Aerosol là gì? Virus Corona lây truyền qua đường nào, “giọt bắn” hay “hạt khí dung” ?

VietTimes – Thông tin Trung Quốc đưa ra cuối chiều 8/2 về việc virus Corona có khả năng lây qua “khí dung” khiến cộng đồng hoảng sợ, nhất là khi có người dịch và diễn giải “khí dung” là “không khí”. Điều này không giống trước đây, các nhà khoa học cho hay, nCoV 2019 lây qua đường hô hấp, qua các giọt bắn từ người bệnh sang người lành. Tuy nhiên, sự thực có đáng lo ngại như vậy không? Để trả lời câu hỏi này, VietTimes đã có cuộc trao đổi với chuyên gia về bệnh lây truyền - bác sĩ Vũ Quốc Đạt, giảng viên Bộ môn Truyền nhiễm của Trường Đại học Y Hà Nội.
Bác sĩ Vũ Quốc Đạt - giảng viên Bộ môn Truyền nhiễm của Trường Đại học Y Hà Nội - cung cấp cho sinh viên các kiến thức khoa học về virus Corona
Bác sĩ Vũ Quốc Đạt - giảng viên Bộ môn Truyền nhiễm của Trường Đại học Y Hà Nội - cung cấp cho sinh viên các kiến thức khoa học về virus Corona

+ Thông tin từ Trung Quốc rằng virus Corona có thể lây qua “khí dung”, mà có người diễn dịch là “không khí”, đang khiến cộng đồng lo ngại. Là chuyên gia về bệnh lây truyền, anh có ý kiến gì về việc này?

Bác sĩ Vũ Quốc Đạt: Cho đến giờ này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn chưa xác nhận thông tin này. Việc các virus đường hô hấp có khả năng lây truyền thông qua các hạt khí dung không phải là mới. Mặc dù các bệnh như cúm hay coronavirus lây truyền chủ yếu qua giọt bắn, nhưng khi nhân viên y tế thực hiện các can thiệp, như nội soi phế quản, ép tim ngoài lồng ngực, hay hút đờm nội khí quản cho bệnh nhân, thì vẫn có khả năng tạo ra các hạt khí dung và có khả năng lây nhiễm cho người thực hiện thủ thuật này. Tuy nhiên phải hiểu rằng đường lây truyền chủ yếu của các bệnh này vẫn là qua đường giọt bắn.

+ Mọi người đang tranh cãi về việc “khí dung” hay là “không khí” để xác định nguồn lây. Có người cho “khí dung” là một phương pháp điều trị chứ không phải là “bụi khí”. Là giảng viên chuyên ngành lây truyền lâu năm, anh có thể cho biết “khí dung” trong y khoa có nghĩa là gì?

Bác sĩ Vũ Quốc Đạt: Nói chính xác hơn thì chúng ta nên gọi là “hạt khí dung” hay aerosol. Các hạt khí dung hay aerosol bản chất là dạng vật chất, có thể dạng rắn hoặc dạng lỏng, nhưng tồn tại ở dạng cấu trúc rất nhỏ, có kích thước nhỏ hơn giọt bắn rất nhiều. Trong y khoa tiếng Việt “khí dung” thường được hiểu là các “hạt khí dung” như tôi mô tả ở trên, chúng có thể lơ lửng trong không khí hoặc thường được hiểu là một phương pháp để tạo ra các dạng hạt nhỏ như ở ý trên, để sử dụng với mục đích điều trị, nhằm đưa thuốc vào sâu trong đường hô hấp, điển hình là phương pháp khí dung thường dùng cho các bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen hay co thắt khí phế quản.

+ Việc nghi ngờ virus Corona có thể lây qua khí dung có là thông tin mới đối với giới chuyên môn hay không, thưa anh? Thông tin nói lây qua đường khí dung là chính hay chỉ là có thể xảy ra?

Bác sĩ Vũ Quốc Đạt - giảng viên Bộ môn Truyền nhiễm của Trường Đại học Y Hà Nội
Bác sĩ Vũ Quốc Đạt - giảng viên Bộ môn Truyền nhiễm của Trường Đại học Y Hà Nội

Bác sĩ Vũ Quốc Đạt: Thông tin trên báo chí nước ngoài chỉ nói là có thể lây truyền qua đường khí dung, giọt bắn và tiếp xúc trực tiếp, chứ không kết luận đường nào là chính, nên cũng không cung cấp thêm thông tin gì mới.

Về mặt khoa học, với tỉ lệ lây nhiễm hiện tại, nếu số liệu Trung Quốc công bố là đúng, thì tôi tin đường lây nhiễm chính vẫn là giọt bắn. Vì nếu lây truyền qua đường khí dung, thì tỉ lệ lây nhiễm phải cao hơn rất nhiều. Hiện tại báo cáo là 1 lây cho 2 đến 3 người. Nhưng nếu lây qua khí dung thì thường sẽ là 1 người có khả năng lây cho trên 10 người! Tỉ lệ lây nhiễm càng cao mới càng ủng hộ cho quan điểm bệnh lây chủ yếu qua các hạt khí dung.

+ Nhưng thông tin như vậy có phải thêm cảnh báo gì trong phòng, chống bệnh viêm phổi cấp do virus Corona không, thưa anh?

Bác sĩ Vũ Quốc Đạt: Nếu virus Corona thực sự lây qua các hạt khí dung thì việc thay đổi chiến lược chống nhiễm khuẩn là rất cần thiết. Chúng ta không thể dùng khẩu trang y tế để phòng được lây truyền qua đường khí dung, mà cần trang bị cho nhân viên y tế khẩu trang N95, cũng như tăng cường chiến lược thông khí cho môi trường và lau, tẩy rửa bề mặt. Bên cạnh đó việc cách ly các ca bệnh tại cộng đồng sẽ cần thực hiện rộng rãi hơn để hạn chế nguồn lây. Và để phòng bệnh hiệu quả nhất, chúng ta sẽ cần có vaccine đặc hiệu cho chủng virus này. Chính vì vậy, rất cần những thông tin chính xác và được thẩm định để có thể ra chiến lược dự phòng tốt nhất. Các thông tin mang tính chất phỏng đoán, suy luận sẽ có tác hại khôn lường.

+ Nhưng dựa vào các bằng chứng đã có thì theo anh, virus Corona lây qua đường nào là chính?

Bác sĩ Vũ Quốc Đạt: Theo những gì chúng ta biết về virus Corona trong y văn, thì việc lây truyền qua đường giọt bắn vẫn là cách lây truyền chính. Tuy nhiên, do chủng virus Corona này là chủng mới nên chúng ta cần tiếp tục theo dõi để xác định đường lây truyền ưu thế của chúng. Đối với các bệnh chúng ta đã biết lây qua đường không khí thì tỉ lệ lây nhiễm rất cao, ví dụ trong sởi thì 1 người có thể lây cho 12-18 người. Đối với bệnh lây truyền qua giọt bắn như cúm mùa thì 1 người bị bệnh có thể lây cho 1-2 người.

Hiện nay WHO ước tính tỉ lệ lây của chủng coronavirus này là 2.2, nghĩa là 1 người có khả năng lây cho 2-3 người. Do đó tôi nghĩ virus Corona vẫn lây truyền chủ yếu qua giọt bắn. Tuy nhiên, thông tin về ca nhiễm là rất quan trọng để xác định đường lây truyền. Đó là lý do chúng ta cần có thông tin xác thực, để có thể xác định cách lây truyền chủ yếu của dịch này, từ đó có cách phòng bệnh hiệu quả nhất. Nếu nhìn vào một số trường hợp lây nhiễm được xác dịnh ở Việt Nam, thì tỉ lệ lây nhiễm rất gần với dự đoán của WHO. Đó là lý do dư luận nên tin tưởng vào khoa học.

+ Cám ơn anh về cuộc trò chuyện!

(Thanh Hằng thực hiện)

Trong cuộc họp báo chiều 8/2,  chính quyền thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) cho rằng nCoV có thể lây truyền qua khí dung (aerosol, tức hạt có kích cỡ rất nh). Tuy nhiên, hôm nay, 9/2, Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc đã giải thích rằng, con đường lây truyền chủ yếu của nCoV vẫn là qua hít phải các giọt bắn và qua tiếp xúc trực tiếp, còn đường lây truyền qua các hạt khí dung và phân người cần phải được xác minh thêm.