Quốc Phong
Quốc Phong

Nhà báo

Có nên sàng lọc nhân sự Đại hội bắt đầu từ khâu bằng cấp?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes -- Mới đây, hôm 26/4, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội 13 - có một bài viết rất quan trọng bàn về công tác nhân sự chuẩn bị Đại hội Toàn quốc vào năm 2021. Cần hiểu rằng đó cũng chính là chỉ đạo để Đảng bộ các cấp quán triệt, vận dụng thực hiện ngay ở địa phương mình.

Tôi đặc biệt đánh giá cao bài viết rất sâu sắc nói trên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, bởi qua đó, chúng ta thấy được tầm nhìn của người được Đảng và Nhân dân giao trọng trách đứng đầu, trước những thời cơ, thách thức, và vận mệnh của đất nước.

Ngay phần nhập đề, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng viết: “...Trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào, ở bất kỳ lĩnh vực, địa phương nào, cán bộ bao giờ cũng đóng vai trò quyết định; công tác cán bộ không chỉ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng mà còn là mắt xích trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng, nhân tố quyết định sự thành bại của Cách mạng. Không phải ngẫu nhiên mà Bác Hồ bắt đầu chuẩn bị thành lập Đảng bằng việc đào tạo và huấn luyện cán bộ. Bác khẳng định: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém"; "Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng". 

Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ khi Đảng Cộng sản Đông Dương chưa ra đời đã đặc biệt coi trọng công tác huấn luyện cán bộ và xem đây là “công việc gốc của Đảng“. Theo cách hiểu của tôi, đây là một quan điểm hoàn toàn chuẩn xác. 

Đọc lại và tìm hiểu lịch sử Đảng, chúng ta sẽ thấy rất rõ một vấn đề tại Đại hội 3 của Đảng Lao động Việt Nam - thời kỳ đất nước đồng thời thực hiện cả 2 nhiệm vụ cách mạng: vừa bảo vệ và xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa xây dựng lực lượng vũ trang để mở cuộc đấu tranh cách mạng tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thời điểm này cũng là giai đoạn chúng ta mới giành lại hòa bình ở một nửa đất nước, khó khăn trăm bề do vừa phải trải qua 1/4 thế kỷ đấu tranh giành độc lập dân tộc. Vì thế, chúng ta chưa có điều kiện cử nhiều cán bộ đi đào tạo. Nhưng khi có cơ hội đến, Đảng đã cử những con em cán bộ hoặc thành phần tin cậy ra nước ngoài học tập để sau này trở về xây dựng Tổ quốc với kỳ vọng họ sẽ là “những hạt giống đỏ" của đất nước trong tương lai.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc diễn văn tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng ở Thủ đô Hà Nội. Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc diễn văn tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng ở Thủ đô Hà Nội. Ảnh tư liệu.

Nhưng ít ai có thể ngờ rằng, tập thể Bộ Chính trị chỉ với 11 Ủy viên chính thức và 2 Ủy viên dự khuyết đã làm được quá nhiều công việc trọng đại mà Tổ quốc trao cho ấy, nhìn chung, lại có bằng cấp học vấn không hề cao. Chỉ với vài ba vị có trình độ là cao đẳng như cố Tổng Bí thư Trường Chinh, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cố Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp,... vậy mà các bậc tiền bối trong tập thể Bộ Chính trị ngày ấy, với người đứng đầu sáng suốt là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã kết thành một trí tuệ tập thể để vượt qua mọi thử thách. Họ đã tỏ rõ bản lĩnh phi thường, đầy chất trí tuệ, lãnh đạo đất nước Việt Nam đi từ thắng lợi vang dội này đến thắng lợi hiển hách khác. 

Việc hạn chế về bằng cấp, học vấn trong bộ máy lãnh đạo một thời kỳ là do có những khó khăn khách quan, đến một lúc nào đó rồi sẽ bộc lộ điểm yếu. Đặc biệt, khi chúng ta chuyển sang thời bình khi mà việc lãnh đạo đất nước chủ yếu là đề ra đường lối, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, xã hội.

Vì thế, học vấn lúc này là rất cần thiết, đúng như những gì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn nhận và một khi có điều kiện thì cũng cần khắc phục. Thế nhưng liệu có nên xem tiêu chí bằng cấp là trọng yếu để rồi vô tình gây ra một phong trào đua nhau đăng ký đi học để có bằng cấp cao, hy vọng nhờ đó mà được bổ nhiệm, đề bạt hay không? Nhiều khi người ta “chạy" chí chết để mong có một tấm bằng, khi thì là bằng tiến sĩ, khi là thạc sĩ, khi là cử nhân,... nhưng thực tế thì chất lượng bằng cấp lại rất có vấn đề. Tôi không suy diễn và phủ nhận sạch trơn bởi đã từng có những nhà khoa học tài ba, trở thành giáo sư, tiến sĩ thực tài cũng do tự học là chủ yếu. Công trình khoa học để lại cho đời là minh chứng cụ thể cho tinh thần ham học hỏi, say mê cống hiến của họ.

Một người lãnh đạo, với thực tiễn công tác sâu rộng, gồm cả những thành công và thất bại, có thể hun đúc nên được một sức làm việc, một khả năng lãnh đạo đặc biệt mà không trường lớp nào đạo tạo ra được. Nó hơn hẳn so với những người tuy có học vị cao nhưng thiếu thực tiễn công tác, ở đây mới chỉ xét riêng tầm quan trọng của thực tiễn. 

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt có thể được xem như một mẫu mực điển hình của nghị lực, trí tuệ và tài năng xuất sắc trong cương vị lãnh đạo đất nước, rất đáng kính phục, tuy ông không được đào tạo trường lớp bao nhiêu.

Tiếc rằng hiện nay do tư tưởng chạy theo bằng cấp, chúng ta lại đang có dư tiến sĩ trong bộ máy công quyền và nói rộng ra là trong toàn bộ hệ thống chính trị. Đến như cán bộ ở tuyến quận, huyện... mà cũng đầy tiến sĩ, thạc sĩ thì quả là không ổn và không cần thiết. Nhất là họ đi học bằng tiền ngân sách và giờ đi học là giờ làm việc của công chức viên chức nhà nước.

Trong khi đó, tại các trường đại học, học viện thì lại đang rất thiếu tiến sĩ làm công tác giảng dạy và nghiên cứu. 

Hiện nay, theo người viết tìm hiểu, trong hệ thống các trường đại học của ta cũng chưa có được chục ngàn tiến sĩ; với số sinh viên và dân số Việt Nam ta sẽ có vào năm 2020 thì để đạt mục tiêu 35% giảng viên đại học đạt trình độ tiến sĩ, ta sẽ cần tới 63.000 tiến sĩ. Con số rất lớn này ngay cả khi có đạt được thì cũng mới chỉ bằng 40% con số trong mục tiêu của Nghị quyết Chính phủ.

Như vậy, phải chăng là vừa thừa mà lại vừa thiếu nhân lực có bằng cấp cao?

Xã hội trọng bằng cấp đã gây ra hàng loạt vấn đề nhức nhối như: mua bán bằng giả, chạy chọt trong thi cử để có tấm bằng chính quy loại khá, giỏi. Ảnh minh họa trên giaoduc.net
Xã hội trọng bằng cấp đã gây ra hàng loạt vấn đề nhức nhối như: mua bán bằng giả, chạy chọt trong thi cử để có tấm bằng chính quy loại khá, giỏi. Hình minh họa trên báo Giáo dục.

Bệnh “chạy” bằng cấp mấy mươi năm nay cũng từ đó mà nảy sinh để rồi không biết bao nhiêu công chức, viên chức bị “ăn đòn”do bằng giả, do tệ nạn "bằng thật nhưng học giả” nhan nhản, kỷ luật mãi không hết do chưa bị lộ. Và biết bao người tài năng bị bật khỏi cuộc chơi cũng là vì thế!  

Chúng ta thử hình dung, đất nước này, thành quả mà chúng ta có được như hôm nay rồi sẽ ra sao nếu trong bộ máy lãnh đạo các cấp vẫn để lọt lưới người “học giả bằng thật” cũng như người làm bằng giả thật sự để chui sâu, leo cao ?

Thật là nguy hiểm biết bao cho đất nước nếu chúng ta không “vạch lá tìm sâu” mỗi kỳ rà soát nhân sự cho Đại hội các cấp.

Chúng ta hẳn chưa quên, cách nay khoảng 1 năm, Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội đã khám phá một "xưởng" sản xuất văn bằng giả mà thấy hãi hùng bởi tính chất và quy mô của nó. Kết quả điều tra ban đầu xác định, ngay từ năm 2015, “xưởng” này với nhiều trang thiết bị đã sản xuất các loại giấy tờ giả tại quận Hà Đông rồi giao cho mạng lưới tiêu thụ, có quảng cáo rất công khai trên mạng xã hội. 

Theo cáo trạng, nhóm này đem bán mỗi bộ hồ sơ, giấy tờ giả với giá từ 500.000 đồng đến 25 triệu đồng tùy loại. Khi Công an đột kích, đã phát hiện ra có khoảng 2.000 phôi bằng thạc sĩ, 3.000 phôi bằng đại học, 5.000 các loại giấy tờ khác, tất cả đều giả mà trông đều như thật!

Rồi thêm một vụ cũng tày đình không kém nhưng ở phương diện khác. Đó là vụ ông Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Đô, Hà Nội kinh doanh bằng thật bán cho sinh viên giả. Với cách gian lận này thì tổ chức nào mà lần ra được những ai học giả đã lọt được vào cơ quan nhà nước (?!).

Trường này được biết còn tổ chức dịch vụ đào tạo văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh theo mô hình liên kết.

Vậy là học thì “giả” nhưng có bằng “thật”. Còn cái chuyện xưởng sản xuất nêu ở trên thì lại là ”bằng giả" bán cho người thật. Cả hai đều vô cùng nguy hiểm cho xã hội chúng ta. 

Tôi còn nhớ, khoảng 20 năm trước, ở một trường đại học có gửi đơn tố cáo một ông thứ trưởng nọ từng học ở trường này vào giữa nhưng năm 90. Tuy ông có bằng đại học thật nhưng không đi thi mà do có người khác thi hộ. Thời điểm đó, Đại hội đã cận kề, các cơ quan đã xem xét nhưng rồi vẫn không kết luận có hay không. Họ cho rằng “chưa có cơ sở để kết luận đồng chí Y có thi hay không để đối chiếu chữ vì hiện bài thi của trường đã hủy, không còn lưu" (!!!). 

Và thế là tất cả đành phải tôn trọng kết luận thanh tra, không làm khác được. 

Có nên sàng lọc nhân sự Đại hội bắt đầu từ khâu bằng cấp? ảnh 3

“Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy phiếu bầu, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội..., trong đó có cả cán bộ cấp cao, tuy đã được ngăn chặn nhưng vẫn chưa hoàn toàn bị đẩy lùi. Làm việc gì, giữ chức vụ gì cũng chỉ tính đến lợi quyền, bổng lộc cho cá nhân mình, gia đình mình trước nhất, quên cả thanh liêm, danh dự”

Trích bài viết Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng, ngày 26/4/2020 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Liệu có nên chăng trong dịp này chúng ta cho kiểm tra tất cả các ứng cử viên được giới thiệu vào BCH Trung ương Đảng (và cả cấp ủy viên BCH Tỉnh ủy, Thành ủy) có bằng tiến sĩ, thạc sĩ? Họ đã học chuyên ngành gì? Học lúc nào? Ai cấp bằng? Ngoại ngữ khả năng thực tế ra sao? v.v.

Qua đó, ai xứng đáng thì đưa vào danh sách. Ai có bằng cấp “dỏm” xin đề nghị loại ngay và xử lý kỷ luật nặng. Lâu nay chúng ta có kỷ luật nhưng vẫn rất nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Lẽ ra là phải khai trừ Đảng và cách hết các chức vụ vì tội thiếu trung thực, làm ảnh  hưởng tới sức chiến đấu của Đảng.

Tôi hy vọng và tin tưởng, nếu như Đảng ra một Chỉ thị như vậy thì chắc chắn rất nhiều người sẽ tự bỏ cuộc đua. Đảng ta lúc đó sẽ “thực sự là trí tuệ, là văn minh”, đúng như lời của Bác Hồ từng nói từ năm 1960, khi tổ chức Đại hội Đảng lần thứ 3, mặc dù ngày đó, như đã nêu bên trên, trong Đảng còn rất thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn được đào tạo bài bản.

Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu từng dạy: "Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó". Người có bằng cấp gian dối, thiếu trung thực thì lại càng thiếu cả đức lẫn tài. Và như vậy, nếu thiếu kiểm tra, thiếu giám sát, rồi sơ sảy để “cờ đến tay" họ thì quả là tai họa cho Dân tộc, cho chế độ .

Muôn nghìn kiểu "chạy" thời nay

"Chạy” trong dụng pháp ngôn ngữ đương đại ở nước ta, có lẽ khác xa với trong thời kỳ cổ và cận đại, đã trở thành một động từ kỳ ảo, tham gia vào rất nhiều những từ tổ với những nét nghĩa mới lạ. Mô hình của từ tổ là "chạy X" trong đó X là từ hoặc cụm từ chỉ đích đến (như trong chạy chức, chạy điểm thi, chạy nâng hạng) hoặc là thứ phải tránh xa (chạy dịch, chạy án, chạy xuống hạng).

Gần một thế kỷ trước, từ "chạy" thường chỉ dừng lại ở chuyện đại loại như chạy nắng, chạy mưa, chạy giặc ,chạy lũ, chạy ăn, chạy chợ, chạy tang và ở khía cạnh chính trị thì đó là chuyện "chạy cửa quan",... Giờ đây, nó phong phú gấp cả trăm lần, được dùng để diễn đạt những nét nghĩa mới, khái niệm mới và xuất hiện ngày càng nhiều. Có lẽ đã có đến cả trăm loại "chạy". Thường có những sắc thái của thể chế chính trị, của hành chính sự vụ bên trong mỗi loại "chạy". Kiểu từ ghép có "chạy" làm trung tâm này rất phong phú, diễn tả nhiều kiểu ý nghĩa, phục vụ cho nhiêu mục đích khác nhau của người nói, nhiều khi rất sâu cay.

Nhiều lúc, tôi cứ nghĩ, hình như xã hội bây giờ cái gì cũng đều "chạy" cả thì phải, nào là chạy giấy khai sinh, chạy hộ khẩu, chạy tăng/giảm tuổi, rồi nào là chạy hộ nghèo, chạy việc, chạy chức, chạy huân chương, chạy khen thưởng, chạy được công nhận di tích, chạy nâng lương, chạy nâng ngạch, bậc; nào là chạy kỷ luật, chạy án, chạy tội; nào là chạy điểm, chạy trường, chạy thầy; nào là chạy dự án, chạy thầu; nào là chạy phiếu tín nhiệm, chạy học vị, học hàm, chạy bằng cấp; nào là chạy kíp mổ, chạy bệnh viện và rồi... chạy chỗ an táng cho đúng ý mình muốn; rồi thì cả chạy vào Hội đồng nhân dân (các cấp), chạy vào chấp hành (các loại), v.v. và v.v. 

Tóm lại, từ lúc chuẩn bị sinh cho đến lúc từ giã cõi đời. Có nhiều, rất nhiều công đoạn chạy. Nếu không "chạy" là dễ không xong!