Công nghệ "vào cuộc" hỗ trợ xu hướng sản xuất xanh, tiêu dùng xanh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc

VietTimes –  Sản xuất xanh, tiêu dùng xanh được nhận định là tương lai của nền kinh tế nhưng còn gặp nhiều trở ngại, đòi hỏi các cơ quan, tổ chức và người dân cần nâng cao nhận thức, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để cùng nhau giải quyết bài toán này.

Tiêu dùng xanh đang dần thành một xu thế mới trong cộng đồng.
Tiêu dùng xanh đang dần thành một xu thế mới trong cộng đồng.

Tại Hội thảo "Người tiêu dùng hướng tới tiêu dùng xanh trong cộng đồng" diễn ra sáng nay (4/12) tại Hà Nội, các chuyên gia, diễn giả đã trình bày tham luận về những vấn đề, giải pháp liên quan đến xu hướng sản xuất – tiêu dùng xanh tại Việt Nam. Sự kiện do Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tổ chức, nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng và khuyến khích tiêu dùng xanh đến cộng đồng.

“Cũng như nhiều nước trên thế giới, tại Việt Nam, tiêu dùng xanh đang dần thành một xu thế mới và nhận thức của người tiêu dùng về tiêu dùng xanh, sản phẩm xanh cũng đã được nâng cao. Vì vậy, việc tăng cường triển khai và áp dụng các chính sách tiêu dùng xanh ở Việt Nam sẽ là một giải pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, hướng đến phát triển bền vững” - ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam – phát biểu.

Người tiêu dùng được phổ biến, nâng cao nhận thức về tiêu dùng xanh.

Người tiêu dùng được phổ biến, nâng cao nhận thức về tiêu dùng xanh.

Bên cạnh các nội dung phổ biến kiến thức và thực trạng sản xuất - tiêu dùng xanh, các chuyên gia cũng đưa ra những giải pháp, kinh nghiệm thúc đẩy xu hướng mới của nền kinh tế. Trao đổi với VietTimes, TS. Trần Văn Miều – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam – nhận định, Việt Nam hiện tại đang trong tình trạng sản xuất “nâu”, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học, gây ô nhiễm môi trường, suy thoái đất. Việc chuyển hướng sang sản xuất xanh được coi là giải pháp bền vững, có tiềm năng trở thành nền tảng phát triển kinh tế trong tương lai. Để làm được điều này, ông Miều đề xuất cần sớm ứng dụng những công nghệ tiên tiến để phát triển hệ sinh thái xanh, từ các khâu sản xuất, chế biến đến hoạt động bảo vệ môi trường.

“Tôi cho rằng, càng ứng dụng công nghệ nhiều bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu, bởi trong thời đại 4.0 hiện nay, không cập nhật khoa học – kỹ thuật, công nghệ tiên tiến sẽ khiến nền kinh tế trở nên lạc hậu. Từ nền sản xuất xanh, cộng đồng phải vận động nhau đi đến tiêu dùng xanh. Đây là xu hướng tiêu dùng thông thái, biết sử dụng những sản phẩm có lợi cho bản thân và không ảnh hưởng đến thế hệ sau, đó là tiêu dùng bền vững. Tôi cho rằng sản xuất xanh, tiêu dùng xanh chính là tương lai của chúng ta” – đại diện Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam khẳng định.

TS. Trần Văn Miều – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam.

TS. Trần Văn Miều – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam.

Đánh giá về những tác động đến môi trường hiện nay, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho biết, rác thải hiện nay là một trong những vấn đề bức xúc từ đô thị, nông thôn và các khu công nghiệp. Theo ông, sản xuất – tiêu dùng xanh là phải đi đôi với bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, ông nhận thấy còn nhiều bất cập trong quá trình thu gom, xử lý rác thải và sự ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của công nhân môi trường. Hướng đến tiêu dùng xanh, đại diện Hội đã đưa ra một số đề xuất về giải pháp bảo vệ môi trường trong sự vận hành của nền kinh tế.

“Trong thời đại chuyển đổi số mạnh mẽ, ứng dụng công nghệ, máy móc thay thế con người trong công việc nặng nhọc, vất vả, nguy hiểm như thu gom, xử lý rác sẽ là giải pháp tiềm năng của ngành môi trường. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, tìm hiểu những công nghệ hiện đại có thể biến rác thải thành năng lượng tái tạo, giảm nguy cơ gây hại cho môi trường” - Phó Chủ tịch Trần Văn Miều nêu ý kiến.

Thông qua những chia sẻ thiết thực, hội thảo góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của sản xuất – tiêu dùng xanh đối với môi trường và sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Theo đó, cộng đồng được trang bị những kiến thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm, thiết bị xanh để nâng cao độ an toàn, bảo vệ sức khỏe. Đồng thời, thông tin giúp các doanh nghiệp nắm được thực trạng, từ đó đưa ra sáng kiến phát triển các sản phẩm mới, thân thiện với môi trường.