Chuyên gia người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam phải xét nghiệm COVID-19 đủ 3 lần khi cách ly

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trước tình hình nhiều ca mắc COVID-19 mới đều là các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam, Bộ Y tế đã ban hành quy trình mới nhất về nhập cảnh, giám sát, cách ly y tế để phòng COVID-19.
Bộ Y tế tập huấn về phần mềm quản lý nhập cảnh để phòng, chống dịch COVID-19 (Ảnh: Minh Thuý)
Bộ Y tế tập huấn về phần mềm quản lý nhập cảnh để phòng, chống dịch COVID-19 (Ảnh: Minh Thuý)

Thông tin trên được TS. Hoàng Minh Đức – Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế - cho biết tại buổi tập huấn về phần mềm quản lý nhập cảnh để phòng, chống dịch COVID-19 do Bộ Y tế tổ chức vào sáng nay (29/10).

Quản lý chặt người nhập cảnh

Theo ông Đức, công dân Việt Nam và người nước ngoài là nhân thân (cha, mẹ, vợ, chồng, con) của công dân Việt Nam trước khi lên máy bay phải có hộ chiếu hợp lệ; giấy chấp thuận nhập cảnh (đối với người nước ngoài) do cơ quan có thẩm quyền cấp; có giấy xác nhận âm tính với virus SARS-CoV-2 do cơ quan có thẩm quyền cấp trước khi khởi hành 3-5 ngày; đăng ký, có xác nhận tiếp nhận của cơ sở cách ly tại khách sạn và dịch vụ đưa đón; khai báo y tế điện tử trong 12 giờ trước khi khởi hành, cài đặt ứng dụng Vietnam Health Declaration và Bluezone.

Khi trên máy bay, hành khách phải đeo khẩu trang và tuân thủ hướng dẫn phòng, chống lây nhiễm. Công dân Việt Nam và người nước ngoài là nhân thân của công dân Việt Nam sẽ phải cách ly tập trung tối thiểu 14 ngày; lấy mẫu xét nghiệm lần 2 vào ngày thứ 14 kể từ khi nhập cảnh.

Các điểm cầu ở Sở Y tế các tỉnh, thành phố tham gia buổi tập huấn (Ảnh: Minh Thuý)

Các điểm cầu ở Sở Y tế các tỉnh, thành phố tham gia buổi tập huấn (Ảnh: Minh Thuý)

Ông Đức cho hay, người nước ngoài là chuyên gia, nhà đầu tư, quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao và thân nhân trước khi lên máy bay phải có hộ chiếu hợp lệ; có giấy chấp thuận nhập cảnh do cơ quan có thẩm quyền cấp; giấy xác nhận âm tính với virus SARS-CoV-2; có BHYT hoặc cam kết chi trả chi phí trong trường hợp mắc COVID-19; đăng ký, có xác nhận tiếp nhận của cơ sở cách ly tại khách sạn và dịch vụ đưa đón; khai báo y tế điện tử trong 12 giờ trước khi khởi hành.

Các chuyên gia khi nhập cảnh vào nước ta sẽ cách ly tập trung 7 ngày đầu tiên ở khách sạn, được lấy mẫu xét nghiệm 2 lần (ngày thứ 2 và ngày thứ 6). Trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 ở mẫu bệnh phẩm lấy vào ngày thứ 6 sẽ được cách ly tại nơi lưu trú. Tại nơi lưu trú, chuyên gia, người lao động sẽ được lấy xét nghiệm lần thứ 3 vào ngày thứ 14 kể từ khi nhập cảnh.

Đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích ngoại giao, công vụ, làm việc từ 14 ngày trở lên; chuyên gia nước ngoài và người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích ngoại giao, công vụ, làm việc ngắn ngày (dưới 14 ngày) sẽ được cách ly tại nhà, nơi lưu trú (do doanh nghiệp, khách sạn thu xếp) đủ 14 ngày. Trong quá trình cách ly, người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích ngoại giao phải đeo khẩu trang, phòng, chống lây nhiễm tại khu cách ly; lấy mẫu xét nghiệm 2 lần vào ngày đầu và ngày thứ 14. Còn chuyên gia nước ngoài và người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích ngoại giao, công vụ, làm việc ngắn ngày (dưới 14 ngày) sẽ được lấy mẫu xét nghiệm trong ngày đầu tiên cách ly. Sau đó, cứ 3 ngày lấy mẫu xét nghiệm 1 lần.

Tăng cường triển khai phần mềm quản lý nhập cảnh

Chia sẻ về phần mềm quản lý nhập cảnh, ông Lưu Thế Anh – phụ trách các sản phẩm Y tế, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel – cho hay: Từ tháng 3, phần mềm đã được triển khai. Đến nay đã có 4 buổi đào tạo. Sau khi Cục Y tế Dự phòng ban hành quy trình mới nhất về kiểm soát người nhập cảnh, Viettel đã điều chỉnh hệ thống tờ khai y tế phù hợp với các đối tượng là người nhập cảnh, công an xã, cửa khẩu, đơn vị y tế các tuyến, cơ sở cách ly và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) các tỉnh, thành phố.

Theo ông Thế Anh, phần mềm quản lý nhập cảnh đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc quản lý người nhập cảnh, từ khi khai báo y tế cho đến khi cách ly tại nơi cư trú hoặc xuất cảnh. Phần mềm không chỉ tăng cường theo dõi các đối tượng cách ly, phân công cho lực lượng công an giám sát mà còn kiểm tra ngẫu nhiên đối tượng cách ly bằng hệ thống gọi điện tự động.

Ông Lưu Thế Anh – Phụ trách các sản phẩm Y tế, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel (Ảnh: Minh Thuý)

Ông Lưu Thế Anh – Phụ trách các sản phẩm Y tế, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel (Ảnh: Minh Thuý)

Ngay từ khi mới triển khai, phần mềm đã được tích hợp mã QR CODE. Mã QR CODE sẽ tự động chuyển tới tờ khai y tế của mỗi người dân, được dán tại cửa ra vào lên máy bay của các cụm cảng hàng không quốc tế tại các nước để hành khách dễ nhận biết, nhân viên y tế có thể quét mã để lấy thông tin về tờ khai y tế của hành khách.

Trước đây, tại các khách sạn hầu hết mã QR CODE đều do nhân viên quét để đánh dấu hành khách đã lưu trú. Tuy nhiên, với phiên bản mới của phần mềm quản lý nhập cảnh, hành khách hoàn toàn có thể chủ động quét mã để xác nhận đã lưu trú ở khách sạn, quản lý thông tin cá nhân.

Về vấn đề quản lý kết quả xét nghiệm, ông Thế Anh chia sẻ: Khi đã có kết quả xét nghiệm, nhân viên y tế sẽ có 2 cách để cập nhật lên hệ thống, đó là scan mã phiếu hoặc quét mã QR CODE.

Về tình hình triển khai phần mềm trên thực tế, ông Trần Văn Chung – Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội – cho biết: Thời gian qua TP. Hà Nội đã rà soát, nghiên cứu tờ khai y tế. Mỗi ngày Hà Nội có khoảng 1.000 người cách ly trên địa bàn thành phố. Để phòng, chống dịch hiệu quả, thành phô đã bố trí 15 khách sạn để thực hiện việc cách ly. Với phần mềm quản lý nhập cảnh, ông Chung đề nghị Viettel triển khai phần mềm đơn giản, sớm hoàn thiện để các đơn vị thực hiện, đặc biệt là các cán bộ tại trung tâm y tế xã.