ xây dựng một nhà máy trị giá 17 tỉ USD ở Texas. Hynix tuần trước đã công bố kế hoạch đầu tư trị giá 15 tỷ USD vào Mỹ. Hai công ty của Mỹ là Intel và Micron cũng đang tăng cường đầu tư.

Trước đó, một số nhà sản xuất chip đã cảnh báo rằng nếu Đạo luật "Khoa học và Chip" không được thông qua thì sẽ ảnh hưởng đến các kế hoạch đầu tư của họ. Ông Morris Chang, nhà sáng lập TSMC cũng than phiền về "sự hỗ trợ ở quy mô nhỏ" mà Hoa Kỳ dành cho công ty.

Một công nhân tại nhà máy sản xuất chip của TSMC ở Đài Loan (ảnh: TSMC)

Một công nhân tại nhà máy sản xuất chip của TSMC ở Đài Loan (ảnh: TSMC)

Nhưng ngoài tiền tài trợ, có một lý do khác khiến các công ty sản xuất chip muốn mở rộng sản xuất ở Mỹ - đó là tham vọng tự sản xuất chip của Trung Quốc. Bắc Kinh đã đặt mục tiêu thị phần chip tự sản xuất của mình lên 70% vào năm 2025.

"Về lâu dài, tham vọng của Trung Quốc là thay thế tất cả các chip tiên tiến bằng chip sản xuất trong nước. Vì vậy, sẽ có một câu hỏi là liệu TSMC và Samsung còn có thể tiếp tục thống trị ngành sản xuất chip cao cấp ở Trung Quốc hay không," ông Louis Lau, Giám đốc đầu tư của Brandes Investment Partners nhận định. "Tôi nghĩ Mỹ là một khách hàng tiềm năng hơn vì các nhà sản xuất chip trong nước rất yếu và họ từ lâu đã mất lợi thế trong lĩnh vực sản xuất."

Trung Quốc đã phản ứng trước việc Hoa Kỳ thông qua Đạo luật "Khoa học và Chip". Nước này tuyên bố họ kiên quyết chống lại các điều khoản hạn chế sự hợp tác "bình thường về khoa học công nghệ" giữa hai nước. Nhưng bất chấp những lời phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc, nước này ít khả năng sẽ đưa ra các biện pháp trả đũa ngay lập tức, do phụ thuộc vào chất bán dẫn nước ngoài.

"Tôi nghĩ rằng Trung Quốc chưa có đủ tư cách để trừng phạt các công ty nước ngoài. Có thể sau 5, 10 năm nữa... nếu các công ty Trung Quốc cung cấp hầu hết các chất bán dẫn cho nhu cầu nội địa, và họ không cần phải dựa vào TSMC và Samsung. Lúc đó Bắc Kinh có thể trừng phạt các công ty đã nhận tiền tài trợ của chính phủ Mỹ," ông Louis Lau nói.

Trong khi đó, các nhà sản xuất chip phải đối mặt với một câu hỏi trực tiếp hơn: Trong một ngành công nghiệp mà các khoản đầu tư thường được tính bằng tỉ USD, liệu 52 tỉ USD có đủ không?

Chỉ 39 tỉ USD tài trợ của Đạo luật "Khoa học và Chip" sẽ dành cho lĩnh vực sản xuất chip, trong khi 13 tỉ USD sẽ được phân bổ cho nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, việc xây dựng các nhà máy sản xuất chất bán dẫn không chỉ đơn giản là một cơ sở sản xuất, nó còn liên quan đến một mạng lưới cung cấp khổng lồ: hàng trăm loại hóa chất và vật liệu, cũng như thiết bị sản xuất chip và các bộ phận tiêu hao.

Trong khi đó, hãng Consultancy Bain ước tính rằng việc tăng sản lượng chip của Mỹ từ 5% đến 10% sẽ cần khoảng 40 tỉ USD. Việc tài trợ cho 10 năm tiếp theo để phát triển các công nghệ mới sẽ còn đắt hơn, trị giá khoảng 110 tỉ USD.

Ông Peter Hanbury, chuyên gia đối tác của Consultancy Bain nhận định: “52 tỉ USD chắc chắn sẽ là nguồn tài trợ cho cả hai nỗ lực này (tăng sản lượng chip và phát triển các công nghệ mới - PV), nhưng nó không hề đủ cho cả hai."

“Xây dựng lại hệ sinh thái bán dẫn là một công việc đắt giá," ông nói.