Cứu sống cánh tay bị đứt lìa cho bé trai 8 tuổi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Sau khi được các bác sĩ tại BV Nhi Đồng 2 tận tình cứu chữa, bé N.T.G.H (8 tuổi, ở Long An) bị đứt lìa cánh tay phải đã qua cơn nguy kịch và đang trong quá trình phục hồi.

BS.CKII Lê Thị Minh Hồng, Phó giám đốc BV Nhi Đồng 2 phát biểu tại buổi họp báo sáng 2/12 - Ảnh: Hải Linh
BS.CKII Lê Thị Minh Hồng, Phó giám đốc BV Nhi Đồng 2 phát biểu tại buổi họp báo sáng 2/12 - Ảnh: Hải Linh

Hôm nay, ngày 2/12, BS.CKII Lê Thị Minh Hồng - Phó Giám đốc BV Nhi Đồng 2, TP.HCM - cho biết về trường hợp nỗ lực cứu thành công cánh tay bị đứt lìa của một bệnh nhi 8 tuổi.

Ngày 7/11 bé N.T.G.H (8 tuổi, ở Long An) đi xe máy cùng anh trai, không may bị tai nạn giao thông, cẳng tay phải bị đứt lìa ngay sau tai nạn cùng vết thương nông ở đầu. Bệnh nhi được sơ cứu tại bệnh viện đa khoa khu vực Hậu Nghĩa (huyện Đức Hòa, Long An) sau đó chuyển tuyến lên BV Nhi đồng 2, TP.HCM.

Đến 17h cùng ngày bé N.T.G.H nhập viện với vết thương cắt lìa cẳng tay phải được băng kín, phần cánh tay đứt lìa được bảo quản trong thùng lạnh. Vết thương nhỏ vùng trán đã băng, không dấu hiệu thần kinh. Bệnh nhân được hội chẩn liên chuyên khoa với chẩn đoán chấn thương chỉnh hình - ngoại thần kinh - gây mê. Ca phẫu thuật được diễn ra sau đó, kéo dài hơn 5 giờ đồng hồ, BS Hồng cho biết thêm.

Hiện tại sức khoẻ bé N.T.G.H (8 tuổi) đã ổn định. Ảnh: Hải Linh

Hiện tại sức khoẻ bé N.T.G.H (8 tuổi) đã ổn định. Ảnh: Hải Linh

BS.CKI Nguyễn Thị Ngọc Nga (Khoa Bỏng - chỉnh trực, BV Nhi Đồng 2) chia sẻ, khi nhập viện, vết thương đứt lìa cẳng tay phải, dưới nếp khuỷu 2cm, vị trí chỗ vết thương nham nhở. Rửa sạch, thám sát dưới kính vi phẫu thấy xương trụ và xương quay gãy 3 mảnh. Kết hợp xương bằng dụng cụ, sau đó tìm và nối được một nhánh động mạch, nối phần cẳng tay bên dưới, tiếp tục tìm và nối 2 tĩnh mạch đi kèm, tín hiệu máu lưu thông tốt.

“Đối với các bệnh nhân bị thương cắt lìa như vậy, người thân không nên cho vào thùng đá lạnh, sẽ làm vết thương nặng hơn gây khó khăn cho việc cấp cứu, gây biến chứng sau khi phẫu thuật. Người nhà chỉ vệ sinh sạch sẽ, bọc lại bằng vải hoặc lưới, bọc lại bằng túi ly nông, sau đó mới để vào thùng lạnh không để trực tiếp vào đá”, BS Nga khuyến cáo.

Video clip: BS.CKI Nguyễn Thị Ngọc Nga, khoa Bỏng - chỉnh trực BV Nhi Đồng 2 khuyến cáo gia đình không nên bỏ chi bị đứt lìa vào thùng đá (Thực hiện: Hải Linh)

Hiện tại, bệnh nhi được chăm sóc đặc biệt tại khoa Bỏng - chỉnh hình sau mổ, chiếu đèn, siêu âm kiểm tra tín hiệu mạch máu nối cho kết quả tốt, sức khoẻ đã ổn định.

Sắp tới đây bé N.T.G.H sẽ được nối thần kinh trụ, thần kinh quay và tập phục hồi chức năng cẳng tay, nếu tập luyện tốt bé sẽ phục hồi được khoảng 70%, BS Hồng cho biết thêm.