Ông Nguyễn Trường Nam – Phó Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin Bộ Y tế
Ông Nguyễn Trường Nam – Phó Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin Bộ Y tế

E-magazine Chuyển đổi số y tế: Người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, đặc biệt trong dịch Covid-19

VietTimes – Với những sản phẩm chuyển đổi số xuất sắc trong y tế, Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) từng 2 lần được vinh danh tại Giải thưởng Chuyển đổi số của Hội Truyền thông số Việt Nam 2020 và 2021.

Tháng 11/2018, tại buổi làm việc với Bộ Y tế về chuyển đổi số trong y tế, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đánh giá cao Bộ Y tế trong cơ chế một cửa ASEAN, cơ chế một cửa Quốc gia. Giai đoạn đại dịch Covid-19, ngành y tế tiếp tục là điểm sáng về chuyển đổi số, góp phần quan trọng để vừa phòng, chống đại dịch, vừa hoàn thành nhiệm chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Năm 2021, Bộ Y tế là cơ quan đầu tiên hoàn thành dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và về đích trước 5 năm.

Với những thành tích xuất sắc về chuyển đổi số trong y tế, Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) đã 2 lần được trao Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam ở hạng mục Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc.

Nhân ngày Chuyển đổi số Việt Nam 10/10, VietTimes đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Trường Nam – Phó Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin - xung quanh vấn đề này.

Có thể nói, những năm qua, ngành y tế đã có những bước đột phá trong chuyển đổi số. Ông có thể cho biết nguyên nhân đưa đến kết quả này?

Ông Nguyễn Trường Nam: Năm 2014, Việt Nam chính thức triển khai cơ chế một cửa quốc gia. Đây là nền tảng quan trọng trong việc tham gia cơ chế một cửa Asean theo đúng cam kết lộ trình của các nước trong khu vực. Thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Bộ Y tế đã triển khai hoàn thành 55 thủ tục hành chính theo thẩm quyền (đặc biệt, Bộ Y tế đã là bộ, ngành triển khai thành công đầu tiên dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và về đích trước thời hạn) và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn, danh mục hàng hoá … tạo hành lang pháp lý cho các cá nhân, tổ chức khi tham gia Cơ chế một cửa quốc gia .

Trong đại dịch Covid-19, ngành y tế cũng đẩy mạnh chuyển đổi số trong phòng ngừa và kiểm soát dịch, góp phần ngăn chặn, giảm tốc độ lây lan dịch tại Việt Nam.

Đạt được những kết quả đó là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ với việc đưa ra những định hướng, nhiệm vụ và hỗ trợ cho Bộ Y tế triển khai thành công. Ngoài ra còn có sự hỗ trợ của các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính đã phối hợp, kết nối các thủ tục hành chính liên quan cơ chế một cửa Asean.

Bên cạnh đó là sự quyết tâm và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Y tế, sự đồng lòng phối hợp thực hiện của các Vụ, Cục, đơn vị thuộc Bộ và tất cả các đơn vị trong toàn ngành y tế.

Liên tiếp 2 năm liền, 2020 và 2021, Cục Công nghệ Thông tin đã được vinh danh tại Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam ở hạng mục Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc. Ông có thể cho biết, sau 2 Giải thưởng này, các sản phẩm của Cục đã tiếp tục đóng góp cho công chăm sóc sức khỏe nhân dân như thế nào?

Ông Nguyễn Trường Nam: Cục Công nghệ Thông tin rất vinh dự khi 2 lần được nhận giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam ở hạng mục Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc. Đây cũng chính là kết quả đạt được như tôi nói ở trên là về cơ chế một cửa Asean, dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 về đích trước 5 năm cũng như các kết quả trong chuyển đổi số về phòng, chống dịch.

Từ kết quả đạt được, chúng tôi tiếp tục nỗ lực phát triển, hoàn thiện hơn nữa các giải pháp sản phẩm, đặc biệt là đối với các cổng dịch vụ công trực tuyến cũng như cổng dịch vụ một cửa điện tử Bộ Y tế, để tiếp tục cung cấp các dịch vụ hành chính công tới người dân và doanh nghiệp tốt hơn nữa.

Bên cạnh đó, chúng tôi đang xây dựng kho dữ liệu số về giải quyết thủ tục hành chính và kết nối hệ thống giải quyết thủ tục hành chính một cửa Bộ Y tế với các kho dữ liệu quốc gia, tạo liên kết về dữ liệu để đảm bảo thuận lợi hơn nữa trong việc giải quyết thủ tục hành chính Bộ Y tế và với cả quốc gia.

Ngoài ra, chúng tôi cũng đang triển khai hoàn thiện các hệ thống giám sát, đánh giá chất lượng thủ tục hành chính, cũng như mở thêm các tiện ích để giúp các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp khi tham gia vào cơ chế quốc gia được thuận tiện thuận lợi hơn tại Bộ Y tế.

Sản phẩm bệnh án điện tử hiện đã thực hiện đến đâu và mục tiêu đến 2025 cả nước không còn bệnh án giấy có đạt được không, thưa ông?

Ông Nguyễn Trường Nam: Ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh được các chuyên gia đánh giá là một trong những lĩnh vực khó khăn và phức tạp nhất so với các lĩnh vực khác. Chuyển đổi số trong khám, chữa bệnh liên quan đến sức khỏe, tính mạng người dân, nếu triển khai không đảm bảo chất lượng theo yêu cầu cũng như quy trình, sẽ tạo ra những hiệu ứng, kết quả ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Chúng tôi đang có kế hoạch thúc đẩy việc ứng dụng CNTT và chuyển đổi số tại các cơ sở khám, chữa bệnh với việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các thông tư hướng dẫn các đơn vị triển khai ứng dụng CNTT, cũng như chuyển đổi số bệnh viện hiệu quả.

Ví dụ như Thông tư 54 về xây dựng bộ tiêu chí ứng dụng bệnh viện, giúp các bệnh viện ứng dụng hiệu quả, hoặc Thông tư 46 hướng dẫn quy định về bệnh án điện tử để các đơn vị triển khai đúng định hướng của Bộ Y tế; hay Thông tư 48 về trích chuyển dữ liệu để giúp cho công tác thanh toán, giám định bảo hiểm y tế thuận lợi và dễ dàng, chính xác, minh bạch; các Thông tư về y tế từ xa và Thông tư về hoạt động y tế trên môi trường mạng vv…

Đấy là những hành lang pháp lý để thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng CNTT tại các cơ sở khám, chữa bệnh cho hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Về mục tiêu đến 2025 các bệnh viện có thể chuyển sang bệnh án điện tử mà không cần bệnh án giấy, thì đến nay, về mặt kỹ thuật nghiệp vụ cơ bản, các bệnh viện đã sẵn sàng.

Tuy nhiên, còn liên quan đến nguồn lực đầu tư. Hầu hết các bệnh viện đều được quản lý ở các địa phương, khi đẩy mạnh CNTT, bệnh án điện tử thì nếu các địa phương quan tâm tạo điều kiện bố trí kinh phí cho các bệnh viện triển khai, thì năm 2025 hoàn toàn có thể triển khai bệnh án điện tử thay thế bệnh án giấy.

Telehealth là giải pháp rất hiệu quả trong giai đoạn cách ly xã hội để giúp bệnh nhân cũng như các bệnh viện tuyến dưới được tư vấn. Ông có thể cho biết thêm những kết quả đạt được thời gian qua và liệu có tiếp tục được duy trì?

Ông Nguyễn Trường Nam: Trong thời gian dịch Covid-19, Telehealth đã khẳng định được vai trò và sự cần thiết, cũng như sự đón nhận của các cơ sở y tế và người dân. Một trong những kết quả nổi bật của ứng dụng Telehealth giúp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, là cứu sống bệnh nhân 91 người Anh. Bệnh nhân đặc biệt nặng, nếu không có hệ thống Telehealth, có sự hỗ trợ hội chẩn của các chuyên gia giáo sư đầu ngành từ Hà Nội giúp cho Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị, không chắc bệnh nhân đó đã sống được.

Trong đại dịch, Telehealth cũng giúp người dân tiếp cận các cơ sở y tế, các bác sĩ. Khi cách ly, người dân không thể đi khám, chữa bệnh được, nhưng thông qua Telehealth, người bệnh, đặc biệt là các ca cấp cứu, đã được kết nối tới cơ sở y tế và bác sĩ.

Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đã có chính sách thúc đẩy triển khai Telehealth trong toàn quốc, cho tới tận tuyến xã. Bộ đã ban hành quyết định số 2628 ngày 22/06/2020 của Bộ Y tế về phê duyệt Đề án "Khám, chữa bệnh từ xa" giai đoạn 2020-2025. Đến nay, đã có hơn 100 bệnh viện tham gia vào mạng lưới của đề án này và đang có rất nhiều đơn vị tiếp tục đăng ký tham gia.

Đề án là sự hỗ trợ chuyên môn của bệnh viện tuyến trên với tuyến dưới. Thông qua hỗ trợ những ca khó, cán bộ y tế y tế của tuyến dưới tham khảo, học hỏi và được đào tạo về chuyên môn.

Hiện ngành y tế đã kết nối được gần 2.000 điểm cầu Telehealth của các bệnh viện, từ trung ương đến địa phương. Bên cạnh đó, chúng tôi đang phối hợp với UNDP thí điểm triển khai phần mềm ứng dụng bác sĩ xã, tập trung hỗ trợ cho cán bộ trạm y tế, người dân có thể tiếp cận được các bác sĩ tuyến trên, các bác sỹ giỏi.

Từ kết quả của thí điểm, chúng tôi sẽ đánh giá, nhân rộng mô hình để các trạm y tế được triển khai y tế từ xa thông qua ứng dụng kết nối, hỗ trợ hội chẩn trực tuyến, cũng như tư vấn khám bệnh từ xa cho bà con vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Người dân là trung tâm phục vụ

Cục Công nghệ Thông tin có vai trò quan trọng trong vấn đề chuyển đổi số của ngành y tế. Xin ông cho biết Cục đang có kế hoạch nào trong chuyển đổi số ngành y? Kế hoạch này có mục tiêu như thế nào?

Ông Nguyễn Trường Nam: Đứng trước bối cảnh về chuyển đổi số và các nhiệm vụ đặt ra của Chính phủ cũng như của lãnh đạo Bộ Y tế, Cục Công nghệ Thông tin là đơn vị tham mưu cho Bộ triển khai các nhiệm vụ về quản lý nhà nước và ứng dụng CNTT trong khám, chữa bệnh và chuyển đổi số của ngành y tế.

Với những kết quả đạt được, chúng tôi có kế hoạch tiếp tục thúc đẩy hiệu quả hơn nữa công tác chuyển đổi số của ngành y tế, với việc tham mưu cho lãnh đạo Bộ ban hành chương trình chuyển đổi số y tế đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, trong đó đưa ra nhiều kế hoạch, định hướng cần chuyển đổi số ngành y tế để các đơn vị triển khai hiệu quả.

Thời gian gần đây chúng tôi sẽ ban hành kế hoạch thúc đẩy các nền tảng số y tế quốc gia. Đây là 4 nền tảng số nằm trong 35 nền tảng số quốc gia mà Ủy ban Quốc gia số đã yêu cầu các bộ, ngành thực hiện phục vụ cho chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số và chính phủ số. Đó là nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử, nền tảng tiêm chủng, nền tảng tư vấn khám bệnh từ xa và nền tảng trạm y tế.

Nền tảng hồ sơ sức khỏe tử: Mục tiêu là đảm bảo đến 2025 mỗi người dân đều có một hồ sơ sức khỏe điện tử để quản lý, theo dõi trong toàn bộ cuộc đời. Người dân đi khám bệnh không phải mang giấy tờ gì, vì tất cả đều được số hóa và lưu trữ dưới hình thức điện tử. Hồ sơ sức khỏe điện tử còn giúp cán bộ y tế có được thông tin về quá trình lịch sử khám, chữa bệnh của người bệnh, để việc khám, chữa bệnh hiệu quả, chất lượng hơn.

Nền tảng tiêm chủng giúp quản lý toàn diện về công tác tiêm chủng trên toàn quốc, trong đó có tiêm chủng mở rộng, tiêm chủng về phòng chống dịch, nhất là Covid-19.

Nền tảng tư vấn khám, chữa bệnh từ xa giúp cho việc kết nối dễ dàng hơn, đồng bộ hơn giữa các cơ sở y tế trong công tác triển khai Telehealth, để bà con vùng sâu, vùng xa tiếp cận với các bác sĩ giỏi; các cán bộ y tế tuyến dưới kết nối với các bệnh viện, và các cơ sở y tế tuyến trên để nâng cao trình độ chuyên môn.

Nền tảng trạm y tế: Trạm y tế là cơ sở y tế tuyến đầu chăm sóc sức khỏe người dân tại địa phương nhưng có tình trạng cán bộ ít (mỗi trạm chỉ có 5-7 cán bộ y tế), trình độ chuyên môn còn hạn chế so với các bệnh viện, nhưng số lượng phần mềm triển khai lại nhiều (có trạm gần 10 phần mềm). Mặc dù cùng quản lý thông tin sức khỏe người dân trên địa bàn, nhưng các phần mềm lại không liên thông dữ liệu với nhau nên bất cập, thậm chí thông tin về người dân bị sai lệch.

Nền tảng trạm y tế sẽ giúp thống nhất được mỗi một trạm y tế chỉ có một phần mềm quản lý toàn diện người dân theo từng nhóm lĩnh vực mà Bộ Y đã ban hành, từ đó giảm chỉ còn một phần mềm quản lý được toàn diện công tác khám bệnh, chữa bệnh cũng như sức khỏe người dân.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang xây dựng kế hoạch triển khai thiết kế bộ mã định danh về thiết bị y tế và dược phẩm và xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý danh mục các mã định danh này. Bởi hiện nay việc quản lý các thiết bị y tế và dược phẩm vẫn chưa thể truy xuất nguồn gốc được, dẫn đến chưa quản lý toàn diện, sâu sát, minh bạch được về thiết bị y tế cũng như dược phẩm.

Nhưng khi thống nhất được mã định danh theo hướng quốc tế, sẽ giúp chúng ta quản lý được các thiết bị y tế, dược phẩm một cách sâu sát và minh bạch, tiến tới truy xuất nguồn gốc, sau khi nhập về Việt Nam thì sẽ quản lý được thiết bị y tế, thuốc đi đâu và đang ở đâu.

Với doanh nghiệp Việt Nam, khi sản xuất thuốc xuất khẩu ra thế giới, mã định danh cũng giúp thế giới định danh, truy xuất được nguồn gốc các thuốc ở Việt Nam (theo kế hoạch trong năm nay sẽ hoàn thành thiết kế bộ mã định danh thiết bị y tế và dược phẩm, sang năm sẽ đưa vào triển khai cơ sở dữ liệu quản lý mã định danh).

Là đơn vị đã 2 lần được vinh danh Giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam. Ông có thể cho biết ý kiến của mình về ý nghĩa của Giải thưởng này?

Ông Nguyễn Trường Nam: Giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam rất có ý nghĩa trong bối cảnh kỷ nguyên số, thời kỳ 4.0. Giải thưởng khẳng định kết quả đạt được của các đơn vị tham gia thực hiện chuyển đổi số, một trong những cái nhìn thấy rõ nét trong thời kỳ 4.0 là gì. Chuyển đổi số chính là một đầu ra và Giải thưởng này vinh danh các đơn vị, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt công tác chuyển đổi số. Nhiều đơn vị vẫn mơ hồ trong khái niệm chuyển đổi số, lẫn với khái niệm tin học hóa đã ứng dụng trước đây, mà quên rằng, khác biệt nhất là không phải làm mới phần mềm đó nữa, mà quan trọng là kết nối chia sẻ và điều chỉnh thay đổi được phương thức chu trình, phương thức thực hiện hiệu quả hơn, đem ra giá trị lớn hơn. Từ dữ liệu khai thác được, sẽ ra được quyết định điều hành, thông qua nghiên cứu mô hình bệnh tật và các dự báo.

Giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam sẽ giúp lan tỏa các kết quả thành công, để các đơn vị còn băn khoăn sẽ nhìn vào đó để thấy kết quả thực tiễn, đầu ra cụ thể và mạnh dạn triển khai chuyển đổi số, thậm chí học hỏi những đơn vị liên quan đã thành công để áp dụng cho hiệu quả. Giải thưởng chuyển đổi số còn góp phần chuyển biến về nhận thức về chuyển đổi số, tạo nên niềm tin và thúc đẩy mạnh mẽ hơn cho các đơn vị trong cộng đồng.

Xin cám ơn ông đã trao đổi!

Thanh Hằng (thực hiện)

Ảnh: Văn Lâm