VietTimes có cuộc phỏng vấn dài với BS Trần Thanh Thuỷ - Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng - bên lề buổi họp báo phát động Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2021 tại TP Đà Nẵng.
Chuyển đổi số mạnh mẽ trong ngành Y
Phóng viên: - Xin BS cho biết về Đề án Chuyển đổi số trong y tế của Thành phố Đà Nẵng hiện tại đã triển khai đến đâu và năm 2020 vừa rồi Đà Nẵng đã thu được các thành tựu gì từ chuyển đổi số trong ngành Y?
BS Trần Thanh Thuỷ: - Có thể nói chuyển đổi số là xu thế tất yếu, diễn ra trên toàn bộ mọi mặt của đời sống xã hội. Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 5316/QĐ-BYT ngày 22/12/2020 phê duyệt chương trình chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến 2030, với 4 nhóm mục tiêu: phát triển chính phủ số trong y tế, xã hội số trong y tế, chuyển đổi số trong phòng bệnh và chăm sóc sức khoẻ người dân và chuyển đổi số trong khám chữa bệnh. Sở Y tế Đà Nẵng cũng đang xây dựng đề án chuyển đổi số, phát triển y tế thông minh.
UBND TP Đà Nẵng đã ban hành khung kiến trúc ứng dụng CNTT ngành Y tế, nhằm tăng cường khả năng kết nối, liên thông, tích hợp, chia sẻ sử dụng lại cơ sở hạ tầng thông tin đồng bộ, tăng cường chỉ đạo ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính, triển khai thành công và có hiệu quả trong dịch vụ công trực tuyến.
Tăng cường nhận thức trong ứng dụng CNTT đối với cán bộ y tế và người bệnh, nhân dân khi sử dụng dịch vụ y tế, dịch vụ công trực tuyến (đăng ký lịch tiêm chủng, khám chữa bệnh qua mạng, thanh toán không dùng tiền mặt…) Công tác đầu tư hạ tầng thiết bị số được quan tâm, triển khai kết nối băng thông rộng tại tất cả các cơ sở y tế. Các đơn vị đã bước đầu bố trí nhân lực CNTT để đáp ứng.
Một số BV trên địa bàn đã được đầu tư hạ tầng số khá tốt như BV Ung Bướu, BV Đà Nẵng, BV Phụ sản – nhi, Trung tâm Y tế Hải Châu… đều đã có trang bị camera, phòng server và bố trí nhân lực CNTT.
Về dữ liệu số, trong những năm qua, ngành y tế TP đã xây dựng và đưa vào sử dụng các cơ sở dữ liệu số như: Quản lý dữ liệu khám, chữa bệnh, hồ sơ sức khỏe công dân, dữ liệu ghi nhận BN mắc bệnh ung thư trên địa bàn TP, quản lý dữ liệu về cơ sở hành nghề y, dược, quản lý trang thiết bị y tế toàn ngành; dữ liệu về phác đồ điều trị, nghiên cứu khoa học.
Đà Nẵng đã triển khai hệ thống một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3-4;được tích hợp với cổng thanh toán trực tuyến và hệ thống thông tin chính quyền điện tử thành phố. Tất cả các đơn vị trực thuộc Sở đã thực hiện quản lý văn bản điều hành trên phần mềm; một số phần mềm quản lý chuyên ngành như phần mềm kế toán DAS, phần mềm báo cáo số liệu thống kê trực tuyến.
Toàn bộ 16 BV trực thuộc Sở Y tế đều đã thực hiện khám, chữa bệnh điện tử, đã kết nối liên thông thực hiện giám định khám chữa bệnh bảo hiểm y tế điện tử. Hiện nay, ngành y tế đã lập được 96% hồ sơ y tế điện tử công dân, được tích hợp, đồng bộ dữ liệu khám, chữa bệnh, triển khai y tế điện tử với 16/16 bệnh viện và 56/56 trạm y tế xã phường trên địa bàn thành phố.
Rất nhiều chuyên gia chuyển đổi số đã đến tham dự họp báo phát động Giải thưởng chuyển đổi số tại Đà Nẵng sáng 6/4 (Ảnh: Hoà Bình) |
Chuyển đổi số trong phòng bệnh, chữa bệnh
*Có thể thấy BV thông minh mang lại nhiều lợi ích cho cả bác sĩ lẫn người bệnh? Công việc chuyển đổi số đã thực hiện tại các BV ở Đà Nẵng cụ thể như thế nào, thưa bác sĩ?
BS Trần Thanh Thuỷ: - Ngành Y tế Đà Nẵng trong những năm qua đã rất chủ động trong công tác ứng dụng CNTT phục vụ chuyên môn và người bệnh. Các đơn vị đều đã chủ động nâng cấp hạ tầng, xây dựng phần mềm, cải tiến truy trình để ứng dụng CNTT được tốt hơn. Hiện nay, 16/16 BV đã triển khai các nội dung ứng dụng CNTT theo Thông tư 54/2017/TT-BYT của Bộ Y tế về Bộ tiêu chí ứng dụng CNTT tại cơ sở khám chữa bệnh. Kết quả kiểm tra năm 2020 thì 50% các đơn vị trên địa bàn đã đạt được mức 4/7.
Cụ thể, các BV đã triển khai hệ thống đặt lịch khám qua mạng, phần mềm quản lý thông tin bệnh viện qua đó từng bước quản lý toàn diện các thông tin đăng ký, đặt lịch hẹn, thông tin KCB nội ngoại trú, các thông tin về chỉ định và kết quả thực hiện cận lâm sàng, quản lý phác đồ điều trị, quản lý thuốc, vật tư y tế, thanh toán viện phí, BHYT…
Một số BV đã thí điểm thực hiện quản lý hồ sơ bệnh án điện tử, không sử dụng bệnh án giấy tại một số khoa, triển khai hệ thống PACs và sử dụng AI trong chẩn đoán hình ảnh, hệ thống đón tiếp tự động thông qua KIOS tại BV, thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt… Chẳng hạn như BV Đà Nẵng, BV Hoà Vang, BV Sơn Trà đã kết nối dữ liệu để chia sẻ thông tin về chẩn đoán hình ảnh, góp phần nâng cao công suất, hiệu suất, chất lượng và tối ưu hoá quy trình khám chữa bệnh, theo hướng nhanh hơn, chính xác hơn, công khai, minh bạch tại cơ sở y tế trong quá tình KCB cho người dân.
Toàn cảnh cuộc họp báo phát động Giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam tại Đà Nẵng đang diễn ra với sự tham dự của hàng trăm đại biểu, chuyên gia, doanh nghiệp quan tâm chuyển đổi số (Ảnh: Hoà Bình) |
*Xin hỏi BS, để thực hiện chuyển đổi số trong y tế, ngành y trên địa bàn Đà Nẵng có gặp phải các khó khăn, thách thức về con người, nhân sự, phương tiện?
BS Trần Thanh Thuỷ: Sự thực là, đội ngũ nhân sự CNTT tại một số đơn vị còn mỏng, đòi hỏi tính chuyên môn cao nên khó khăn trong đáp ứng yêu cầu. Trong khi xu thế chuyển đổi số đòi hỏi đội ngũ nhân sự CNTT buộc phải có chất lượng cao hơn.
Trang thiết bị CNTT tại một số đơn vị xuống cấp hoặc số lượng không đảm bảo yêu cầu. Để triển khai phần mềm quản lý BV có kết nối với các thiết bị y tế, các trang thiết bị chuyên dụng như máy CT, MRI, X-quang… đòi hỏi kết nối tương thích với hệ thống thiết bị điều khiển (driver) giao tiếp với máy tính.
Đầu tư cho trang thiết bị CNTT cũng đòi hỏi kinh phí lớn, trong khi quy định về chi phí cho ứng dụng CNTT chưa được cơ cấu trong giá dịch vụ khám chữa bệnh. Tỷ lệ chi cho ứng dụng CNTT trong các đơn vị còn thấp. Một số đơn vị triển khai các ứng dụng còn rời rạc, thiếu tính liên kết, chưa hình thành được một hệ thống liên hoàn.
Dịch vụ y tế được cải thiện
*Thưa BS, xin BS cho biết các phương tiện hỗ trợtư vấn y tế từ xa, hội chẩn tư vấn KCB từ xa, Hội chẩn tư vấn chẩn đoán hình ảnh từ xa, Hội chẩn tư vấn giải phẫu bệnh từ xa, Hội chẩn tư vấn phẫu thuật từ xa… có thật sự phát huy được vai trò trong khám chữa bệnh tại các BV ở Đà Nẵng?
BS Trần Thanh Thuỷ: - Lợi ích của việc KCB từ xa, hội chẩn từ xa là làm cho khả năng tiếp cận với dịch vụ y tế của người dân được cải thiện, góp phần cứu chữa được nhiều người mắc bệnh nặng mà trước đây phải chuyển lên tuyến trên hoặc đi nước ngoài KCB.
Sử dụng hội chẩn trực tuyến từ xa đã đóng góp quan trọng vào kết quả điều trị người bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố trong thời gian qua. Cụ thể, đã triển khai các điểm cầu họp trực tuyến, đào tạo trực tuyến, thực hiện hội chẩn các ca bệnh nặng với Hội đồng chuyên môn quốc gia...
Hiện nay, Đà Nẵng đã triển khai các đơn vị KCB đăng ký tham gia hệ thống KCB từ xa của các BV tuyến trên, theo phân công của BYT. Mục tiêu của đề án KCB từ xa này là chất lượng khám chữa bệnh phải vươn cao, vươn xa, nâng cao năng lực KCB cho tuyến dưới, giảm tải cho tuyến trên để tuyến trên được tập trung giải quyết những vấn đề đúng tuyến. Và người dân được hưởng những lợi ích của việc KCB chất lượng cao ngay từ tuyến dưới. Tuy nhiên, Sở Y tế cũng nhận thức đây là một vấn đề phải triển khai bài bản, có hệ thống.
Hoà Bình (thực hiện)