Cuộc 'đại phẫu' của Alibaba (Ảnh: Reuters) |
Theo đó, các đơn vị kinh doanh mới của Alibaba sẽ được quản lý bởi CEO và ban giám đốc riêng, có khả năng huy động vốn từ bên ngoài và niêm yết cổ phiếu. Sự kiện này nằm trong cuộc tái tổ chức quan trọng nhất trong lịch sử của gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc.
Alibaba cho biết động thái này “giúp khơi thông giá trị cho cổ đông và thúc đẩy khả năng cạnh tranh trên thị trường".
Tín hiệu này được đưa ra sau những năm khó khăn gần đây của Alibaba. Tập đoàn công nghệ phải đối mặt với tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại trong nước và các quy định chặt chẽ hơn từ Bắc Kinh. Hàng tỷ USD vốn hoá thị trường đã bị xóa sổ.
Bằng kế hoạch cải tổ này, Alibaba kỳ vọng tốc độ tăng trưởng sẽ được phục hồi lại.
Theo CNBC, 6 bộ phận kinh doanh mới được thành lập sẽ tập trung vào các ưu tiên chiến lược của tập đoàn, cụ thể:
Bộ phận trí tuệ đám mây: Giám đốc điều hành của Alibaba, Daniel Zhang sẽ là người đứng đầu bộ phận kinh doanh này, quản lý các hoạt động trí tuệ nhân tạo và đám mây của công ty.
Bộ phận thương mại Taobao Tmall: bao gồm các nền tảng mua sắm trực tuyến của công ty bao gồm Taobao và Tmall.
Bộ phận dịch vụ địa phương: Yu Yongfu sẽ là Giám đốc điều hành với hoạt động kinh doanh sẽ bao gồm dịch vụ giao đồ ăn của Alibaba Ele.me.
Cainiao Smart Logistics: Wan Lin sẽ tiếp tục là Giám đốc điều hành của bộ phận cung cấp dịch vụ hậu cần của Alibaba.
Bộ phận thương mại kỹ thuật số toàn cầu: Jiang Fan sẽ giữ chức vụ Giám đốc điều hành. Đơn vị này bao gồm các hoạt động thương mại điện tử quốc tế của Alibaba với AliExpress và Lazada.
Bộ phận Giải trí và Truyền thông Kỹ thuật số: Fan Luyuan sẽ là Giám đốc điều hành, quản lý các hoạt động kinh doanh phim và phát trực tuyến của Alibaba.
Theo ông Zhang, tất cả các bộ phận đều có thể theo đuổi việc việc gây quỹ độc lập và niêm yết công khai khi sẵn sàng.
Ngoại trừ Tập đoàn thương mại Taobao Tmall, sẽ vẫn thuộc sở hữu hoàn toàn của Alibaba.
Khoảng 600 tỉ USD giá trị đã bị xóa sổ kể từ khi giá cổ phiếu của Alibaba đạt đỉnh vào tháng 10 năm 2020. Kể từ đó, chính phủ Trung Quốc đã ban hành các quy định siết chặt và tăng cường giám sát các hoạt động đối với các doanh nghiệp công nghệ tư nhân.
Tỷ phú Jack Ma đã tái xuất ở Trung Quốc (Ảnh: Internet) |
Sự trở lại của Jack Ma
Ant Group, chi nhánh fintech của Alibaba đã bị các cơ quan quản lý buộc phải hủy niêm yết công khai lớn vào tháng 11 năm 2020. Và vào năm 2021, Alibaba đã bị phạt 2,6 tỉ USD trong một cuộc điều tra chống độc quyền.
Ông Zhang cho biết trong một tuyên bố: “Sự chuyển đổi này sẽ trao quyền cho tất cả các doanh nghiệp của chúng tôi trở nên nhanh nhạy hơn, nâng cao khả năng ra quyết định và cho phép phản ứng nhanh hơn với những thay đổi của thị trường".
Hoạt động cải tổ của một trong những tập đoàn công nghệ lớn nhất Trung Quốc diễn ra trùng với thời điểm có những dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang ''nới lỏng" với các doanh nghiệp công nghệ, trong bối cảnh chính phủ nước này đang tìm cách vực dậy tăng trưởng kinh tế.
Kế hoạch chia tách đế chế 220 tỉ USD đã giúp cổ phiếu của Alibaba trên sàn New York tăng tới 14%. Giá trị vốn hóa của tập đoàn tăng vọt 32 tỉ USD trong 1 ngày, theo Wall Street Journal.
Ở một diễn biến khác, cách đây vài ngày, Jack Ma, nhà sáng lập Alibaba, người không xuất hiện trước công chúng và ở nước ngoài trong vài tháng, đã trở về Trung Quốc, trong một động thái được coi là thúc đẩy Bắc Kinh nhanh chóng “mềm dẻo” hơn với khối doanh nghiệp tư nhân.
Năm 2017, Jack Ma từng chia sẻ, các công nghệ như điện toán đám mây và big data có thể giúp ích rất nhiều cho người nông dân Trung Quốc. Theo ông, hiện đại hóa nông nghiệp sẽ là “điểm sáng và trụ cột tăng trưởng quan trọng cho kinh tế Trung Quốc” trong 20, 30 năm nữa.
Có lẽ vì vậy mà trong những năm tháng ở nước ngoài gần đây, người ta nhìn thấy Jack Ma lúc tới thăm 1 phòng nghiên cứu nuôi cá ngừ ở Nhật Bản, cũng có khi ở trường đại học ở Hà Lan để tìm hiểu về sản xuất thực phẩm bền vững.
Tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos 2019, ông cho biết, nếu khởi nghiệp ở thời điểm hiện tại ông sẽ chọn lĩnh vực nông nghiệp.
Tháng 1 năm nay, vị tỷ phú công nghệ đã tới gặp Dhanin Chearavanont, Chủ tịch của tập đoàn thực phẩm CP. Hai tỷ phú đã thảo luận về những giải pháp khắc phục tình trạng thiếu hụt thực phẩm.
Nguồn tham khảo: CNBC, Wall Street Journal