Sự việc của anh Dần bắt đầu từ tháng 3/2019 khi anh tới Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh để khám vì bị tê đầu ngón tay phải khi gập cổ xuống. Sau khi thăm khám, bác sĩ nghi ngờ anh có khối u tủy ở cổ kích thước 1 x 0,9 cm, vì vậy anh Dần được chuyển tới Bệnh viện Bạch Mai để phẫu thuật.
Giấy chuyển tuyến khám bệnh của anh Dần
|
Anh kể, khi tới Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ không khám, hay tư vấn cho anh, mà dựa vào bệnh án ở tuyến dưới để cho anh nhập viện, điều trị tại Khoa Phẫu thuật thần kinh. Trong gần 15 ngày chờ đợi phẫu thuật, anh không được khám mà chỉ được chụp Xquang phần ngực, xét nghiệm máu. Anh Dần cũng đồng ý chấp nhận phẫu thuật và tuân thủ chỉ định của bác sĩ vì cảm thấy lo lắng khi mình mắc u tủy.
Tuy nhiên, sau ca phẫu thuật, anh thấy toàn thân tê bì, mất hết cử động tứ chi. Anh tiếp tục tuân thủ chỉ định, luyện tập trị liệu thêm 2 tháng nhưng tình trạng tê bì toàn thân vẫn không cải thiện. Trước tình trạng của anh Dần, các bác sĩ chỉ định anh đi chụp MR và đưa mẫu sinh thiết đi xét nghiệm tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Kết quả, anh chỉ bị viêm tủy không cần phải phẫu thuật.
Thời gian tiếp theo, khi đã hết thời gian nằm viện, anh Dần được chuyển về bệnh viện tỉnh để điều trị phục hồi chức năng. Đến nay, anh vẫn chưa đi lại được, mọi sinh hoạt phải phụ thuộc vào người khác trợ giúp.
Bệnh viện Bạch Mai - nơi xảy ra vụ việc.
|
Nghi ngờ mình bị mổ nhầm, anh Dần đi khám lại tại một bệnh viện tư nhân khác, rồi mang kết quả tới Bệnh viện Bạch Mai để hỏi bác sĩ mổ, nhưng chỉ được hướng dẫn phục hồi chức năng thêm nửa năm.
Chia sẻ với báo chí, TS. Đồng Phạm Cường (Khoa Phẫu thuật thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai) - người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân Dần, cho biết các bác sĩ đã hội chẩn toàn viện và thống nhất bệnh nhân có u tủy, dựa trên phim MRI có chất lượng tốt do Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cung cấp.
Trường hợp của anh Dần khó phẫu thuật do có vết thương ở nội tủy. Các bác sĩ vừa mổ vừa sinh thiết để đánh giá bệnh. Sau nhiều lần giải phẫu, bác sĩ nhận được kết quả bệnh của anh Dần là u giả viêm, chèn ép thần kinh động mạch.
Sau khi phẫu thuật, các tổn thương viêm vẫn còn trong cơ thể bệnh nhân và các tổn thương này chỉ vừa mới hết sau quá trình điều trị bằng kháng sinh, chống viêm. Do đó, khi bệnh nhân đến bệnh viện khác chụp phim CT lại sau một thời gian khác chỉ còn hình ảnh thoát vị đĩa đệm nhẹ.