Cuối chiều hôm nay, 6/8, đại diện Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết: Ông Lương Ngọc Khuê đã làm việc với lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An, lãnh đạo BV Hữu nghị Đa khoa Nghệ An và Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế (có sự tham gia của các chuyên gia đến từ BV Bạch Mai); kiểm tra hiện trạng của đơn vị chạy thận. Từ đó, ông Khuê đã chỉ đạo BV tiếp tục thực hiện các giải pháp chuyên môn, đảm bảo an toàn cho người bệnh tại tất cả các khoa, phòng; đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan tìm nguyên nhân gây ra sự cố và khắc phục hậu quả.
Ông Lương Ngọc Khuê làm việc với lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An, BV Hữu nghị Đa khoa Nghệ An và Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế
|
“Chỉ khi nào các giải pháp về an toàn người bệnh được đảm bảo, mới cho bệnh nhân tiếp tục chạy thận” - ông Khuê yêu cầu.
Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cũng chỉ đạo Sở Y tế, BV động viên các nhân viên y tế thực hiện tốt nhiệm vụ; phối hợp với các BV có khoa, đơn nguyên thận nhân tạo, như BV Giao thông vận tải Vinh và BV Quân y 4 và gia đình người bệnh để chăm sóc và điều trị cho người bệnh tốt nhất.
Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh đã thăm hỏi và tặng quà cho bệnh nhân nặng đang điều trị tại BV Hữu nghị Đa khoa Nghệ An.
Trước đó, ngày 2/8, sau khi sự cố xảy ra, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã gửi công văn yêu cầu Sở Y tế Nghệ An chỉ đạo BV Hữu nghị đa khoa Nghệ An khẩn trương tập trung cứu chữa, chăm sóc, giảm thiểu hậu quả của sự cố y khoa trên người bệnh và cho BV; nhanh chóng có biện pháp để duy trì điều trị cho các người bệnh chạy thận tại BV trong thời gian ngắn hạn và lâu dài.
Thăm hỏi và tặng quà cho bệnh nhân nặng đang điều trị tại BV Hữu nghị Đa khoa Nghệ An
|
Cục quản lý Khám, chữa bệnh cũng yêu cầu Sở Y tế Nghệ An tổ chức họp Hội đồng chuyên môn để phân tích xác định nguyên nhân, xử lý sự cố y khoa, báo cáo, phản hồi và đưa ra giải pháp khắc phục, phòng ngừa tránh lặp lại sự cố y khoa ; đề xuất các vấn đề chuyên môn cần chỉ đạo, hỗ trợ từ Bộ Y tế và các đơn vị trực thuộc.
Theo báo cáo của Bệnh viện, ngày 30/7, trong quá trình chạy thận, 10 bệnh nhân đang lọc máu có dấu hiệu bất thường. Trong đó, 4 bệnh nhân đã tự khỏi sau khi kết thúc cuộc lọc, theo dõi tại BV trong thời gian 30 phút nên đã được ra viện. 6 bệnh nhân còn lại có biểu hiện nặng hơn với các triệu chứng rét run, sốt, mệt, khó thở khi đang lọc máu được 2 – 3h. Các bệnh nhân đã được hạ sốt, ngừng lọc máu, trong đó 3 bệnh nhân hết triệu chứng sau khi ngừng lọc máu khoảng 20 – 30 phút, theo dõi không thấy các triệu chứng nặng nên đã được cho về. 3 bệnh nhân có biểu hiện sốt, rét run, tụt huyết áp, khó thở nên đã được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực chống độc.
Sáng ngày 31/7, 2/3 bệnh nhân nặng đã được đến BV Bạch Mai (Hà Nội) theo yêu cầu của gia đình. Bệnh nhân còn lại là bà Đặng Thị Trường tiếp tục điều trị và hiện đã hồi phục.