Quốc Phong
Quốc Phong

Nhà báo

Chuyện xuất khẩu gạo và cái công văn 4 ngày 3 đêm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes -- Ở giai đoạn căng thẳng nhất của cuộc chiến "chống dịch như chống giặc" mà một chiếc công văn chuyển từ nơi này qua nơi khác, trên một cung đường chưa đến chục ki lô mét, nhưng phải mất tới 4 ngày 3 đêm. Phi lý, nhưng là chuyện có thật ở cái thời buổi ai cũng hô hào đẩy mạnh cách mạng 4.0.

Thủ tướng Chính phủ  Nguyễn Xuân Phúc, với cương vị Tổng tư lệnh Cuộc chiến chống đại dịch Sars CoV2, đã hơn một lần nhắc đến câu nói "Chống dịch như chống giặc". Muốn chiến thắng thì cả hệ thống chính trị của chúng ta đều phải vào cuộc".

Điều đó là hoàn toàn chính xác. Cung cách điều hành trên Tổng hành dinh của Chính phủ thì rất nhanh, thế nhưng khi xuống tới các bộ thuộc Chính phủ thì xem ra đã rất khác và chậm chạp đến bất ngờ.

Chỉ một công văn trao đổi chuyện xuất khẩu gạo giữa 2 bộ Công Thương và Tài chính, mà 2 bộ đều nằm trong nội thành Hà Nội, vậy mà nó đã đi tới 4 ngày, còn hơn cả người ta đi tàu hỏa  Bắc- Nam, từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh (!), thì quả thật không một ai hiểu nổi. 

Một chiếc công văn "đi" 4 ngày 3 đêm được... 9,5 km.
Một chiếc công văn "đi" 4 ngày 3 đêm được... 9,5 km.

Báo điện tử VietNamnet ra hôm 17/4 có hé lộ một phần “hậu trường” hạn ngạch xuất khẩu gạo rất đáng quan tâm. 

Theo đó, ngày 17/4, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) đã thông tin công khai đề cập đến những vấn đề sau khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về cung cầu, dự trữ, xuất khẩu gạo vào ngày 25/3.

Tổng cục Hải quan cho biết: sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã làm việc với các đơn vị, trong đó có thành viên là Bộ Tài chính. Tuy nhiên thời gian cuộc họp chỉ có nửa ngày nên Tổng cục Hải quan cho rằng “chưa thể đánh giá được tổng thể nguồn cung và tình hình xuất khẩu gạo theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Sự việc những ngày tiếp theo đó, có một số chi tiết rất đáng chú ý mà báo chí đã đăng tải. Đó là việc Bộ Tài chính đề xuất hai phương án xuất gạo: Phương án 1, giao Hiệp hội Lương thực Việt Nam phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu giữa các doanh nghiệp có sự giám sát của Bộ Công Thương; Phương án 2, giao Bộ Công Thương phân bổ hạn ngạch xuất khẩu gạo trong điều kiện dịch bệnh Covid-19.

Tuy nhiên, Tổng cục Hải quan cho hay các ý kiến trên không được Bộ Công Thương tiếp thu.

Và tiếp đó, liên quan đến việc mở tờ khai với hạn ngạch 400 nghìn tấn gạo theo yêu cầu của Bộ Công Thương vào ngày 10/4, Tổng cục Hải quan cho biết: Dù văn bản của Bộ Công Thương phát đi ngày 10/4 có hiệu lực kể từ 0h ngày 11/4, nhưng đến thời điểm đó, cơ quan này vẫn chưa nhận được bản chính thức từ Bộ Công Thương. Đến 9h30 sáng 11/4 Tổng cục Hải quan mới nhận được bản chụp do Bộ Công Thương gửi qua thư điện tử và bản chính thức vào ngày 13/4.

Có câu hỏi tôi muốn đặt ra như sau: Coi trên bản đồ Hà Nội mà “Cụ Gúc gồ mép" (Google map) cho biết thì trụ sở Bộ Công Thương đặt tại 54 Phố Hai Bà Trưng, còn trụ sở Bộ Tài Chính thì đặt tại số 28 Trần Hưng Đạo (cùng quận Hoàn Kiếm) cách nhau khoảng trên dưới  1km. Riêng Tổng cục Hải quan (cấp dưới của Bộ Tài chính) thì đặt tại đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, tuy xa hơn một chút, nhưng từ bộ Công Thương mà đến Tổng cục Hải quan cũng chỉ khoảng trên  8,5 km. Từ bộ Tài chính -“ông bố" mà xuống Tổng cục Hải quan -“ông con” thì cũng cách nhau khoảng trên  9,5  km.  

Nói tóm lại, nếu văn thư  có đi ô tô thì cũng chỉ 22-23 phút. Ấy là tôi nói khi đường bình thường như trước đây, Chứ nếu thông thoáng, vắng lặng như mấy ngày cả nước thực hiện chỉ thị giãn cách xã hội của Thủ tướng  thì chắc chỉ 15 phút xe công vụ chạy diện "Hỏa tốc “.

Điều này phải chăng đã ít nhiều nói lên sự trì trệ của bộ máy công quyền hiện nay ra sao, dù nghe thì rất kêu mỗi khi đề cập đến công nghệ 4.0, đến chính quyền điện tử... Nghĩ mà thấy cám cảnh cho cuộc chiến chống đại dịch đang có gì đó bất ổn .

Vì thế tôi càng thêm hoài nghi về sự năng động và công tâm của mấy bộ, ngành nói trên trong chuyện họ cho mở tờ khai Hải quan xuất khẩu gạo lúc 0h ngày 12/4 (ngày cuối tuần), khi mà mọi ông chủ doanh nghiệp còn đang say trong giấc nồng chờ đến ngày 13/4 lấy sức nghe tin lành /dữ sắp đến với mình. Không lẽ một công văn trao đổi công việc khẩn như vậy mà chỉ quãng đường chục km nhưng đi những 4 ngày 3 đêm mới đến được nơi cần đến là sao ?