Thực tế, không ít doanh nghiệp chạy theo phong trào, đầu tư vào chuyển đổi số khi không có xuất phát điểm đúng, dẫn đến thất bại. Đánh giá chung về quá trình chuyển đổi số cho các doanh nghiệp trong kỷ nguyên số, ông Nguyễn Kim Hùng – Phó Viện trưởng Viện Khoa học quản trị Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) – đã đưa ra nhận định trên. Theo ông Hùng, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, tuy nhiên nếu thực hiện không đúng cách sẽ gây “phản tác dụng”, thậm chí để lại hậu quả nặng nề cho doanh nghiệp. Vì vậy, việc xác định rõ lộ trình chiến lược chính là “xương sống” để chuyển đổi số thành công, nhất là các doanh nghiệp SMEs.
Nội dung trên được đề cập tại Hội thảo “Chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ”, nằm trong khuôn khổ ngày Chuyển đối số Việt Nam (DX Day Vietnam 2020). Chương trình do Hiệp hội Phần mềm và CNTT Việt Nam, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch Hà Nội, Cục Tin học hóa – Bộ TT&TT phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp SMEs Việt Nam tổ chức.
“Đừng ảo tưởng chuyển đổi số sẽ biến mình thành con rồng. Nhiều doanh nghiệp chuyển đổi số không sao, nhưng cũng có trường hợp chuyển đổi số lại gặp thất bại”, chuyên gia Nguyễn Kim Hùng chia sẻ |
Qua các nghiên cứu, Phó Viện trưởng Nguyễn Kim Hùng nhận thấy doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay đang gặp nhiều vấn đề không đáp ứng được cho quá trình chuyển đổi số. Cụ thể, hệ tư duy của nguồn nhân lực trong doanh nghiệp không đồng đều, dẫn đến tình trạng ứng dụng khó khăn khi chưa có sự đồng thuận giữa các bộ phận chức năng tại đơn vị. Diễn giả cho rằng, điều quan trọng nhất để khắc phục điều này là thay đổi nhận thức của toàn thể doanh nghiệp, bắt đầu từ tư duy của ông chủ.
Lấy dẫn chứng khi làm việc với các doanh nghiệp SMEss tại địa phương, ông Hùng nhận thấy bộ phận này còn gặp khó khăn nhiều hơn khi ứng dụng chuyển đổi số. Thực tế, nhiều doanh nghiệp chưa đồng bộ trình độ cho nhân viên, thậm chí từ những kỹ năng số cơ bản như word, excel, mindmap…
“Có những trường hợp ông chủ doanh nghiệp rất muốn chuyển đổi số nhưng nhân viên không hiểu, chưa được thay đổi tư duy, dẫn đến xảy ra tình trạng thực hiện chống đối” – ông cho hay.
Đồng thuận với dại diện Hiệp hội Doanh nghiệp SMEs, ông Đặng Thanh Hưng – Giám đốc Trung tâm CNTT VNPT đưa ra thêm một số thách thức đang hiện hữu đối với doanh nghiệp chuyển đổi số. Cụ thể, doanh nghiệp thời 4.0 phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt, thế hệ khách hàng với nhu cầu mới, đòi hỏi năng lực tư duy mới và các yếu tố không lường trước như thiên tai, dịch bệnh…
Chuyển đổi số đòi hỏi lộ trình nghiêm túc, tuyệt đối không làm theo phong trào
Xác định COVID-19 là một trong những cơ hội hiếm có để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số toàn diện, tuy nhiên Phó Viện trưởng Nguyễn Kim Hùng cho rằng các doanh nghiệp SME vẫn phải vạch ra mục tiêu cụ thể trước khi quyết định bước sang giai đoạn mới. Theo lộ trình xây dựng văn hóa - chiến lược số, cải tiến công nghệ, gắn kết khách hàng, phân tích và quản lý dữ liệu, ông Hùng khuyến nghị nên xuất phát từ thay đổi tư duy của ông chủ doanh nghiệp.
Khi có nhận thức rõ ràng về chuyển đổi số, người đứng đầu có thể hoạch định chiến lược theo nhu cầu, tình trạng, nhằm giải quyết vấn đề cụ thể của doanh nghiệp. Cụ thể, lãnh đạo sẽ đưa ra những phương án đào tạo kỹ năng cho cá nhân, đồng bộ quy trình, số hóa quy trình, sau đó áp dụng trên nền tảng số. Đối với doanh nghiệp tại các địa phương, các chương trình đào tạo trực tuyến chuyên biệt về kỹ năng, kỹ thuật số hóa quy trình cho nhân viên được coi là giải pháp trước mắt.
ông Nguyễn Kim Hùng tham luận tại Hội thảo “Chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ”, nằm trong khuôn khổ ngày Chuyển đối số Việt Nam (DX Day Vietnam 2020) |
Điều quan trọng nhất, ông Hùng cho rằng doanh nghiệp chỉ nên chuyển đổi số khi đã thực sự sẵn sàng. Khi đã xác định thời cơ và phân tích tiềm lực, các doanh nghiệp SMEs hoàn toàn có thể chuyển đổi số thành công theo lộ trình nghiêm túc.
“Muốn chuyển đổi số, muốn tận dụng được tất cả hướng dẫn, chính sách, minh bạch dữ liệu thì các doanh nghiệp phải xem xét rằng nguồn lực, chiến lược phát triển, con đường kinh doanh của mình đã sẵn sàng bước sang một giai đoạn mới hay chưa? Các doanh nghiệp cần tự mình trả lời câu hỏi đó. Nếu chưa, hãy quay về làm cho mình sẵn sàng rồi sau đó mới tính đến triển khai lộ trình chuyển đổi số” – ông Hùng khuyến nghị.
Nhìn chung, chuyển đổi số là chìa khóa, cơ hội lớn để bước vào kỷ nguyên số, chi phí và công cụ thực sự không phải là vấn đề. Đây là cả một quá trình dài, phải xuất phát từ tư duy, nhận thức của chính lãnh đạo và đội ngũ nhân viên trong doanh nghiệp cũng như đảm bảo thực hiện xuyên suốt, đồng bộ. Lấy con người làm gốc, xây dựng chiến lược phù hợp tiềm lực, tận dụng thời cơ và nắm bắt xu thế, doanh nghiệp SMEs hoàn toàn có thể tự tin chuyển đổi số thành công.