Đằng sau việc tỷ phú Trung Quốc hối lộ quan chức LHQ

Ng Lap Seng là tỷ phú Trung Quốc hối lộ cho một cựu quan chức Liên Hợp Quốc. Ông ta cũng dính líu một vụ tai tiếng vận động tài chính có liên quan đến Trung Quốc, theo báo The Wall Street Journal.
Tỷ phú Trung Quốc đưa hối lộ
Tỷ phú Trung Quốc đưa hối lộ

Ngày 19.10 tới, một tòa án ở New York (Mỹ) sẽ bắt đầu xem xét vụ án tỷ phú Trung Quốc hối lộ cựu quan chức LHQ.

Tỷ phú “xía” vào chuyện đại sự quốc gia

Ng Lap Seng, 67 tuổi, từng là một nông dân, trở nên nổi tiếng do lập một mạng lưới doanh nghiệp và quan hệ chính trị tại Macao (đặc khu hành chính của TQ) từ ít nhất đầu những năm 1990.

Ông ta mở xí nghiệp may ở Macao, trước khi chuyển sang kinh doanh nhà đất, rồi nhảy vào lĩnh vực cờ bạc ở đặc khu này. Ông ta là thành viên một ủy ban đã bầu hai lãnh đạo gần đây nhất của đặc khu, và mỗi lãnh đạo đều chỉ định Ng tham gia Hội đồng Phát triển kinh tế Macao.

Tại Macao, Ng nổi tiếng là một người “môi giới quyền lực” ở Bắc Kinh. Theo một người quen Ng, trong văn phòng, Ng treo ảnh mình cùng ảnh các chính khách, như ảnh hai vị cựu lãnh đạo TQ Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, và ảnh của vợ chồng cựu thổng Mỹ Clinton.

Người quen Ng nói rằng Ng cũng nổi tiếng là người kiệm lời, chỉ có một vài đối tác làm ăn thân cận.

Không thể biết rõ mối quan hệ giữa Ng với thượng tầng quyền lực Bắc Kinh. Ông ta là một trong hơn 2.000 đại biểu Hội nghị chính trị hiệp thương nhân dân TQ (còn gọi là Chính hiệp, giống như MTTQ ở VN).

Người biết chuyện nói là từ lâu Ng quan tâm các vấn đề quốc tế của TQ. Ông ta từng nói với các cộng sự hồi năm 2014, rằng đã giúp thuyết phục Cộng hòa Dominicana (ở vùng biển Caribbean) thôi không công nhận Đài Loan, chuyển sang công nhận Bắc Kinh.

Ng còn là một trong những người tặng tiền cho đảng Dân chủ Mỹ. Năm 1999, Charlie Trie nhận tội vi phạm vận động tài chính của Mỹ. Trie là một cộng sự làm ăn mà Ng đưa tiền tặng các quỹ tranh cử. Ng chưa hề bị buộc tội trong vụ này.

Năm 1998, Thượng viện và Hạ viện Mỹ có 2 bản báo cáo (dẫn thông tin của giới báo chí) xác định Ng có quan hệ với giới giang hồ tội phạm ở Macao. Ng bác bỏ thông tin này.

Một người quen ông ta nói Ng cũng có quan hệ  với quân đội TQ. Báo cáo của Hạ viện Mỹ nói cộng sự Trie của Ng từng tháp tùng một tay mua bán vũ khí TQ uống cà phê tại Nhà Trắng năm 1996.

Báo cáo nêu sau này Tổng thống Bill Clinton nói sự có mặt của tay mua bán vũ khí TQ ở Nhà Trắng là “hoàn toàn không chính đáng”.

Tiền triệu USD để đút lót

Từ ít nhất năm 2007, Ng thường dùng máy bay riêng từ TQ đến Mỹ. Từ năm 2013, ở mỗi chuyến bay, ông ta đem theo 4,5 triệu USD tiền mặt, theo các công tố viên cho biết.

Hồi tháng 9.2015, các công tố viên Mỹ buộc tôi Ng nói láo về mục đích sử dụng những khoản tiền ấy. Đến cuối tháng thì họ buộc tội ông ta hối lộ cựu lãnh đạo LHQ. Ng bị tạm giữ sau khi bị bắt.  

Ngày 16.10, một thẩm phán buộc Ng phải nộp 50 triệu USD tiền bảo lãnh, bất chấp sự phản đối của công tố viên Daniel Richenthal, người nói Ng rất có thể bỏ trốn khỏi Mỹ: “Ông ta đến đây chủ yếu để hối lộ. Ông ta chẳng thèm tuân thủ luật pháp của nước này”.

Tuần trước, Ng bị các công tố viên Mỹ buộc tội chi hơn 500.000 USD để hối lộ John Ashe, cựu đại sứ Antigua and Barbuda tại LHQ và là cựu chủ tịch Đại hội đồng LHQ (UNGA) khóa 68, từ tháng 9.2013 đến tháng 9.2014.

Theo công tố viên Preet Bharara, Ng dùng một ít tiền mang theo để “nhờ” Ashe mua hộ nhà ở Antigua, và để “vận động” LHQ ủng hộ một kế hoạch của Ng: xây một trung tâm hội nghị LHQ trị giá hàng tỉ USD ở Macao.

Theo một người biết chuyện, Ng nói với các cộng sự ông ta hy vọng sử dụng trung tâm này để lập cầu nối thương mại giữa TQ với các nước vùng biển Caribbean.

Dù trung tâm chưa hề xây, Ashe đã xuất bản các tài liệu chính thức của LHQ để ủng hộ dự án của Ng. Nhóm nhân viên của Ng sử dụng các tài liệu ấy để quảng bá dự án với các quan chức khác, và với các công ty đầu tư, ngân hàng, theo cáo trạng.  

Ông Bharara nói: “Các điều tra viên vẫn đang tiếp tục công việc để tìm hiểu xem liệu nạn tham nhũng, hối lộ có phải là kiểu cách quen thuộc ở LHQ hay không”.

Luật sư của Ng và Ashe nói thân chủ của họ chẳng làm gì sai phạm, còn lãnh đạo LHQ đã bắt đầu cuộc điều tra riêng.

Cựu chủ tịch UNGA John Ashe
Cựu chủ tịch UNGA John Ashe

  Quan chức cấp cao LHQ "lem nhem" tiền bạc

Ngoài Ashe và Ng, 4 người khác cũng bị điều tra là phụ tá Jeff Yin của Ng, giám đốc điều hành Quỹ Bền vững toàn cầu (GSF) Shiwei Yan, giám đốc quản lý Heidi Hong Piao và lãnh đạo tờ South-South News, ông Francis Lorenzo.

GSF của bà Yan đã chi 1,5 triệu USD cho Văn phòng LHQ về hợp tác Nam-Nam, một cơ quan quảng bá quan hệ giữa các nước thuộc Nam bán cầu. Số tiền này được chuyển đến đâu, sử dụng thế nào... là những vấn đề cần điều tra làm rõ, theo người phát ngôn Stephane Dujarric của LHQ.

Ng từng hứa tặng 15 triệu USD cho cơ quan này. Chủ tịch TQ Tập Cận Bình khi dự UNGA hồi cuối tháng 9.2015 cũng hứa tặng 2 tỉ USD cho cơ quan này. Văn phòng LHQ về hợp tác Nam-Nam cũng bị cáo buộc đã nhận các khoản quyên góp từ GSF.

Theo thông cáo báo chí của LHQ, Ng, Ashe và một quan chức ngoại giao LHQ (cũng bị buộc tội đưa-nhận hối lộ) từng dự một diễn đàn phát triển Nam-Nam ở Macao hồi tháng 8.2015.

Ashe cũng là đồng sáng lập và chủ tịch danh dự của GSF. Trên trang mạng của GSF cũng đề tên bà Edith Kutesa - vợ của cựu chủ tịch UNGA  Sam Kutesa - là một thành viên trong ban giám đốc.

Ông Kutesa kế nhiệm Ashe, làm chủ tịch UNGA khóa 69, trong bối cảnh ông đang đối mặt với các cáo buộc ông tham nhũng ở Uganda.

Ashe bị bắt ngày 6.10. Ông cũng bị cáo buộc khai gian thuế với thanh tra thuế Mỹ (IRS) và bị hai tổ chức phi chính phủ cáo buộc tham nhũng”.

Ashe cũng đã nhận hối lộ một xe sang, hai đồng hồ Rolex, quần áo may đo và thậm chí còn được “xây giúp” một sân bóng rổ nhỏ trong đất nhà riêng của ông ở New York.

 Nếu Ashe chịu nộp 1 triệu USD tiền thế chân để tại ngoại, ông cũng vẫn bị yêu cầu nộp hộ chiếu và phải đeo còng điện tử để bên tư pháp kiểm soát việc di chuyển.

Đơn kiện còn tố cáo Ashe chia tiền hối lộ với thủ tướng Antigua - Barbuda để hỗ trợ lợi ích kinh tế của một nhóm các doanh nhân TQ tại đảo quốc vùng biển Caribbean này.

Cùng bị bắt với Ashe là phó đại sứ Cộng hòa Dominica tại LHQ Francis Lorenzo. Ông Lorenzo cũng là người đứng đầu tờ báo South-South News vốn là tờ báo hợp tác chặt chẽ với LHQ, các cơ quan chuyên trách, chính phủ các nước, các doanh nghiệp hàng đầu thế giới và các tổ chức dân sự để thông tin về các dự án phát triển bền vững.

Công tố viên Bharara cho biết cuộc điều tra đang tiếp tục: “Tôi không bình luận về việc ai có thể là trung tâm của sự chú ý, ai có thể bị bắt. Hãy còn sớm và chúng tôi đang tìm kiếm một số thứ và tôi sẽ không ngạc nhiên nếu bạn thấy thêm những người khác bị buộc tội”.  

Vĩnh Thụy - Theo The Wall Street Journal, Một thế giới