Chủ tịch Hà Nội: Từ 6-7 ngày, chu kỳ lây COVID-19 ở Thủ đô rút ngắn chỉ còn 2 ngày

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trước đây, chu kỳ lây nhiễm COVID-19 là từ 6-7 ngày, sau rút ngắn xuống còn 3-4 ngày. Đến nay, chu kỳ lây ở Hà Nội chỉ còn 2 ngày.
Ông Chu Ngọc Anh - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội - chủ trì hội nghị giao ban thường kỳ (Ảnh - Xuân Hải)
Ông Chu Ngọc Anh - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội - chủ trì hội nghị giao ban thường kỳ (Ảnh - Xuân Hải)

Đây là ý kiến của ông Chu Ngọc Anh - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội – về biến chủng của virus SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan nhanh, gây nhiều khó khăn trong công tác điều tra, truy vết, khoanh vùng dập dịch – tại hội nghị giao ban thường kỳ UBND TP. Hà Nội diễn ra vào sáng nay, ngày 27/5.

Còn 2 chùm ca bệnh chưa xác định được nguồn lây

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh: Hà Nội vừa trải qua 1 tháng vất vả, cả hệ thống chính trị các cấp từ 27, 28-4 đến nay đã căng sức trên mọi mặt trận vừa chống dịch, vừa thực hiện mục tiêu kép.

Về việc biến chủng của virus SARS-CoV-2 nguy hiểm, có tốc độ lây lan nhanh gây nhiều khó khăn trong công tác điều tra, truy vết, khoanh vùng dập dịch, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết: “Các chuyên gia cho rằng chu kỳ lây nhiễm của SARS-CoV-2 trước đây là từ 6-7 ngày, sau rút ngắn xuống 3-4 ngày, và thực tiễn ở Hà Nội vừa qua chỉ còn 2 ngày. Tuy nhiên, chiến thuật ứng phó với COVID-19 của thành phố vẫn đúng đắn, hiệu quả. Cơ bản các chùm ca bệnh đã được kiểm soát, chỉ còn 2 chùm ca bệnh mới đang được các lực lượng chức năng tập trung khoanh vùng, dập dịch”.

Toàn cảnh hội nghị (Ảnh - Xuân Hải)

Toàn cảnh hội nghị (Ảnh - Xuân Hải)

Thực tế, sau rất nhiều giải pháp quyết liệt, có ngày toàn thành phố không ghi nhận thêm ca nhiễm mới trong cộng đồng, có những số ca nhiễm giảm, song từ ngày 23/5 đến nay đã phát sinh thêm ổ dịch COVID-19 mới tại Công ty cổ phần tập đoàn T&T (số 2 Phạm Sư Mạnh, Hoàn Kiếm) và tòa Park 11, khu đô thị Times City chưa xác định được nguồn lây.

“Từ những mốc thời gian này, thành phố cần có giải pháp dứt khoát hơn nữa, thần tốc hơn nữa để sớm khống chế, kiểm soát dịch bệnh. Như trong hôm qua, quận Hoàng Mai đã xét nghiệm cho tất cả người dân ở Park 11 Times City và sẽ tiếp tục mở rộng xét nghiệm để sàng lọc. Phải nhanh chóng kiểm soát, ổn định tình hình” – ông Chu Ngọc Anh nói.

Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho hay: Công điện 11 về việc đóng cửa hàng cắt tóc, gội đầu, nhà hàng ăn uống chỉ được bán mang về đã được người dân, tiểu thương, các cửa hàng đã ủng hộ, chấp hành nghiêm túc. Lực lượng cơ sở như công an, dân phố, dân phòng đã vào cuộc quyết liệt có nhiều hình ảnh xúc động về sự sẻ chia.

Tăng cường kiểm tra, phát hiện kịp thời trường hợp nghi ngờ

Bà Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế TP. Hà Nội - cho biết: Cộng dồn từ ngày 29/4 đến nay, thành phố đã phát hiện 149 ca mắc COVID-19 tại 20 quận, huyện.

Chùm ca bệnh tại 2A Phạm Sư Mạnh và tòa nhà Park 11 Times City đã có 38 F0 và đã điều tra được 422 trường hợp F1 và liên quan đã được cách ly và lấy mẫu xét nghiệm, kết quả ngoài các trường hợp dương tính trên thì còn lại là âm tính lần 1.

Từ chùm ca bệnh này, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Việc quản lý các chung cư cao tầng, các tổ hợp văn phòng chưa chặt chẽ, chưa kịp thời phát hiện các trường hợp có yếu tố dịch tễ. Ngoài ra, các chùm ca bệnh, ổ dịch khác đã cơ bản được kiểm soát, chỉ ghi nhận những ca đã cách ly tập trung. Về ca mắc tại tại Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (2 F0 tại Bắc Ninh) chưa ghi nhận ca mắc trên địa bàn Hà Nội có liên quan.

Bà Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế TP. Hà Nội (Ảnh - Trung Nguyên)

Bà Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế TP. Hà Nội (Ảnh - Trung Nguyên)

Hiện, toàn Thành phố còn 66 điểm phong tỏa tại 19 quận huyện thị xã (Hoàng Mai 14, Thanh Trì 7, Thanh Xuân 7, Long Biên 6, Đống Đa 5, Sóc Sơn 4, Gia Lâm 4, Thường Tín 4, Hai Bà Trưng 3, Đông Anh 2, Bắc Từ Liêm 2, Phúc Thọ 1, Hà Đông 1, Thanh Oai 1, Hoàn Kiếm 1, Cầu Giấy 1, Sơn Tây 1, Thạch Thất 1, Ba Đình 1) với khoảng gần 20.000 người.

Theo bà Hà, việc phong tỏa sẽ thực hiện linh hoạt, phong tỏa rộng để xét nghiệm sàng lọc đánh giá nguy cơ, sau đó thu hẹp quy mô phù hợp với tình hình thực tế nhưng kiểm soát chặt chẽ khu vực phong tỏa.

Gần đây, tình hình dịch COVID-19 tại tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh vẫn diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là tại các khu công nghiệp (KCN) (tỉnh Bắc Giang 1.520 ca, Bắc Ninh 624 ca). Hà Nội đã rà soát được 473 người làm việc tại các KCN của Bắc Giang và 3.014 người làm việc tại các KCN của Bắc Ninh nhưng cư trú trên địa bàn Hà Nội, kết quả xét nghiệm đều âm tính.

Để tăng cường phòng, chống dịch, Giám đốc Sở Y tế TP. Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã phải chỉ đạo các xã phường thị trấn tiếp tục giao trách nhiệm cho Tổ COVID cộng đồng rà soát những người làm việc tại các khu công nghiệp của tỉnh lân cận nhưng cư trú trên địa bàn để theo dõi, quản lý.

Hỗ trợ Bắc Giang và Bắc Ninh chống COVID-19

Theo Giám đốc Sở Y tế TP. Hà Nội, với phương châm phòng chống dịch chủ động từ xa, giúp bạn cũng là bảo vệ mình, Hà Nội đã hỗ trợ công tác phòng, chống dịch cho tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh.

Tại Bắc Giang, Hà Nội đã cử Đoàn công tác gồm 27 cán bộ có kinh nghiệm đến hỗ trợ tỉnh. Đoàn công tác đã tổ chức 10 lớp tập huấn, hướng dẫn chuyên môn cho khoảng 300 người về các nội dung: kỹ năng phòng hộ và an toàn sinh học; quy trình cách ly tập trung; hướng dẫn kiểm tra hoạt động của các khu cách ly tập trung; điều tra, truy vết các đối tượng liên quan (F1, F2...).Trực tiếp tham gia điều tra, truy vết, lấy mẫu bệnh phẩm liên quan tới 26 bệnh nhân dương tính.

Đoàn công tác đã lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân các khu công nghiệp, đối tượng trong các khu cách ly tập trung với 16.029 mẫu (11.064 mẫu do CDC Hà Nội xét nghiệm, còn lại do Bệnh viện Đại học Y xét nghiệm).

Hà Nội cũng đã hỗ trợ xét nghiệm 12.835 mẫu cho tỉnh Bắc Ninh.“Hiện nay Thường trực Thành ủy đã thống nhất tiếp tục hỗ trợ xét nghiệm cho 20.000 mẫu, và tặng 10.000 kit test xét nghiệm Realtime-PCR cho Bắc Giang” - bà Hà cho biết.