“Chuyển đổi đã khó, chuyển đổi số còn khó hơn một bậc”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Để chuyển đối số trong bệnh viện có hiệu quả, các đơn vị muốn chuyển đổi số phải có một tầm hiểu biết nhất định về vấn đề này, đồng thời, đào tạo được cán bộ, nhân viên có trình độ và đảm bảo về kinh tế.

BS. CKII. Nguyễn Quốc Hùng - Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh (Ảnh: Minh Thuý)
BS. CKII. Nguyễn Quốc Hùng - Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh (Ảnh: Minh Thuý)

Đây là chia sẻ của BS. CKII. Nguyễn Quốc Hùng - Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh - tại Toạ đàm chuyển đổi số và quản trị dữ liệu trong lĩnh vực y tế do Hội truyền thông Số Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) tổ chức.

Trao đổi với PV VietTimes, BS. CKII. Nguyễn Quốc Hùng cho biết: "Chuyển đổi số tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh là chuyển đổi từ cách làm thủ công (làm bằng tay, viết giấy) sang cách làm hiện đại (làm việc bằng máy tính, thiết bị thông minh). Chuyển đổi đã khó, chuyển đổi số còn khó hơn một bậc. Các đơn vị muốn chuyển đổi số đầu tiên phải có một tầm hiểu biết nhất định về vấn đề này. Sau đó, phải đào tạo được cán bộ, nhân viên, có nguồn lực và kinh tế."

Theo BS. CKII. Nguyễn Quốc Hùng, việc ứng dụng công nghệ thông tin để lưu trữ hồ sơ bệnh án, phim chụp X-quang đóng vai trò vô cùng quan trọng (Ảnh: Minh Thuý)
Theo BS. CKII. Nguyễn Quốc Hùng, việc ứng dụng công nghệ thông tin để lưu trữ hồ sơ bệnh án, phim chụp X-quang đóng vai trò vô cùng quan trọng (Ảnh: Minh Thuý)

Việc ứng dụng công nghệ thông tin để lưu trữ hồ sơ bệnh án, phim chụp X-quang đóng vai trò vô cùng quan trọng giúp bác sĩ, nhân viên y tế giảm tối đa thời gian tìm kiếm, sắp xếp dữ liệu (chưa đến 1 phút là có thể tìm kiếm được dữ liệu). Sắp tới, với sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong chia sẻ dữ liệu sẽ được triển khai mạnh mẽ trong toàn ngành Y tế mang lại nhiều lợi ích cho người dân, tiết kiệm nguồn lực khi nhiều chẩn đoán, xét nghiệm không phải làm lại, đồng thời, lưu trữ được lượng dữ liệu lớn làm kinh nghiệm để chẩn đoán và điều trị bệnh cho người dân.

Để bệnh viện không sử dụng giấy thì việc số hoá là điều kiện bắt buộc để lưu trữ thông tin. Nếu không số hoá, lưu trữ bệnh án ở bệnh viện kịp thời thì việc xử lý bệnh án giấy gặp rất nhiều khó khăn. Không chỉ vậy, nếu không số hoá được phim chụp X-quang sau chẩn đoán hình ảnh thì phim được in ra không đảm bảo (thời gian lưu trữ ngắn khoảng 3-4 tháng sẽ bị hỏng, ẩm; chỉ có thể huỷ sau 10 năm theo quy định của Bộ Y tế).

Bác sĩ khám bệnh cho bệnh nhân tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh (Ảnh: BVCC)

Bác sĩ khám bệnh cho bệnh nhân tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh (Ảnh: BVCC)

Trước mắt, để đảm bảo việc chia sẻ dữ liệu y tế được trơn tru thì phải có một cơ sở dữ liệu chung giữa các bệnh viện, Sở Y tế và Bộ Y tế. Việc chia sẻ dữ liệu y tế không thể triển khai ở một vài cơ sở y tế mà phải thực hiện đồng bộ để đảm bảo tính bảo mật thông tin cho người bệnh.

Hiện nay, dữ liệu trong bệnh án điện tử đang được người dân đặc biệt quan tâm. Khi triển khai bệnh án điện tử, Bộ Y tế và Cục Công nghệ Thông tin của Bộ đã thành lập Hội đồng thẩm định để tiến hành kiểm tra, giám sát tính bảo mật thông tin trong bệnh án của bệnh nhân.

Nếu như trước kia bệnh án phải in ra giấy, phim thì đến nay nhân viên y tế, bác sĩ chỉ cần sử dụng máy tính, thiết bị hiện đại. Tuy nhiên, để làm được điều này, các cơ sở y tế phải đầu tư cơ sở, trang thiết bị hiện đại, đặc biệt là triển khai phần mềm quản lý bệnh viện. “Phần mềm quản lý bệnh viện đòi hỏi sự đầu tư lớn nên tôi kỳ vọng Chính phủ, Bộ Y tế sẽ đưa ra định mức phù hợp đối với việc chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế.” – ông Hùng nói.

Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh là 1 trong 3 bệnh viện thực hiện thí điểm Đề án xây dựng bệnh viện thông minh do Sở Y tế Quảng Ninh triển khai từ năm 2017.

Đến nay, cả 3 bệnh viện gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, Bệnh viện Bãi Cháy, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh đã kết nối thông suốt với nhau trên nền tảng công nghệ thông tin, hoàn chỉnh các hệ thống quản lý thông tin bệnh viện (HIS), hệ thống thông tin xét nghiệm (LIS), hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh y khoa (PACS) và bệnh án điện tử (EMR).

Trong đó, bệnh án điện tử là giải pháp quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu bệnh viện không giấy tờ, giúp cho việc quản lý hồ sơ bệnh án dễ dàng và thuận tiện.

Ngoài bệnh án điện tử, các bệnh viện đều có những ứng dụng thông minh như đăng ký khám và trả kết quả Online; thiết bị KIOSK thông tin cho bệnh viện để tiếp nhận người bệnh; thanh toán không sử dụng tiền mặt; chữ ký số; chỉ định, chăm sóc, theo dõi người bệnh trên máy tính của xe tiêm thông minh; biểu đồ chỉ số tổng thể bệnh viện; hệ thống nhắn tin SMS cho bệnh nhân,…