Ông Tạ Xuân Tr. (69 tuổi, ở Hiền Ninh, Sóc Sơn) mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đã nhiều năm nay. Căn bệnh quái ác hành hạ khiến ông bị khó thở nặng, không thể leo cầu thang hoặc đi bộ dù chỉ 100 – 200m. Khi bệnh trở nặng, chức năng hô hấp của phổi ở dưới mức 50%, khiến ông phải nằm viện điều trị.
Bác sĩ tư vấn điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
|
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính không thể chữa khỏi hoàn toàn, song, nếu không được điều trị sớm và dứt điểm sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm hơn. Hiểu được điều này, ông Tr. chấp nhận điều trị bằng phương pháp ghép tế bào gốc tự thân từ mô mỡ.
Ca phẫu thuật ghép tế bào gốc của ông Tr. diễn ra từ tháng 11/2018, đến nay đã được 11 tháng. Quãng thời gian điều trị dài gần 1 năm đã có những kết quả tích cực, tình trạng sức khỏe của ông Tr. cải thiện rõ rệt.
“Tôi đã đi bộ được quãng đường dài hơn, leo được cầu thang tầng cao hơn mà không bị khó thở hoặc chỉ bị khó thở nhẹ. Khi xuất hiện các cơn khó thở, tôi có thể tự kiểm soát theo hướng dẫn của bác sĩ mà không phải vào viện” – Ông Tr. nói.
Thành quả này đến từ nỗ lực ứng dụng đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước “Nghiên cứu sử dụng tế bào gốc tự thân từ mô mỡ và tủy xương trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính” tại Bệnh viện Bạch Mai từ năm 2017. Đến nay, có 40 bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp này.
Để được điều trị bằng phương pháp tế bào gốc, bệnh nhân phải mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính mức độ nặng trở lên, ở độ tuổi từ 40 đến 80, có chức năng hô hấp kém hơn 60%, có ít nhất 2 đợt cấp hoặc ít nhất 1 đợt cấp phải nhập viện trong 1 năm trước đó.
Bác sĩ Chu Thị Hạnh - Phó giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai - tư vấn cho bệnh nhân
|
Trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, phương pháp tế bào gốc cho thấy nhiều triển vọng. Để điều trị, các bác sĩ sử dụng loại tế bào gốc đa năng trưởng thành lấy từ tủy xương, mô mỡ…
“Những tế bào này có thể biệt hóa thành nhiều loại tế bào khác nhau, có khả năng di chuyển đến vùng tổn thương, kháng viêm, điều hòa miễn dịch; giúp tránh được nguy cơ liên quan đến thải ghép” - PGS.TS Chu Thị Hạnh - Phó giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai nói.
Các tế bào gốc đa năng trưởng thành tác động đến cơ chế của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, làm chậm tiến triển của bệnh, cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
“Kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy chưa có biến cố bất lợi nào liên quan đến truyền tế bào gốc tự thân từ mô mỡ, tủy xương. Sức khỏe của các bệnh nhân đều có sự cải thiện rõ rệt và có phản hồi tích cực khi được điều trị bằng tế bào gốc. Sức khỏe của các bệnh nhân đều có sự cải thiện rõ rệt và có phản hồi tích cực khi được điều trị bằng tế bào gốc. Chúng tôi hy vọng đây sẽ là hướng điều trị triển vọng cho các bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính” – Bác sĩ Chu Thị Hạnh chia sẻ.