BV Thống Nhất TP.HCM cho biết vừa cứu sống kịp thời cho một bệnh nhân lớn tuổi bị tai biến mạch máu não. Không những vậy, bệnh nhân còn đi đứng, nói chuyện, sinh hoạt bình thường chỉ sau chưa đến 6 tiếng.
Bệnh nhân là bà L.T.N (71 tuổi, ở Tân Bình, TP.HCM), nhập viện vào BV Thống Nhất TP.HCM vào lúc 2 giờ sáng ngày 4/3 trong tình trạng liệt nửa người bên trái, không nói được, vẫn còn nhận thức.
Gia đình cho biết, trước đó vào lúc trước khi đi ngủ, bệnh nhân hoàn toàn bình thường. Đến gần 2h sáng thì bệnh nhân muốn dậy đi tiểu nhưng không được. Người nhà phát hiện kịp thời và nhanh chóng đưa thẳng đến BV Thống Nhất TP.HCM cấp cứu.
Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, bác sĩ Khoa cấp cứu (BV Thống Nhất TP.HCM) nhận định đây là ca tai biến mạch máu não, nên nhanh chóng tiến hành quy trình cấp cứu đột quỵ với việc chụp CT não và mạch máu não đồng thời hội ý điều trị với bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh và can thiệp mạch máu não.
Kết quả cho thấy bệnh nhân bị nhồi máu não do tắc động mạch não giữa bên phải, nghi do cục máu đông trong buồng tim đi lên (bệnh nhân có tiền căn bệnh lý rung nhĩ nhưng không được điều trị đúng phác đồ).
Bác sĩ khoa Tim mạch Cấp cứu can thiệp trao đổi với gia đình bệnh nhân về phương pháp can thiệp lấy cục máu đông. Được sự đồng ý nhanh chóng của gia đình, ê kíp bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật mở đường đi vào lòng mạch máu não và đưa dụng cụ vào vừa kéo vừa hút cục máu đông ra ngoài giúp tái thông lại hoàn toàn động mạch não đã bị tắc. Ca mổ kéo dài 20 phút.
Bệnh nhân vui mừng cảm ơn bác sĩ đã cứu chữa cho bà. Ảnh: Nguyễn Trăm
|
Ngay sau khi kết thúc ca mổ, bệnh nhân đã vận động được chân và 30 phút sau đó đã nói lưu loát. Đến 5 giờ sáng cùng ngày, bệnh nhân cử động được tay và sau vài tiếng thì đi đứng trở lại bình thường. Do bệnh nhân có tiền căn rung nhĩ nên trong thời gian tiếp theo sẽ được bác sĩ tiếp tục theo dõi, cho uống thuốc chống đông theo đúng phác đồ điều trị.
Bệnh nhân vui mừng chia sẻ: “Tôi xin cảm ơn bác sĩ đã cứu tôi, không những sống mà còn đi đứng trở lại bình thường. Tôi vẫn không thể tin được mình bị tai biến mạch máu não mà vẫn có thể nói chuyện, sinh hoạt bình thường chỉ sau vài tiếng”.
Bà N. cho biết trước đó, dù bị liệt nửa người nhưng vẫn còn ý thức, nên rất lo lắng, sợ sẽ bị liệt hay các biến chứng khác. May mắn, ngay khi bà cảm thấy không cử động được, gia đình đã kịp phát hiện và nhanh chóng đưa vào BV Thống Nhất TP.HCM cứu chữa.
Thạc sĩ Bác sĩ Trang Mộng Hải Yên - Khoa Tim mạch Cấp cứu can thiệp (BV Thống Nhất TP.HCM) cho biết, với các bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, bệnh nhân có thể điều trị bằng hai phương pháp là dùng thuốc tiêu huyết khối (tiêu cục máu đông) (nếu đến bệnh viện trước 4,5 giờ) hoặc can thiệp lấy cục máu đông (nếu đến bệnh viện trước 6,5 giờ).
Tuy nhiên, với trường hợp bệnh nhân này, bác sĩ đã không dùng thuốc tiêu huyết khối do cục máu đông có khả năng đã hình thành từ trước lâu trong buồng tim và kích thước lớn, khi này thuốc tiêu huyết khối có thể sẽ không còn hiệu quả, thậm chí có nguy cơ dẫn đến xuất huyết não. Bên cạnh đó, gia đình bệnh nhân đã đồng ý áp dụng phương pháp lấy cục máu đông ngay sau khi bác sĩ tư vấn.
"Với phương pháp này, nguy cơ xuất huyết não sẽ thấp hơn nhưng yêu cầu bác sĩ cần có kinh nghiệm và kỹ thuật tốt để có thể mở lại dòng máu ở não càng nhanh càng tốt. Bên cạnh đó, việc bệnh nhân được gia đình phát hiện, đưa đến BV cấp cứu kịp thời, đồng thời quyết định nhanh chóng phương pháp điều trị sau khi nghe bác sĩ tư vấn đã góp phần quan trọng giúp bệnh nhân L.T.N được nhanh phục hồi, trở lại sinh hoạt bình thường sau khi bị tai biến mạch máu não” – bác sĩ Yên nói.
Bác sĩ Trang Mộng Hải Yên thăm hỏi tình hình sức khỏe bệnh nhân. Ảnh: Nguyễn Trăm
|
Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM đã triển khai can thiệp cấp cứu đột quỵ do tắc mạch máu não hoặc chảy máu não (do vỡ phình mạch dị dạng) được 3 năm. Khoa Khoa Tim mạch Cấp cứu can thiệp luôn đảm bảo có 2 ê kíp bác sĩ trực thay phiên, đảm bảo tiếp nhận và điều trị can thiệp cấp cứu cho bệnh nhân 24/7.
Bác sĩ Yên cho biết hiện nay y học đã tiến bộ giúp điều trị thành công nhiều ca tai biến mạch máu não, giúp bệnh nhân nhanh chóng trở lại sinh hoạt bình thường. Khi thấy người nhà, người xung quanh có triệu chứng méo mặt, yếu liệt tay chân, giọng nói không lưu loát, xây xẫm, choáng váng mất thăng bằng… thì phải đưa vào bệnh viện càng sớm càng tốt vì khi này người đó có thể bị đột quỵ và việc được cứu chữa sớm sẽ giúp cho bệnh nhân có khả năng phục hồi cao hơn.
Do đó, tốt nhất ngay khi có bất kỳ triệu chứng nào của đột quỵ nói trên, người nhà cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt để được kiểm tra não và các vấn đề sức khỏe khác.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu