Hải Phòng: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành Y tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Ngày 18/5, Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng, Sở Y tế Hải Phòng đã phối hợp tổ chức Hội thảo: “Ứng dụng chữ ký số, lưu trữ và liên thông điện tử trong chuyển đổi số về lĩnh vực Y tế thành phố Hải Phòng”.

Chuyển đổi số- nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

Hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến, kết nối rộng rãi tới hơn 270 điểm cầu tại các phòng, Trung tâm Y tế quận, huyện, các Trạm Y tế xã, phường trên địa bàn TP Hải Phòng.

Hội thảo là một trong những hoạt động nhằm thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS) sâu rộng ngành Y tế TP Hải Phòng. Qua đó, sẽ giúp các đơn vị thuộc lĩnh vực Y tế trên địa bàn TP triển khai CĐS của ngành theo tinh thần và yêu cầu trong Quyết định số 284 của UBND TP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 03 của Ban Thường vụ Thành uỷ về Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Vũ Đại Thắng – Phó Giám đốc Sở TT & TT TP cho biết, CĐS ngành Y tế là ứng dụng công nghệ thông tin một cách tổng thể và toàn diện, trong đó đặc biệt chú trọng tới các công nghệ số hiện đại, tạo sự thay đổi tích cực toàn bộ hoạt động y tế, từ quản trị, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Bên cạnh đó, đồng hành cùng ngành giáo dục và đào tạo, ngành Y tế có vai trò quan trọng trong thực hiện CĐS, thúc đẩy phát triển xã hội số...

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Vũ Đại Thắng phát biểu tại hội thảo.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Vũ Đại Thắng phát biểu tại hội thảo.

Hiện nay, ngành Y tế Hải Phòng có 100% các bệnh viện triển khai phần mềm Quản lý bệnh viện, kết nối dữ liệu liên thông với Cổng thông tin Giám định BHXH. Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng là 1 trong 10 bệnh viện đầu tiên toàn quốc triển khai Hồ sơ bệnh án điện tử. Hoàn thành việc kết nối dữ liệu 100% các cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn TP lên cổng thông tin dược quốc gia. 24/25 các cơ sở khám chữa bệnh đã phối hợp với các Ngân hàng trên địa bàn TP triển khai thanh toán thu viện phí không dùng tiền mặt (trừ Trung tâm Y tế quân dân Y Bạch Long Vĩ do chưa có chi nhánh tổ chức tín dụng và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán).

Theo Sở TT&TT, ngành Y tế Hải Phòng đã có những nền tảng cơ bản để thực hiện CĐS. Việc triển khai bệnh án điện tử cùng với triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử giúp cho ngành có được dữ liệu về sức khỏe của người dân đầy đủ, chính xác và kịp thời. Đây là cơ sở dữ liệu về sức khỏe rất lớn của ngành, giúp ngành y tế có các chỉ đạo kịp thời về phòng chống dịch bệnh nói riêng và có các dự báo, hoạch định chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân tốt hơn.

Bệnh án điện tử giúp người bệnh không phải lưu trữ tất cả loại giấy tờ khi đi khám bệnh, chữa bệnh, không phải lo lắng nếu làm mất kết quả xét nghiệm, dễ dàng so sánh từng chỉ số xét nghiệm, kết quả khám sức khỏe tổng quát định kỳ. Thông qua bệnh án điện tử việc truyền tải dữ liệu người bệnh giữa các khoa phòng, giữa các bệnh viện một cách nhanh chóng. Khi thông tin về sức khỏe của người bệnh được thông suốt giữa các tuyến sẽ giúp việc chẩn đoán và phối hợp điều trị tốt hơn; tránh được các chỉ định cận lâm sàng (siêu âm, xét nghiệm…) trùng lặp.

Hướng tới xây dựng bệnh viện thông minh

Chia sẻ về tầm nhìn cùng những nhiệm vụ trong tâm về CĐS trong ngành Y tế, ông Nguyễn Trường Nam – Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho hay, tầm nhìn của CĐS ngành Y tế tới năm 2030 là việc ứng dụng công nghệ số trong hầu hết các hoạt động, dịch vụ của ngành Y tế, hình thành nền Y tế thông minh với ba nội dung chính là phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh. Cụ thể, Y tế hướng tới những giải pháp trọng tâm và toàn diện, bao gồm: phát triển nền tảng CĐS, phát triển chính phủ số trong Y tế, phát triển kinh tế số trong Y tế, phát triển xã hội số trong Y tế, CĐS trong chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh, CĐS bệnh viện. Trong đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số toàn diện (AI, Big Data, ký số, IoMT, điện toán đám mây...), xây dựng bệnh viện điện tử, không giấy tờ, y tế từ xa.

Ông Nguyễn Trường Nam – Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế chia sẻ tại hội thảo.

Ông Nguyễn Trường Nam – Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế chia sẻ tại hội thảo.

Bên cạnh đó, các giao dịch điện tử ngày càng trở nên phổ biến và hạn chế lớn nhất trong các giao dịch điện tử chính là việc ràng buộc trách nhiệm của các bên liên quan cũng như đảm bảo tính xác thực của các giao dịch. Chữ ký điện tử, chữ ký số ra đời dùng để ký các văn bản điện tử nhằm thúc đẩy giao dịch điện tử. Để bệnh án điện tử, bảo hiểm y tế điện tử thực sự có thể trao đổi, giao dịch trên môi trường số hay lưu trữ điện tử trong tổ chức thì cần có công cụ xác thực, bảo đảm tính đúng đắn, chính xác, toàn vẹn của dữ liệu, đó chính là vai trò của ký số. Vì vậy, chữ ký số, lưu trữ điện tử là những hệ thống CĐS quan trọng trong bất kỳ tổ chức nào, giúp hình thành quy trình số hoàn chỉnh.

Hội thảo đã có những trao đổi cởi mở, sâu sắc giữa các diễn giả và hơn 270 điểm cầu. Các diễn giả đều nhận định, năm 2022 sẽ là năm thúc đẩy mạnh mẽ CĐS ở mọi ngành, mọi cấp, toàn dân và toàn diện trên địa bàn TP, là chìa khóa để Hải Phòng phát triển bền vững. Chính vì vây, CĐS đối với ngành Y tế sẽ là tiền đề cho các lĩnh vực cùng bứt phá để CĐS trên mọi lĩnh vực của TP Cảng sẽ diễn ra thành công…

Theo Pháp Luật Plus