Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ xác nhận phương Tây khuyên Ukraine từ bỏ thỏa thuận hòa bình

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ cho biết đàm phán Ukraine-Nga đã đổ vỡ sau khi Kiev xin lời khuyên từ những người ủng hộ nước ngoài.

Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland (Ảnh: TopWar)
Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland (Ảnh: TopWar)

Mỹ, Anh và những nước ủng hộ Ukraine khác đã yêu cầu Kiev từ chối thỏa thuận đạt được tại cuộc đàm phán hòa bình ở Istanbul năm 2022 với Nga, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland tiết lộ.

Trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Nga Mikhail Zygar, cựu tổng biên tập kênh tin tức tự do Dozhd, bà Nuland được yêu cầu bình luận về một số thông tin cho rằng tiến trình hòa bình giữa Moscow và Kiev vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4/2022 đã sụp đổ sau khi Thủ tướng Anh lúc bấy giờ, ông Boris Johnson, tới Ukraine và nói với Tổng thống Volodymyr Zelensky hãy tiếp tục chiến đấu.

“Tương đối muộn, người Ukraine bắt đầu xin lời khuyên về việc mọi chuyện sẽ đi đến đâu. Và chúng tôi, người Anh, và những người khác đều nhận ra rằng điều kiện chính mà [Tổng thống Nga Vladimir] Putin đưa ra được ẩn bên trong phần phụ lục của tài liệu mà họ đang thực hiện”, bà nói về thỏa thuận đang được thảo luận bởi các phái đoàn Nga và Ukraine tại thành phố lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ.

Cựu Thứ trưởng Mỹ giải thích rằng thỏa thuận được đề xuất bao gồm những giới hạn về các loại vũ khí mà Kiev có thể sở hữu, do đó Ukraine “về cơ bản sẽ là một lực lượng quân sự bị vô hiệu hóa”, trong khi không có hạn chế tương tự nào đối với Nga.

“Những người ở trong và ngoài Ukraine bắt đầu đặt câu hỏi liệu đây có phải là một thỏa thuận tốt hay không và chính vào thời điểm đó, nó đã sụp đổ”, bà Nuland nói.

Bà Nuland – người trong thời gian làm việc tại Bộ Ngoại giao Mỹ nổi tiếng vì thái độ thù địch với Nga – đã rời bỏ chức vụ Thứ trưởng Ngoại giao vì các vấn đề chính trị vào tháng 3 năm nay. Theo RT, bà Nuland đóng vai trò quan trọng trong cuộc đảo chính do phương Tây hậu thuẫn ở Kiev năm 2014, lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovich.

Trong thời gian leo thang giữa Moscow và Kiev vào tháng 2/2022, bà kêu gọi Mỹ can dự sâu hơn vào cuộc xung đột và ủng hộ Ukraine trang bị vũ khí ngày càng tinh vi. Tuy nhiên, vào tháng 2, về cơ bản, nhà ngoại giao 63 tuổi đã thừa nhận sự thất bại trong chính sách kiềm chế Moscow dài hạn của bà, đồng thời nói với CNN rằng nước Nga hiện đại hóa ra “không phải là nước Nga mà chúng tôi mong muốn”.

Trong cuộc trò chuyện với nhà báo Zygar, bà Nuland xác nhận rằng cả Moscow và Kiev đều mong muốn tìm kiếm giải pháp ngoại giao vào thời điểm một tháng sau khi giao tranh bùng nổ.

“Vào thời điểm đó, Nga quan tâm đến việc xem mình có thể đạt được những gì. Ukraine rõ ràng quan tâm đến việc liệu họ có thể ngừng chiến tranh và đẩy Nga ra khỏi lãnh thổ hay không”, bà nói.

Bà khẳng định các quan chức Mỹ “không có mặt” trong suốt cuộc đàm phán ở Istanbul và chỉ đề nghị “hỗ trợ” Kiev trong trường hợp cần thiết.

2.jpg
Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Sputnik)

Nguyên nhân xung đột

Tuần trước, ông Putin cho biết lý do duy nhất khiến thỏa thuận Istanbul thất bại là vì “mong muốn của giới tinh hoa ở Mỹ và một số quốc gia châu Âu là gây ra một thất bại chiến lược đối với Nga”, đồng thời nói thêm rằng ông Boris Johnson đóng vai trò là “sứ giả” ngăn chặn tiến trình hòa bình.

Ông Putin nhớ lại, các cuộc đàm phán ở Thổ Nhĩ Kỳ đã mang lại một dự thảo thỏa thuận có thể chấm dứt tình trạng thù địch. Kiev sẵn sàng tuyên bố trung lập về quân sự, hạn chế lực lượng vũ trang và thề không phân biệt đối xử với người dân tộc Nga. Đổi lại, Moscow sẽ tham gia cùng các cường quốc hàng đầu khác trong việc đưa ra các đảm bảo an ninh cho Ukraine, ông nhấn mạnh.

Theo nhà lãnh đạo Nga, các cuộc đàm phán với Kiev vẫn có thể diễn ra, nhưng chỉ có thể diễn ra “không phải trên cơ sở một số yêu cầu nhất thời mà trên cơ sở các văn kiện đã được thống nhất và thực sự được khởi tạo ở Istanbul”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng xung đột Ukraine bắt nguồn từ tham vọng lâu dài của phương Tây nhằm kiểm soát đất nước này. Nhà lãnh đạo Nga đưa ra nhận xét này trong cuộc phỏng vấn với tờ báo Mông Cổ Onoodor, trước chuyến thăm nước này hôm đầu tuần trước.

“Trong nhiều thập kỷ, họ [phương Tây] đã tìm cách kiểm soát hoàn toàn Ukraine. Họ tài trợ cho các tổ chức dân tộc chủ nghĩa và chống Nga ở đó; họ đã kiên trì làm việc để thuyết phục Ukraine rằng Nga là kẻ thù vĩnh cửu và là mối đe dọa chính đối với sự tồn tại của nước này”, ông Putin nói.

Nhà lãnh đạo Nga đề cập đến cuộc đảo chính năm 2014 ở Kiev, nói rằng sự kiện này do Mỹ và các "vệ tinh" của nước này dàn dựng và được thúc đẩy bởi "các nhóm phát xít mới cực đoan" ở Ukraine, mà theo ông Putin, nhóm này tiếp tục định hình các chính sách của đất nước.

Điện Kremlin đã liệt kê việc “phi phát xít hóa” Ukraine là một trong những mục tiêu chính của hoạt động quân sự hiện nay.

“Sự căm ghét mọi thứ của Nga đã trở thành hệ tư tưởng chính thức của Ukraine. Việc sử dụng tiếng Nga ngày càng bị hạn chế, và Chính thống giáo đã bị đàn áp, hiện đã đến mức bị cấm trực tiếp”, ông Putin nói thêm.

Theo Topwar, RT