Thắp ngọn lửa hạnh phúc trong những ngôi nhà hiếm muộn:

Bài 8: Những mầm sống bị bỏ quên, trong khi Ngân hàng phôi trống không

VietTimes – Tại các bệnh viện (BV), có tới mấy trăm mầm sống bị bỏ quên khiến bác sĩ vô cùng khó xử, trong khi đó các Ngân hàng phôi lại trống không, rất cần được hiến tặng bổ sung.
Bác sĩ Lê Thị Minh Châu - Trưởng Khoa Vô sinh hiếm muộn (BV Từ Dũ) tư vấn cho bệnh nhân hiếm muộn đã thành công ở lần sinh con thứ nhất
Bác sĩ Lê Thị Minh Châu - Trưởng Khoa Vô sinh hiếm muộn (BV Từ Dũ) tư vấn cho bệnh nhân hiếm muộn đã thành công ở lần sinh con thứ nhất

Thương những mầm sống bị bỏ quên

Có tới mấy trăm phôi (đã thụ tinh thành công) hiện đang được lưu trữ và bảo quản tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BV Hùng Vương (TP.HCM) mà không có người đến nhận, trong khi các y bác sĩ đã cố gắng liên lạc suốt 9-10 năm qua với các chủ sở hữu.

Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc BV Hùng Vương - cho biết: “Có thể các cha mẹ này đã có đủ con nên không quay lại. Cũng có thể họ đã quá mệt mỏi nên không kiên nhẫn theo đuổi hành trình “tìm con” được nữa. Đây là số phôi đã thụ tinh từ 10 năm về trước, hồi đó chưa có ký hợp đồng với các điều khoản rõ ràng như bây giờ, cho nên để lại hậu quả là không có đủ cơ sở pháp lý để tiến hành bất cứ hoạt động nào với số phôi này”.

“Đây thực sự là một gánh nặng với BV, vì cần có chỗ cho những người mới thụ tinh lưu trữ phôi. Điều kiện lưu trữ của BV có hạn, mà phôi mới không có chỗ cất, phôi cũ lại không người đến nhận. Tặng cho người khác thì bắt buộc phải được sự đồng ý của các cặp vợ chồng là chủ sở hữu phôi, bởi vì đây là vấn đề huyết thống. Mà bây giờ liên lạc lại với các cặp vợ chồng đó, có người đã đổi số điện thoại, nhiều người ở các tỉnh xa về TP.HCM chữa trị, địa chỉ không rõ ràng nên không biết tìm họ nơi đâu” – Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết cho biết.

Tình trạng nói trên trước đây cũng từng xảy ra với mấy trăm phôi lưu trữ tại BV Từ Dũ, đã được thụ tinh thành công từ quãng thời gian 10 năm về trước, nguyên do không có người nhận phần nhiều là do các cặp đôi đã nản, thậm chí nhiều gia đình tan vỡ.

Về mặt ý nghĩa tâm linh, cho dù mới chỉ là phôi thai nhưng rõ ràng đây vẫn là những “mầm sống” nên các bác sĩ cảm thấy vô cùng khó xử. Vì rất khó khăn để dẫn tới quyết định hủy phôi, nên các bác sĩ vẫn cố gắng chăm sóc, theo dõi, liên lạc với các cha mẹ, mong có ngày họ quay lại đón những “mầm sống” về với vòng tay yêu thương ruột thịt.

Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết (Giám đốc BV Hùng Vương)
Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết (Giám đốc BV Hùng Vương) 

Ngân hàng phôi trống không chờ hiến tặng

“Từ năm 2015, Chính phủ đã có Nghị định quy định các cặp vợ chồng đã thụ tinh thành công, nếu không có nhu cầu sử dụng các phôi thai nữa có thể tặng lại cho các cơ sở khám, chữa bệnh, theo hợp đồng cho tặng, với sự đồng ý ký xác nhận của cả vợ và chồng. Còn nếu sau mỗi năm mà các cặp vợ chồng không đến đóng tiền để tiếp tục lưu trữ phôi thì căn cứ theo điều khoản của hợp đồng đã ký, BV có quyền hủy các phôi này” – Trong cuộc trao đổi với VietTimes, bác sĩ Lê Thị Minh Châu - Trưởng Khoa Vô sinh hiếm muộn (BV Từ Dũ) cho biết.

“Từ năm 2015 đến giờ, BV Từ Dũ đã hết hẳn tình trạng phôi bị lưu trữ quá lâu. Thậm chí hiện tại, Ngân hàng phôi của BV Từ Dũ trống không. Chúng tôi cũng rất mong có thể kêu gọi gia đình đã có con thành công thì hiến tặng phôi cho các cha mẹ khác vẫn đang trông chờ” – Bác sĩ Lê Thị Minh Châu tha thiết nhắn gửi.

Với Ngân hàng phôi của BV Hùng Vương, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết cũng xác nhận hiện trạng trống không. Các phôi “vô thừa nhận” lại không thể chuyển vào ngân hàng, bởi luật quy định phôi hiến tặng là tự nguyện, phải được cả vợ và chồng cùng ký xác nhận.

Người đi “tìm con” thì quá đông, quá khao khát, mong mỏi, khiến sức chứa của BV Hùng Vương và BV Từ Dũ – hai Trung tâm chữa vô sinh hiếm muộn lớn nhất TP.HCM quá tải.

Bác sĩ Lê Thị Minh Châu - Trưởng Khoa Vô sinh hiếm muộn (BV Từ Dũ) khẳng định tỷ lệ thành công của điều trị vô sinh hiếm muộn ngày nay lên tới 50%
Bác sĩ Lê Thị Minh Châu - Trưởng Khoa Vô sinh hiếm muộn (BV Từ Dũ) khẳng định tỷ lệ thành công của điều trị vô sinh hiếm muộn ngày nay lên tới 50%

Từ sáng sớm tới tối mịt, tất cả các phòng bệnh Khoa Hiếm muộn của hai BV này đều chật kín. Bệnh nhân và người nhà ngồi tràn ra ngoài hành lang, khu vực chờ không bao giờ còn một chiếc ghế trống. Nhiều cặp vợ chồng dắt díu nhau từ tỉnh xa về thành phố, suy kiệt bởi những tháng ngày mỏi mòn chữa trị.

Những gương mặt thất thần của người chồng khi niềm hy vọng cứ tắt dần theo từng lần nhập viện. Nét buồn bã, bơ vơ của người vợ ngóng đợi, khi lấy nhau mười năm, mười lăm năm vẫn chưa được nghe tiếng trẻ thơ khóc cười.

Mặc dù các bác sĩ đều khẳng định tỷ lệ thụ tinh nhân tạo thành công ngày nay rất cao, lên tới 50%, nhưng vẫn còn quá nhiều các cặp vợ chồng mong ngóng. Bởi mỗi năm, một BV tuyến trung ương có tới 50.000 lượt khám, và thực tế chữa trị lên tới hàng chục ngàn cặp vợ chồng.

Thỉnh thoảng, từ thang máy, một người mẹ hạnh phúc bước ra, trên tay ẵm theo một em bé đỏ hồng say ngủ, đằng sau là người thân tay xách nách mang đồ dùng, tã lót, bỉm, sữa… khiến những ánh mắt ngước nhìn theo thèm khát, mong chờ.