Quốc Phong
Quốc Phong

Nhà báo

Những “con quạ đen” làm xấu ngành Y

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes -- Càng cảm phục đội ngũ các thầy thuốc đang ngày đêm gồng mình cứu chữa các bệnh nhân bị bệnh CoVid-19 trong suốt mấy tháng vừa qua bao nhiêu, chúng ta càng căm phẫn bấy nhiêu mấy “con quạ đen” tại CDC Hà Nội vừa bị pháp luật khởi tố và bắt tạm giam vì nâng khống nhiều lần giá mua máy xét nghiệm mà kẻ đứng đầu là giám đốc Nguyễn Nhật Cảm.

Họ đã vi phạm vào y đức, xúc phạm nghiêm trọng người trong ngành y và làm hoen ố hình ảnh đang đẹp đẽ biết bao của toàn thể đội ngũ giáo sư, bác sĩ, y tá và nhân viên ngành y tế nước nhà lúc này. 

Việc “đục nước béo cò” rất thất đức và vô cảm của những người này rất đáng bị xã hội lên án. 

Hệ thống máy xét nghiệm này, theo xác minh, khi nhập về Việt Nam, nó chỉ có giá 2,3 tỷ đồng. Vậy mà họ “làm xiếc” qua tay nhiều công ty theo một “phác đồ nâng giá” để rồi mua về theo lối chỉ định thầu với “giá trên trời” những 7 tỷ đồng. 

Quả  thật, không ai có thể hình dung nổi cho dù chúng ta có trí tưởng tượng phong phú đến mấy.

Ngày 22.4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với 7 cán bộ thuộc CDC Hà Nội và các đơn vị liên quan về hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại khoản 3, Điều 222, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Ngày 22.4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với 7 cán bộ thuộc CDC Hà Nội và các đơn vị liên quan về hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại khoản 3, Điều 222, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. 

Tôi cứ bùi ngùi mãi khi tối 25/4, trên Chương trình VTV kết nối có đưa hình ảnh nữ tiến sĩ, bác sĩ Trần Hải Ninh, Phó chủ nhiệm Khoa Virus ký sinh trùng, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương kể chuyện mà không khỏi nghẹn lòng. 

Chị kể rằng tại bệnh viện của chị có một cặp vợ chồng trẻ, họ cùng làm nghề điều dưỡng viên. Họ có 2 đứa con nhỏ, nhà trọ thì không chấp nhận cho họ thuê tiếp nữa (vì lý do nào đó không tiện nói rõ).Thế nên anh chị phải gửi con về quê nhờ ông bà trông hộ.

Tôi nghe mà rớt nước mắt. Chị Hải Ninh lúc kể không chỉ rơm rớm nước mắt mà đã bật khóc vì chị xúc động đến mức không kìm nổi . 

Đôi vợ chồng điều dưỡng viên trẻ tên Toàn - Thủy còn kể thêm, rằng họ tuy có nhớ nhau nhưng cũng đành chịu vì làm khác khoa nên cũng có yêu cầu cách ly. Thế cho nên họ chỉ còn cách gọi điện cho nhau. Anh gọi: “Vợ ơi, nhớ quá, ra  ngoài cửa sổ cho chồng nhìn một cái nào!”

Anh Toàn thì thật thà kể, 1 ngày anh trực là 12 tiếng. Vì vậy nên cứ xong việc, vì rất mệt mỏi nên nằm lăn ra ngủ chứ cũng không còn nghĩ đến chuyện hỏi thăm vợ. Thế rồi lâu cũng thành quen và chỉ còn cách như vậy mỗi khi nhớ đến nhau.

Đối với người dân lúc này cũng vậy. Tôi không hiểu mấy “con quạ đen” kia họ có khi nào nghe đến chuyện có cụ già gần trăm tuổi, này ngày ngồi may từng chiếc khẩu trang rồi đem đến Hội phụ nữ phường để tặng người khó khăn; có biết cảnh cụ già 103  tuổi mang túi trứng đi tặng các chiến sĩ quân đội để các anh bồi dưỡng trong phục vụ phòng chống dịch; có tường cảnh một cháu bé mang 20 ngàn đồng đi góp quỹ phòng chống dịch; có tường cảnh 5 cụ già tuổi đều ngoài tám mươi đang sống đạm bạc trong một trại bảo trợ xã hội. Họ mang gần hết số tiền các cụ tích cóp 28 triệu ra ủng hộ địa phương mà có lẽ, các cụ đã nghĩ rằng mình cho đi là để còn mãi.

Họ đã nghĩ sao về tất cả những câu chuyện này để dám làm những điều này nhỉ!

Có ít giúp ít, có nhiều giúp nhiều, tất cả đều thật cảm động khi người dân rất tin và trông cậy vào y đức của người thầy thuốc Việt Nam hơn lúc nào hết .

Và câu chuyện có lẽ đã tạo nên nguồn cảm hứng để giúp người thầy thuốc chiến đấu và chiến thắng dịch bệnh, phải kể đến việc có một chuỗi cà phê tại Hà Nội đã dành tặng mỗi ngày hơn 300 ly cà phê tới nhân viên, các bác sĩ, điều dưỡng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

Các bác sĩ Khoa Chống độc ôm mặt khóc khi bệnh viện kết thúc cách ly. 14 ngày qua họ đã phải xa gia đình, vừa phải chiến đấu với dịch bệnh vừa chăm sóc bệnh nhân.
Các bác sĩ Khoa Chống độc ôm mặt khóc khi bệnh viện kết thúc cách ly. 14 ngày qua họ đã phải xa gia đình, vừa phải chiến đấu với dịch bệnh vừa chăm sóc bệnh nhân.

Với tổng số 10.000 ly cà phê mà họ đã gửi đi ấy, điều đặc biệt ở chỗ trên mỗi ly lại được dán một lời nhắn nhủ đầy yêu thương đến với người được tặng.

Hàng nghìn lời nhắn yêu thương đã được khách hàng của quán tự tay ghi: "Các bác sĩ hãy cố gắng chiến thắng dịch bệnh và sớm trở về nhà nhé! ", "Rất khâm phục và yêu quý các anh chị", “Các bác sĩ hãy cố lên!”

Tôi được biết, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn vừa ký văn bản thông báo khẩn của Bộ gửi các sở, ngành y tế và bệnh viện trực thuộc trong toàn quốc, yêu cầu báo cáo nhanh toàn bộ việc ký hợp đồng tại các đơn vị mua thiết bị xét nghiệm tự động Realtime PCR của hãng Quiagen, Đức trong thời gian vừa qua. 

Đây là một chỉ đạo cần thiết để sớm truy xét và ngăn ngừa những tiêu cực tiếp theo có thể xảy ra trên mọi tỉnh, thành, ngành của cả nước lúc đại dịch hoành hành.

Tất cả mọi người dân chúng ta chắc đều không muốn nghe tiếp những hiện tượng mua bán tương tự. Song, cũng chưa thể khẳng định có hay không khi còn quá sớm vì đến lúc này vẫn chưa có thông tin phản hồi. 

Quay trở lại chuyện của Hà Nội, ngoài  hệ thống xét nghiệm Realtime PCR, trong quyết định phê duyệt gói thầu mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 đợt 1 do ông Nhật Cảm ký còn có những trang thiết bị khác như: bình bơm tay của Đức (12 triệu đồng/chiếc), hệ thống đo thân nhiệt từ xa bằng camera hồng ngoại (1,5 tỷ đồng/bộ) v.v. Tổng chi phí của gói thầu này là hơn 30 tỷ đồng. 

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) hiện đang tiếp tục làm rõ hành vi câu kết, gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước.

Theo nguồn tin từ báo chí, ông giám đốc này từ năm 2018 đã bị tố nhiều sai phạm và đã gửi đơn lên nhiều cấp. Nào là từ khi giữ chức Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng (Sở Y tế Hà Nội), ông Cảm đã bị cán bộ, viên chức trong cơ quan tố cáo sai phạm, có nhiều khoản thu nhập bất thường. Theo đó, đơn tố cáo nêu đích danh ông Cảm có sai phạm trong chi trả tiền lương và hưởng tiền lương quá cao so với quy định của pháp luật.

Cụ thể, năm 2017, tổng lương mà ông Cảm được hưởng là hơn 1 tỷ đồng/năm, gấp 5 lần tổng lương của Phó giám đốc; gấp 12 lần lương của bác sĩ (hạng 2) chuẩn bị về hưu, gấp 29,5 lần lương viên chức đại học... Nhưng đó cũng mới chỉ là nguồn thu công khai, còn nhiều khoản thu nhập khác được cho là rất lớn. Ví dụ như ông ta bị tố đã từng chỉ đạo cấp dưới xé nhỏ các gói thầu để trục lợi cá nhân.

Ngoài ra, ông Cảm cũng bị tố cáo có "lợi ích nhóm" khi phân phối nguồn thu nhập không công bằng; nâng đỡ người nhà, con cháu vào làm việc tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội.

Đơn tố cáo còn nêu việc ông Cảm ưu ái, nâng đỡ một cán bộ, giới thiệu kết nạp Đảng, bổ nhiệm làm cấp trưởng phòng, nhưng vị cán bộ này từng bị tố cáo có tiền án tiền sự, làm thất thoát tài sản nhà nước nhiều tỷ đồng trong mua bán, đấu thầu.

Các đơn thư tố cáo này đã được gửi tới Sở Y tế, UBND TP Hà Nội. Vậy thì việc này Hà Nội đã biết chưa? Hay cũng do từ những lá đơn cũ đó cùng với những biểu hiện tiêu cực mới đã khiến thành phố Hà Nội để mắt ? 

Vụ án đang được khẩn trương điều tra và sớm đưa ra xét xử. Họ bị khởi tố là theo điều 222, Bộ luật Hình sự. Đó là tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, với khung hình phạt từ 5 đến 20 năm tù.

Tôi thì nghĩ, có thể đó là đối với thời bình. Còn hiện tại, nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng hơn một lần nhấn mạnh, “Chống dịch như chống giặc”. Vậy thì nó cũng đồng nghĩa đất nước ta hiện nay trong tình trạng thời chiến. Một hành vi không đeo khẩu trang bị nhắc nhưng lại còn chống người thi hành công vụ mà đã có người phạt tù 1 năm; một tốp thanh niên Hà Nội rủ nhau đua xe máy ngay trong 15 ngày quy định cả nước thực hiện giãn cách xã hội mà cũng phạt tù giam 8 tháng, thấp thì tù treo...đều đã cho thấy pháp luật thực thi trong thời chiến là rất cần thiết và nghiêm minh. 

Hồi kháng chiến chống Pháp, vào thời điểm chiến trận cam go, phức tạp, đại tá Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục Quân nhu,ăn chơi sa đọa nên đã tham ô tài sản quân đội, ăn bớt tiền may áo trấn thủ cho bộ đội khiến áo không đủ ấm là hành vi bất nhẫn, vô đạo đức. Ông ta còn ăn bớt đủ thứ khiến trang thiết bị y tế, nhu yếu phẩm của cán bộ chiến sĩ đã thiếu lại thiếu thêm. 

Ngày đó, cấp hàm đại tá như ông ta cũng đâu nhiều nhặn gì, vậy mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn không thể cầm lòng rồi đặt bút ký y án tử hình, dứt khoát không chấp nhận kháng án. Bác Hồ khi ký cũng đau xót lắm nhưng chiến tranh thì phải vậy, không thể khác !

Vì thế, trong thời điểm rất khó khăn về mọi mặt như lúc này, khi kinh tế nước nhà suy giảm chưa từng thấy, số người thất nghiệp dự kiến là rất lớn, khi mà nhà nước có nhiều nặng gánh phải lo toan...thì pháp luật cũng nên xem xét tình tiết tăng nặng đối với sai phạm của nhóm tham ô, tham nhũng rất đáng lên án này. Tôi hy vọng vụ việc rồi sẽ được chuyển sang tội danh tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng khi Viện Kiểm sát ra cáo trạng để Tòa án xét xử. Có như vậy mới thỏa đáng. Có như vậy thì lòng dân mới yên.