Cổ phiếu VND sụt giảm, nhà đầu tư chứng khoán lo lắng khi website VNDirect bị sập

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mã chứng khoán VND giảm điểm trong bối cảnh hệ thống của VNDirect vẫn chưa được khôi phục. Còn hàng chục nghìn khách hàng lo lắng vì không thể giao dịch.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/3, VN-Index giảm 1,09%, ở mức 1267.86 điểm. Trên thị trường, câu chuyện được nhiều nhà đầu tư quan tâm nhất hiện tại chính là vụ “tấn công” vào hệ thống của VNDIRECT, buộc hàng chục nghìn khách hàng “khoanh tay” đứng nhìn khi cổ phiếu VND lao dốc.

Mặc dù đã gần 2 ngày trôi qua, song việc hệ thống của VNDIRECT vẫn bị sập đã khiến giá cổ phiếu VND phản ứng tiêu cực.

Theo đó, cổ phiếu VND đã từng có thời điểm trong ngày giảm hơn 3%. Tuy nhiên, VND đã phục hồi nhẹ và kết thúc phiên với giá 23.950 đồng/cổ phiếu, giảm 1,44%.

Khối lượng giao dịch VND cũng tăng đột biến lên hơn 86 triệu đơn vị. Các nhà đầu tư nước ngoài có động thái bán ra với hơn 4,5 triệu đơn vị, cao gần 7 lần so với phiên giao dịch ngày 22/3.

chung-khoan-vndirect-bi-tan-cong-tai-khoan-cua-nha-dau-tu-co-bi-anh-huong-203.jpg
Đến sáng 26/3, website của VNDirect vẫn bị sập.

Liên quan đến vụ “tấn công”, Chứng Khoán VNDirect cho biết hệ thống đã bị một tổ chức quốc tế tấn công từ 10h ngày 24/3.

Sáng 25/3, HNX ngay lập tức thông báo tạm thời ngắt kết nối giao dịch từ xa và giao dịch trực tuyến trên các thị trường giao dịch chứng khoán niêm yết, giao dịch chứng khoán đăng ký giao dịch, giao dịch chứng khoán phái sinh, giao dịch công cụ nợ và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của VNDirect tới HNX kể từ ngày 25/3 cho đến khi doanh nghiệp khắc phục được hoàn toàn sự cố.

Trấn an nhà đầu tư, VNDirect nhấn mạnh toàn bộ thông tin và tài sản của khách hàng đều được đảm bảo trạng thái an toàn, không ảnh hưởng bởi sự cố tấn công. Sự cố chỉ gây ảnh hưởng đến việc giao dịch hiện tại và VNDirect đang nỗ lực tối đa để khôi phục toàn bộ hệ thống, hạn chế ảnh hưởng gián đoạn đến việc giao dịch của khách hàng ngày hôm nay.

Đáng chú ý, hiện 2 công ty có liên quan với VNDirect cũng bị sập hệ thống, gồm Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) và Công ty TNHH MTV quản lý quỹ đầu tư chứng khoán I.P.A (IPAAM).

Trên các hội nhóm tài chính và chứng khoán, hàng nghìn nhà đầu tư “đứng ngồi không yên” khi nguyên một ngày không thể giao dịch.

Trao đổi với VietTimes, chị P. Thu cho biết: “Tôi khá bất ngờ khi một trong những công ty chứng khoán top đầu của Việt Nam lại bị tấn công và vẫn chưa thể khôi phục lại hệ thống”.

Là người đã đầu tư hơn 3 năm với số vốn hàng trăm triệu đồng thông qua app VNDirect, chị Thu bày tỏ sự lo lắng khi không thể giao dịch cũng như việc dữ liệu cá nhân có thể bị lộ như tài khoản ngân hàng, số điện thoại…

Tương tự như chị Thu, rất nhiều nhà đầu tư khác cũng tỏ ra bực bội, tức giận với phần lớn thắc mắc rằng: “Trong trường hợp thị trường sụt giảm mạnh, nhà đầu tư không thể giao dịch và thua lỗ, vậy ai sẽ là phải chịu trách nhiệm? Liệu nhà đầu tư có được bồi thường?”

Tại Việt Nam, việc lỗi hệ thống khiến nhà đầu tư không thể giao dịch chứng khoán đã xảy ra nhiều lần. Mặc dù chưa có thiệt hại lớn nào xảy ra, song đến nay câu hỏi “Ai là người chịu trách nhiệm khi không thể giao dịch trong phiên, dẫn đến thua lỗ?” vẫn chưa có lời giải đáp.

Về vấn đề an toàn tài sản của khách hàng, giám đốc một công ty chứng khoán cho biết cổ phiếu của nhà đầu tư sẽ được đảm bảo vì được lưu ký tại Trung tâm lưu ký Việt Nam (VSD). Đối với tài sản là tiền, lệnh rút chỉ được thực hiện khi áp dụng tài khoản ngân hàng chính chủ.

Trước sự cố của VNDirect, vị này khuyến nghị nhà đầu tư nên cơ cấu tài sản ở 2 đến 3 công ty chứng khoán để tránh những rủi ro tương tự dẫn đến thua lỗ vì không thể giao dịch.