Cục trưởng An ninh Quốc gia Mỹ thừa nhận tin tặc quân đội Mỹ hỗ trợ Ukraine tấn công mạng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), Paul Nakasone hôm 1/6 lần đầu tiên xác nhận các tin tặc quân đội Mỹ đã giúp Ukraine thực hiện hàng loạt vụ tấn công để đáp trả "cuộc xâm lược" của Nga.
Tướng Mỹ gốc Nhật Paul Nakasone, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Không gian mạng, Giám đốc Cục An ninh Quốc gia Mỹ (Ảnh: AP).
Tướng Mỹ gốc Nhật Paul Nakasone, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Không gian mạng, Giám đốc Cục An ninh Quốc gia Mỹ (Ảnh: AP).

Paul Nakasone là một viên tướng bốn sao người Mỹ gốc Nhật, đứng đầu Bộ Tư lệnh Không gian mạng Quân đội Mỹ (USCYBERCOM) và Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) tại Fort Meade, Maryland; ông còn kiêm nhiệm chức Giám đốc Cơ quan An ninh Trung ương (CSS). Hôm thứ Tư, (1/6) ông đã có mặt tại Tallin, thủ đô Estonia để tham dự Hội nghị Quốc tế về Xung đột Mạng (Cycon) lần thứ 14, do NATO đăng cai tổ chức.

Trong thời gian dự họp tại Tallin, ông đã có bài phát biểu quan trọng và được giới truyền thông phỏng vấn riêng.

Theo trang Sky News của Anh ngày 1/6, trả lời phỏng vấn độc quyền dành riêng cho đài này, ông Nakasone đã nói: vào tháng 12 năm ngoái Mỹ đã được yêu cầu cử các chuyên gia không gian mạng đến Ukraine và ở lại đó gần ba tháng Tuy nhiên, ông đã giữ bí mật về chi tiết của hành động này. Đồng thời, Paul Nakasone cũng bày tỏ về mối đe dọa mạng do Nga gây ra đối với Mỹ.

Ông nói với Sky News rằng “để đáp lại các hoạt động quân sự của Nga chống lại Ukraine, chúng tôi đã tiến hành một loạt các hành động toàn diện, bao gồm cả tấn công, phòng thủ và chiến tranh thông tin."

Nakasone đề cập đến chiến lược "hunt forward” (săn phía trước) mà ông tham gia xây dựng. Theo chỉ dẫn của chiến lược này, lực lượng tác chiến không gian mạng của Mỹ sẽ tiến hành các cuộc tấn công phủ đầu vào đối thủ và xác định các công cụ mạng của đối phương.

Ông Nakasone thừa nhận các hacker Quân đội Mỹ đã giúp Ukraine tấn công mạng chống Nga.

Ông Nakasone thừa nhận các hacker Quân đội Mỹ đã giúp Ukraine tấn công mạng chống Nga.

Ông mô tả, chiến lược này "vô cùng mạnh mẽ, giúp chúng tôi xác định được đối thủ của mình và khiến họ bộc lộ các công cụ của mình."

Paul Nakasone tiết lộ rằng Bộ Tư lệnh tác chiến Mạng của Mỹ đã cử các chuyên gia mạng tới 16 nước đồng minh, những người này có thể tìm kiếm thông tin tình báo từ mạng máy tính của các đồng minh và chia sẻ thông tin đó với các đồng minh, điều này rất quan trọng đối với chiến lược "hunt forward”.

Ông cũng cho biết, vào tháng 12 năm ngoái, Mỹ đã cử các chuyên gia không gian mạng tới Ukraine theo lời mời của chính quyền Kiev để cùng "đi săn" với phía Ukraine và ở đó gần 90 ngày.

Sky News dẫn lời một người phát ngôn cho biết các nhân viên Mỹ đã được sơ tán khỏi Ukraine trước khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bùng nổ vào ngày 24/ 2 năm nay.

Tuy nhiên, ông Nakasone không nói rõ thêm chi tiết về các hoạt động này, nhưng ông cho rằng chúng là "hợp pháp" và được thực hiện theo chính sách của Lầu Năm Góc, đồng thời được giám sát toàn diện bởi quân đội.

Ông cũng tìm cách ca ngợi các cuộc tấn công mạng của quân đội Mỹ, tuyên bố mục tiêu của hành động của Mỹ là "nói ra sự thật về mặt chiến lược", cho rằng điều này khác với việc "thao túng thông tin để lừa dối" của phía Nga.

Ông Nakasone cho biết hành động của quân đội Mỹ "đảm bảo tính chính xác và kịp thời của thông tin tình báo và khả năng của Mỹ hành động trên quy mô lớn hơn"; không chỉ cung cấp thông tin tình báo để phương Tây phản ứng trước việc Nga "xâm lược" Ukraine, mà còn giúp Mỹ khả năng làm rõ những gì Nga dự định làm với cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm nay của Mỹ. Ông cũng nói, một tình huống tương tự cũng đã xảy ra trong cuộc bầu cử năm 2020, nhưng khi đó quy mô nhỏ hơn nhiều.

Nói về trước mắt, Nakasone chuyển chủ đề sang điều ông gọi là "cuộc tấn công mạng" của Nga.

Nakasone nói rằng ông không đồng ý với điều một số người đã nói rằng "cuộc tấn công mạng của Nga vào Ukraine đã được phóng đại quá mức", vì người Ukraine "rất bận rộn" đối phó với các cuộc tấn công mạng có tính phá hoại từ Nga.

Ông tiếp tục nhấn mạnh rằng ông đang “cảnh giác hàng ngày” về một cuộc tấn công mạng có thể xảy ra của Nga nhằm vào Mỹ.

Thực ra, những thông tin tình báo được Nakasone tiết lộ lần này là sự đáp lại những cáo buộc mà Nga đưa ra cách đây vài tháng.

Ngày 29/3 năm nay, Bộ Ngoại giao Nga đã ra thông cáo cho biết, trong bối cảnh Nga tiến hành “Chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, Mỹ và các "quốc gia vệ tinh" đã tiến hành một cuộc tấn công mạng quy mô lớn nhằm vào Nga. Các tổ chức nhà nước, cơ quan truyền thông, cơ sở hạ tầng quan trọng và các cơ sở dân sự của Nga hầu như mỗi ngày phải hứng chịu hàng trăm nghìn cuộc tấn công mạng.

Vào thời điểm đó, Bộ Ngoại giao Nga cho biết: "Trên thực tế, một đội quân đánh thuê không gian mạng đang tiến hành một cuộc chiến tranh mạng chống lại chúng ta".

Về các cuộc tấn công mạng, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov vào tháng 3 năm nay khi được hỏi liệu "Moscow có thể sử dụng không gian mạng để đối đầu với phương Tây hay không?" đã nhấn mạnh: "Nga khác với các nước phương Tây như Mỹ, chúng tôi không tiến hành các hoạt động kiểu thổ phỉ cấp độ nhà nước."

Các tin tặc Mỹ đã bí mật tới Ukraine và các nước NATO tiến hành chiến tranh thông tin chống Nga.

Các tin tặc Mỹ đã bí mật tới Ukraine và các nước NATO tiến hành chiến tranh thông tin chống Nga.

Theo truyền thông Nga, ông Nakasone tiết lộ khi trả lời phỏng vấn Sky News rằng những kẻ nghe lén Mỹ đang tiến hành chiến tranh thông tin với sự trợ giúp của các doanh nghiệp truyền thông như Đài CNN.

Nakasone cho biết kể từ khi ông tiếp quản chức vụ người đứng đầu Bộ Chỉ huy Không gian mạng và Cục trưởng An ninh Quốc gia (NSA) vào năm 2018, hai cơ quan đã đề ra chiến lược tiết lộ như vậy. Ông nêu ví dụ khác, NSA cũng công bố thông tin về những gì người Nga định thực hiện trong các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ vào năm 2018 và 2020. Moscow đã phủ nhận việc can thiệp vào các cuộc bầu cử của Mỹ, dù là bỏ phiếu điện tử hoặc bằng cách khác.

Ông Nakasone nói: “Trong cuộc khủng hoảng lần này (xung đột Nga-Ukraine), khả năng chia sẻ thông tin của chúng tôi rất mạnh mẽ, có thể đảm bảo các thông tin chính xác và kịp thời”.

Hồi tháng 4, các quan chức tình báo Mỹ thừa nhận với NBC News rằng để giành chiến thắng trong cuộc chiến thông tin chống lại Nga, họ (tình báo Mỹ) đã nhiều lần tiết lộ cho giới truyền thông các thông tin không đáng tin cậy hoặc hoàn toàn bịa đặt về cuộc xung đột ở Ukraine. Họ nói rằng những thông tin sai lệch này nhằm phá hoại sự tuyên truyền của Moscow và ngăn cản Nga xác định quan điểm của thế giới đối với cuộc chiến này.