Chưa nên điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia, rượu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Quan điểm này được TS. Võ Trí Thành nêu tại Hội thảo "Góp ý xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)", diễn ra sáng nay (4/7).

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh

Theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với bia, rượu ra đời nhằm mục đích ngăn ngừa các tác động có hại của sản phẩm này tới xã hội.

Mục tiêu của Chính phủ là tìm giải pháp cân bằng đối với cung - cầu rượu, bia nhằm đảm bảo hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội (đáp ứng nhu cầu cần thiết, lành mạnh nhưng giảm thiểu tác động tiêu cực) và nguồn thu ngân sách.

Tuy nhiên, ông Thành cho rằng đây là nhiệm vụ phức tạp, cần được nhìn nhận kỹ lưỡng, đa chiều.

Theo ông Thành, có 3 phương pháp đánh thuế chủ yếu hiện nay gồm: thuế tương đối, áp dụng thuế suất theo tỷ lệ phần trăm (như doanh thu); thuế tuyệt đối, áp dụng mức thu tuyệt đối (như theo đơn vị sản phẩm); thuế hỗn hợp, áp dụng cả thuế tương đối và thuế tuyệt đối.

Để đạt mục tiêu dài hạn và tuân thủ quy tắc quốc tế, Việt Nam nên dần chuyển từ áp dụng thuế tương đối sang áp dụng thuế hỗn hợp và cuối cùng là thuế tuyệt đối. Tuy nhiên, thời điểm thay đổi thuế suất và phương pháp tính thuế cần được cân nhắc khi hiện nay thị trường còn nhiều khó khăn.

Cụ thể, thuế TTĐB hỗn hợp hay tuyệt đối về nguyên tắc sẽ làm tăng giá tương đối của các dòng sản phẩm phân khúc phổ thông so với dòng sản phẩm phân khúc cao cấp.

Do đó, nếu thu thuế theo phương pháp tuyệt đối hoặc hỗn hợp sẽ tạo áp lực lớn đối với sản phẩm phổ thông giá thấp, ảnh hưởng đến sản xuất và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất rượu bia thương hiệu Việt trong nước.

Với mục tiêu chính sách và thực trạng thị trường bia rượu Việt Nam hiện nay, ông Thành đề xuất giữ nguyên phương pháp tính thuế TTĐB tương đối và chưa điều chỉnh thuế suất thuế TTĐB đối với bia rượu cho đến năm 2025. Thuế suất thuế TTĐB tương đối có thể tăng vào năm 2026, khoảng 5-10%.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần nghiên cứu kỹ về cung – cầu, thị trường bia rượu cùng điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam và các kịch bản khác nhau khi áp dụng phương pháp đánh thuế.

“Trên cơ sở đó và tính đến kinh nghiệm quốc tế, cân nhắc khoảng năm 2030 có thể áp dụng phương pháp đánh thuế TTĐB hỗn hợp với bia rượu”, ông Thành nói và cho rằng bước đầu có thể áp dụng thuế suất thuế tuyệt đối nhiều bậc và điều chỉnh thuế suất tương đối.

Ông Thành nhấn mạnh, trong mọi trường hợp, việc thực hiện hiệu quả các giải pháp chính sách khác như hỗ trợ đào tạo, chống buôn lậu, hàng giả hàng nhái, truyền thông nâng cao nhận thức và tăng cường trách nhiệm giải trình… có ý nghĩa rất quan trọng trong đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội, nguồn thu ngân sách và giảm thiểu hệ lụy tiêu cực của bia rượu đối với đời sống./.