Bà P.T.T. (51 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội) gần đây hay đi tiểu đêm, khó ngủ. Tới khám tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sáng 10/8, cô mới biết mình bị sỏi thận, sa bàng quang. “
Nghe nói bệnh này phải phẫu thuật nên tôi rất lo lắng, không muốn phải động tới dao, kéo trên cơ thể vì có nhiều bệnh nhân mổ xong mà bệnh không khỏi” – Cô T. chia sẻ.
Theo PGS.TS. Đỗ Trường Thành, các bệnh nhân có tâm lý hoang mang, lo lắng giống cô T. không hiếm gặp. Đây là hệ quả để lại khi bệnh nhân đã đi khám ở quá nhiều nơi, mỗi bác sĩ nói ở một phương diện khác nhau khiến cho họ hoang mang, không biết tin ai. Bên cạnh đó, tại một số bệnh viện, tay nghề phẫu thuật của bác sĩ còn chưa tốt nên có trường hợp gây biến chứng cho bệnh nhân, làm mất niềm tin vào bác sĩ.
“Chúng tôi thường tiếp nhận các bệnh nhân tới khám khi bệnh ở giai đoạn muộn, có các triệu chứng nặng. Họ cũng từng khám, chữa ở nhiều nơi nhưng không khỏi bệnh. Nhiều bệnh nhân rất sợ mổ, họ phàn nàn về việc phẫu thuật xong không khỏi bệnh, lo lắng liệu ca mổ có làm giảm chức năng sinh dục. Khi đó, họ cần được bác sĩ giải thích cặn kẽ, tâm sự, trấn an. Có như vậy, các bệnh nhân sẽ yên tâm hơn, tin tưởng bác sĩ điều trị” – PGS.TS. Đỗ Trường Thành nói.
Nhóm bệnh nhân đợi tới lượt siêu âm, thăm khám.
|
Tới khám trong buổi sáng 10/8, có bệnh nhân tâm sự phải kiêng đi đám ma, kiêng ăn nhiều khi mắc bệnh đường tiết niệu, thậm chí không dám ăn sáng trước khi khám, vì sợ làm sai lệch kết quả khám bệnh. Chia sẻ tâm sự này với bệnh nhân, PGS.TS. Đỗ Trường Thành cho rằng các bệnh nhân không nên quá lo lắng.
“Một số bệnh nhân sức khỏe yếu, khi đi đến đám hiếu có hương nhang hoặc các chất độc hại dễ mắc bệnh, vì vậy các bác sĩ khuyên họ kiêng đi đám ma, tránh ra gió để phòng bệnh. Đối với các bệnh nhân có sức đề kháng tốt, họ không nên kiêng cữ gì, chỉ cần chăm sóc sức khỏe cho tốt để điều trị bệnh” – PGS.TS. Đỗ Trường Thành giải đáp.
Bên cạnh đó, bác sĩ Thành cũng thông tin, việc chăm bổ sung can-xi cho cơ thể không gây sỏi thận như nhiều người vẫn nhầm tưởng. Nguyên nhân chủ yếu gây bệnh sỏi thận đến từ chế độ ăn uống và việc uống ít nước hàng ngày, hoặc tại một số địa phương có nhiều đá vôi như Ninh Bình, Phú Thọ, nguồn nước bị nhiễm các chất dễ gây sỏi thận nên nhiều người mắc bệnh.
"Bệnh xuất phát từ thói quen ăn uống, sinh hoạt, không phải do bị dị tật thận, bàng quang hay do ăn nhiều can-xi" - PGS.TS. Đỗ Trường Thành khẳng định.
Cuối cùng, PGS.TS. Đỗ Trường Thành cho biết, bệnh sỏi thận, tiết niệu tiến triển nhanh, đã có nhiều bệnh nhân chậm trễ không đi khám, chữa kịp thời nên bị hỏng chức năng thận, phải lọc máu. Vì vậy, ông cảnh báo người dân nên đi khám và điều trị bệnh sớm để tăng cơ hội khỏi bệnh.
Bên cạnh đó, để phòng bệnh, người dân hãy tìm hiểu và tuân thủ những chế độ ăn uống hợp lý. Ông gợi ý người dân nên tăng cường sử dụng các món ăn truyền thống của Việt Nam bởi các loại canh rau, lúa gạo giúp cho sức khỏe cơ thể dẻo dai, không mang lại các bệnh béo phì hay bệnh đường tim mạch, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.