Các "ông lớn" xin ưu đãi thuế, Lego lại muốn bảo vệ môi trường và hỗ trợ lao động tại Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Các nhà chức trách Việt Nam không thể tin rằng chúng tôi yêu cầu sử dụng nguồn năng lượng tái tạo và hỗ trợ lao động, thay vì xin ưu đãi thuế, theo Phó Chủ tịch Lego Preben Elnef.

Leo cho rằng các doanh nghiệp ngoại khi tới Việt Nam không nên đặt vấn đề chi phí rẻ lên hàng đầu (Ảnh: Nikkei)
Leo cho rằng các doanh nghiệp ngoại khi tới Việt Nam không nên đặt vấn đề chi phí rẻ lên hàng đầu (Ảnh: Nikkei)

Là hãng sản xuất đồ chơi lớn nhất thế giới, Lego đã chọn tỉnh Bình Dương dựa trên các tiêu chí về xử lý chất thải, tiết kiệm nước và sử dụng năng lượng mặt trời, Phó Chủ tịch Lego Preben Elnef cho biết tại diễn đàn về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) diễn ra tại TP. HCM, hôm 1/6.

Tháng 12/2021, Tập đoàn Lego đã ký kết biên bản ghi nhớ với Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) để xây dựng một nhà máy mới tại Bình Dương.

Dự án này có tổng vốn đầu tư hơn 1 tỉ USD, dự kiến sẽ được triển khai vào nửa cuối năm 2022 và bắt đầu đi vào hoạt động trong năm 2024, góp phần tạo ra 4.000 việc làm.

Đây cũng là nhà máy thứ 6 của Lego trên thế giới, nhằm giúp tập đoàn đến từ Đan Mạch mở rộng mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đại diện Lego cũng đưa ra một thông điệp quan trọng, đó là các khoản đầu tư cần phụ thuộc việc bảo vệ môi trường. “Bạn cần phải thực sự nghiêm túc về các mục tiêu về môi trường,” ông Elnef nói, thêm rằng công ty ông “sẽ kiểm soát” quy trình để đạt được các mục tiêu đó.

Ông cho biết thêm, Lego đang tìm cách thu hút thêm đội ngũ nhân viên. Tuy nhiên, lao động nhập cư thường sống trong ký túc xá hoặc gặp khó khăn trong việc đăng ký cho con họ đến trường, và Lego đã đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ trong vấn đề này.

Theo ông Elnef, cách tiếp cận ban đầu của Lego đã khiến các nhà chức trách tại Việt Nam "ngạc nhiên". Họ không thể tin vào việc hãng sản xuất đồ chơi yêu cầu sử dụng nguồn năng lượng tái tạo và hỗ trợ lao động, thay vì yêu cầu ưu đãi thuế.

“Họ thường phải gặp gỡ các công ty đến nói rằng “Chúng tôi hưởng ưu đãi thuế đặc biệt trong vòng 10 – 20 năm tới, hoặc một dạng hỗ trợ tài chính nào đó””, ông nói.

Phát biểu của ông Elnef được đưa ra chỉ vài ngày sau khi hãng Reuters đưa tin rằng, các nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam đã kêu gọi chính quyền cấp cho họ tổng cộng 200 triệu USD mỗi năm, do dự kiến thuế tăng. Hơn 130 quốc gia có kế hoạch đặt mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% để chống lại “cuộc đua xuống đáy về thuế doanh nghiệp”, khi mà chính phủ các nước chạy đua thu hút các nhà đầu tư thông qua giảm thuế.

Cũng tại sự kiện này, đại diện Lego kêu gọi các nhà máy chuyển dịch sang Việt Nam cần phải ngừng đặt lợi nhuận lên trên việc bảo vệ môi trường, trong bối cảnh làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc tiếp tục đưa thêm nhiều doanh nghiệp mới vào Việt Nam.

Phó Chủ tịch Lego Preben Elnef đã chỉ trích việc các công ty ấn định chi phí ngắn hạn, cho rằng họ cần phải chịu trách nhiệm về chi phí sản xuất sạch.

“Nhiều công ty tập trung vào việc “hãy tìm một nơi có chi phí sản xuất rẻ, chúng ta chỉ cần bán sản phẩm với lợi nhuận cao nhất””, ông Elnef nói. “Nhưng chúng ta cần phải thay đổi tư duy đó”.

Thuế tối thiểu toàn cầu là gì?

Thuế tối thiểu toàn cầu là một loại thuế do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng. Hiện 142/142 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam đồng thuận. Với loại thuế này, các tập đoàn, công ty lớn có doanh thu từ 750 triệu Euro trở lên sẽ đều phải đóng thuế 15%, dù là ở bất kỳ quốc gia nào.

Thỏa thuận mức thuế chung toàn cầu cũng nhằm mục đích kết thúc “30 năm cuộc đua xuống đáy về thuế doanh nghiệp” khi các nước cạnh tranh nhau giảm thuế để thu hút công ty nước ngoài, theo bà Yellen, Bộ trưởng Tài chính Mỹ.

Thuế doanh nghiệp luôn là vấn đề khiến chính phủ các quốc gia phải đối đầu với các tập đoàn lớn cùng đội ngũ tư vấn thuế dày dặn kinh nghiệm. Một bên luôn muốn thu nhiều hơn, bên kia luôn dùng nhiều chiến thuật để đóng thuế ít nhất có thể.

Các công ty đa quốc gia có thể đăng ký kinh doanh ở những “thiên đường thuế” (tax havens) – những nước có mức thuế thấp và chính sách bảo mật thông tin doanh nghiệp cao, khai báo thuế hợp pháp tại đây và trốn được đáng kể tiền thuế ngay cả khi lợi nhuận của công ty chủ yếu đến từ việc bán hàng ở các quốc gia khác.

Có thể thấy, khi đạt thỏa thuận về mức thuế toàn cầu tối thiểu, chiến thuật trốn thuế doanh nghiệp bằng cách chuyển lợi nhuận sang các “thiên đường thuế” không còn thực hiện được nữa.

Mức thuế tối thiểu toàn cầu sẽ được tính trên lợi nhuận các công ty thu được ở nước ngoài. Các chính phủ vẫn có thể đặt ra bất kỳ mức thuế doanh nghiệp nào họ muốn, nhưng nếu các công ty trả mức thuế thấp hơn ở một nước nào đó, chính quyền ở bản quốc (home government) có thể tăng thuế của họ lên mức tối thiểu, loại bỏ lợi thế của việc dịch chuyển dòng lợi nhuận.

Hiện nay, hơn 1.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, trong đó, hơn 70 doanh nghiệp có khả năng chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu ngay từ năm 2024./.

Theo Nikkei Asia, IMF, Reuters, Economist