Thượng viện Mỹ mới đây đã thông qua dự luật "Khoa học và Chip" trị giá 280 tỷ USD nhằm tăng cường sức mạnh công nghệ của Mỹ trong cuộc chạy đua công nghệ với Trung Quốc.
Điều nực cười là từ lâu Mỹ đã chỉ trích chính phủ Trung Quốc cung cấp các khoản trợ cấp đối với các ngành công nghiệp chủ chốt. Giờ đây, các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ cũng đang áp dụng biện pháp can thiệp của chính phủ vào ngành công nghiệp để “giành chiến thắng trong thế kỷ 21.”
Chính sách mới cho phép chính phủ Hoa Kỳ tài trợ tiền cho các dự án phát triển công nghệ cao, trong đó có 52 tỉ USD sẽ được trợ cấp cho các công ty sản xuất chip.
Trong đại dịch, tình trạng thiếu chip toàn cầu đã làm gián đoạn nghiêm trọng ngành công nghiệp hiện đại. Hầu hết các lĩnh vực đều phụ thuộc vào nguồn cung chip ổn định. Tình hình trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết khi Mỹ gần như hoàn toàn phụ thuộc vào chuỗi cung ứng do Trung Quốc kiểm soát và chip bán dẫn do nước ngoài sản xuất.
Sự thiếu hụt chip cũng làm nổi bật rủi ro của việc phụ thuộc vào một vài công ty sản xuất chip nước ngoài để cung cấp sản phẩm cho toàn cầu. Chip được sử dụng trong hầu hết các lĩnh vực công nghệ tiên tiến hiện nay, bao gồm các thiết bị quân sự từ radar đến máy bay chiến đấu. Điều đó có nghĩa là đây là một sản phẩm giữ vai trò quan trọng trong cả kinh tế và an ninh quốc gia. Chip là mặt hàng công nghệ quan trọng của thế kỷ 21.
Đế bán dẫn, hay còn gọi là tấm wafer dùng để chế tạo chip mạch tích hợp (ảnh: TSMC) |
Kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc, chính phủ Mỹ giảm dần can thiệp vào chính sách phát triển công nghiệp, dẫn đến việc các công ty Mỹ không đầu tư sản xuất trong nước, trong khi các quốc gia khác với nhân công rẻ đã trở thành nơi đặt các nhà máy sản xuất. Mặc dù Mỹ là nơi ngành công nghiệp bán dẫn ra đời, nhưng 80% nhà máy sản xuất chip hiện nay lại đang nằm ở châu Á.
Trung Quốc đã thực hiện chính sách xoay trục của mình đối với ngành công nghệ vào năm 2017, khi Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi nước này “trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu về đổi mới.” Năm ngoái, ông đã nhấn mạnh trong kế hoạch 5 năm của Trung Quốc tại Hội nghị Trung ương lần thứ sáu rằng “tự lực về khoa học và công nghệ là một trụ cột chiến lược của sự phát triển quốc gia.”
Các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp dụng đối với một số công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc cho thấy sự phụ thuộc của Trung Quốc vào công nghệ của Mỹ và sự cấp thiết của các nhà hoạch định chính sách Mỹ trong việc giảm thiểu các lỗ hổng bảo mật mà các công ty Trung Quốc có thể tạo ra.
Giờ đây, Bắc Kinh đang đổ tiền vào ngành chế tạo chip. Năm 2020, Hội đồng Nhà nước đã tuyên bố sẽ miễn thuế 10 năm cho các công ty sản xuất chip cao cấp, và chính phủ sẽ cung cấp bảo hiểm cho các nhà cung ứng của họ.
Các công ty sản xuất chip của Trung Quốc đã huy động được hàng tỉ USD trong vài năm qua và hiện được định giá cao hơn so với các công ty Đài Loan vốn ra đời từ trước.
Mặc dù các công ty bán dẫn Trung Quốc khó có thể nhảy vọt trở thành các công ty hàng đầu trong tương lai gần, nhưng rất có thể họ sẽ trở thành những công ty toàn cầu có tên tuổi trong thập kỷ tới.
Chúng ta cũng cần biết hiện nay về cơ bản có 2 loại chip bán dẫn. Chip digital "cao cấp" được sử dụng cho các thiết bị phức tạp như máy tính và điện thoại thông minh. Chip analog "bình dân" được sử dụng cho các ứng dụng ít phức tạp hơn như xe hơi và máy giặt.
Hiện tại khoảng 90% chip cao cấp, sản xuất trên tiến trình 5 nanomet, do một công ty Đài Loan là TSMC chế tạo. Trong khi đó, các công ty Hoa Kỳ và Trung Quốc chưa sản xuất được loại chip cao cấp này.
Đài Loan tiếp tục tiên phong trong công nghệ sản xuất chip cao cấp, với kế hoạch đưa một con chip tiên tiến hơn với tiến trình 3 nanomet vào sản xuất số lượng lớn trong năm nay.
Trụ sở công ty TSMC ở thành phố Hsinchu, Đài Loan (ảnh: TSMC) |
Để Hoa Kỳ giành được vị thế thống trị ngành sản xuất chip từ tay Đài Loan sẽ không hề dễ dàng. Phải mất hơn hai năm để bắt đầu vận hành một nhà máy chế tạo. Việc tạo dựng nguồn tri thức và năng lực công nghiệp sẽ tốn nhiều thời gian và đầu tư hơn.
Khi một nhà sản xuất hàng đầu của Đài Loan thành lập nhà máy đầu tiên tại Hoa Kỳ hơn 25 năm trước, người ta nhanh chóng nhận ra chuyên môn sản xuất của Hoa Kỳ đã bị xói mòn như thế nào sau nhiều thập kỷ sản xuất. Ngay cả với sự hỗ trợ mới nhất của chính phủ Hoa Kỳ, việc đảo ngược xu hướng này sẽ là một thách thức.
Mặt khác, việc đối đầu với Đài Loan trong cuộc đua chip cao cấp có thể không cần thiết đối với Trung Quốc đại lục. Nhu cầu đối với các chip analog bình dân có thể cho phép các công ty đại lục tập trung nỗ lực vào việc xây dựng quy mô lớn trong phân khúc thị trường này.
Thật vậy, trong khi nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc là SMIC dường như đã thành công trong việc sản xuất chip tiến trình 7 nanomet, thì doanh thu cao kỷ lục năm 2021 vẫn do các loại chip analog "bình dân" đem lại. Nhu cầu về loại chip này vẫn tiếp tục ở mức cao, ví dụ như trong lĩnh vực sản xuất xe điện.
Khi Hoa Kỳ quay trở lại thời kỳ chính phủ điều tiết ngành công nghiệp, sự cạnh tranh trên toàn cầu có thể tạo ra những công ty tập trung vào các phân khúc khác nhau, đa dạng hóa sản xuất, khiến ngành công nghiệp sản xuất chip ít tập trung hơn so với hiện nay.
Với nhiều công ty hơn có thể sản xuất nhiều loại chip cao cấp và bình dân, người tiêu dùng có thể mong đợi những chiếc điện thoại và PC ngày càng mạnh mẽ và hiệu quả, trong khi không còn phải đợi hàng tháng trời cho một chiếc ô tô mới.
Các chiến lược công nghiệp hiện đại đòi hỏi sự tham gia sâu rộng của chính phủ dưới hình thức trợ cấp nghiên cứu và phát triển, xây dựng các chương trình cơ sở hạ tầng như một phần của kế hoạch dài hạn được cấu trúc cẩn thận. Cuộc chiến chip mang tính địa chính trị đang được định hình là một cuộc chiến đáng để chúng ta theo dõi.
Theo SCMP